Sáng nay (27/2), chuỗi sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI chính thức khởi động với hội thảo về thơ với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” tại Hà Nội.
Đây là năm đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sự kiện này trong vòng 4 ngày (trước đây chỉ diễn ra đúng vào ngày Rằm tháng Giêng). Bên cạnh hội thảo thơ, ngày 28-2 sẽ diễn ra hội thảo về tiểu thuyết với chủ đề: “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Lâu nay chúng ta mới chỉ làm Ngày Thơ Việt Nam theo nghĩa tôn vinh thi ca, đưa thi ca tới gần hơn với công chúng. Năm nay, Ngày Thơ sẽ được tổ chức như một hình thức thể nghiệm tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.
Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết, từ năm nay trở đi, Ngày Thơ Việt Nam sẽ bắt đầu với 2 hội thảo về thơ và văn xuôi thống nhất diễn ra trong các ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm. Mỗi năm các hội thảo này có chủ đề, cách làm khác nhau để thu hút ngày càng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, công chúng… tham gia, hưởng ứng.
Ngày Thơ Việt Nam năm nay có sự tham gia của 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản. Họ sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ. Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Ban tổ chức thực hiện triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...
Nhà văn Nguyễn Trí Huân- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Vào ngày Nguyên tiêu, sẽ có 17 tiết mục trình diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm đọc thơ, diễn thơ do một số nhà thơ gần gũi với công chúng, chủ nhiệm các câu lạc bộ thơ phụ trách nên tính đại chúng khá cao. Ban tổ chức dựng 34 ki ốt thơ để phục vụ sinh hoạt văn thơ của các câu lạc bộ…
Theo Lưu Anh - ĐĐK