Tạp chí Sông Hương -
Nhiều hoạt động sôi nổi sau tết Mậu Tuất 2018
09:15 | 26/02/2018

Sau dịp tết Mậu Tuất 2018, khắp nơi trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống cầu mong một năm mới bình an, mọi việc suôn sẻ, mùa màng bội thu…

Nhiều hoạt động sôi nổi sau tết Mậu Tuất 2018

Tưng bừng hội vật truyền thống làng Thủ Lễ

Sáng ngày mồng 6 Tết Mậu Tuất (21/2), hội vật truyền thống làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền) khai hội, thu hút đông đảo người dân nhiều địa phương đến tham gia và cổ vũ. Hội vật được tổ chức trước Đình làng Thủ Lễ, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về để theo dõi. Theo các bậc cao niên hội vật làng Thủ Lễ có từ thời các chúa Nguyễn vào trấn thủ đất Thuận Hóa, được xem là hội vật cổ xưa nhất của xứ Huế, gắn với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến nay, hội vật trở thành một một bữa tiệc tinh thần rất lớn với người dân Cố đô nói chung và huyện Quảng Điền nói riêng mỗi dịp đầu xuân...

 

 

Lễ hạ nêu, khai ấn đầu năm tại Đại Nội Huế

Sáng ngày 22/02 ( tức 07 Tết Mậu Tuất), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tổ chức tái hiện Lễ Hạ nêu và Khai ấn cung chúc tân xuân tại Thế Miếu và điện Long An theo đúng phong tục xưa. Lễ Hạ nêu bao gồm các phần như cúng nêu, nhạc lễ; đại nhạc, tiểu nhạc, đánh chuông trống và tiến hành hạ cây nêu. Cây nêu ở sân trước Thế Miếu được hạ trước rồi sau đó là đến cây nêu ở điện Long An. Sau lễ Hạ nêu là phần Khai ấn cung chúc tân xuân. Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy hành chính trung ương ngày xưa với hy vọng cả năm mọi việc suôn sẻ, nhiều thành công, đất nước được thái bình thịnh trị.

 

Đua ghe Niêm Phò

Sau hội vật truyền thống làng Thủ Lễ là ngày hội đua ghe truyền thống của làng Niêm Phò (xã Quảng Thọ, Quảng Điền) vào mùng 7 Tết. Các đội đua đã có mặt từ rất sớm để làm lễ hạ ghe và bố cáo thần linh cầu mong một giải đua thắng lợi. Từ 7 giờ sáng, người dân đã đứng chật kín hai bên dòng sông để cổ vũ. Các tay chèo đã thể hiện sức mạnh, tài năng sông nước, sự chuyên nghiệp, khéo léo để chiến thắng trước sự cổ vũ, reo hò của đông đảo khán giả. Được biết, thông qua giải đua ghe này nhằm mục đích cầu cho năm mới có nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu, đồng thời tăng sự đoàn kết trong cộng động dân cư.

 

 

Nhộn nhịp đua trãi trên sông Vực

Sau những ngày Tết, người dân khắp mọi nơi lại đổ về sông Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy để xem và cổ vũ cho các đội tham gia giải đua trãi thuyền truyền thống vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm. Đây là giải đua truyền thống được thị xã Hương Thủy tổ chức với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Giải năm nay quy tụ 10 đội đua mạnh trên địa bàn thị xã Hương Thủy tham gia, mỗi đội gồm 14 vận động viên. Lễ hội đua trãi truyền thống không chỉ phục vụ cho việc vui xuân, tạo khí thế sôi nổi cho một năm mới mà còn có ý nghĩa rất thiết thực trong việc rèn luyện thể chất, kỹ năng chinh phục sông nước, thiên tai lũ lụt, vui chơi giải trí của nhân dân. Ngoài ra tăng cường mối quan hệ giao lưu giữa các địa phương góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quê hương…

Khai hội đền Huyền Trân

Trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng Âm lịch (tức 23 và 24/02) đã diễn ra lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề “Ngưỡng vọng Tiền nhân” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế). Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương đến dâng hương, dự lễ. Lễ hội được diễn ra với các nghi lễ truyền thống và các chương trình nghệ thuật đặc sắc tái hiện cuộc đời và công lao to lớn của công chúa Huyền Trân - ái nữ của Đức vua Trần Nhân Tông, người mà cách đây 712 năm đã hy sinh tình riêng để nên duyên với vua Chiêm Thành là Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này mà mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành trở nên thân thiết. Từ đây lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam thông qua việc vua nước Chiêm Thành tặng hai châu Ô, Lý (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu tỉnh Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn của Quảng Nam ngày nay) để làm quà sính lễ, lập nên vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế. Ngoài phần nghi lễ chính, phần hội năm nay được ban tổ chức chú trọng với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phong phú đa dạng như: thi đấu cờ tướng, biểu diễn võ cổ truyền, chương trình múa lân sư rồng, hội bài chòi, hội đẩy gậy, trò chơi dân gian, trình diễn thư pháp, trưng bày các sản phẩm truyền thống Huế như: hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, nhang trầm, các quầy hàng lưu niệm, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống,... nhằm tạo bầu không khí vui tươi trong những ngày đầu năm mới.

 

Hội vật làng Sình

Hội vật làng Sình tồn tại hơn 400 năm nay từ thời chúa Nguyễn nhằm để tuyển chọn trai tráng vào quân đội của triều đình chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, hội vật còn là dịp để người dân thư giãn trước khi chuẩn bị bước vào việc đồng áng trong năm mới.

Theo BTC, tham gia hội vật phần lớn là thanh thiếu niên địa phương thuộc xã Phú Mậu. Ngoài ra, còn có nhiều đô vật đến từ các làng vật nổi tiếng như Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), thành phố Huế, thị xã Hương Trà và các xã khác thuộc huyện Phú Vang. Tiếng trống khai hội “thùng… thùng… thùng” hòa vào với tiếng trọng tài xướng tên các đô vật cùng bước lên sới...  Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, cổ, mắt,... Hội vật làng Sình là hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Các đô vật thi đấu với niềm mong ước: may mắn, khỏe mạnh, cầu cho mùa màng tươi tốt, làng xã được bình yên.

 

 


PV (Tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng