Tạp chí Sông Hương -
"Tớ muốn đi cùng trời cuối đất", thể nghiệm văn học mới dành cho lứa tuổi học trò
08:43 | 20/03/2018

Sau một gian nghiên cứu tìm tòi thể nghiệm, nhà văn Nguyên Hương vừa “trình làng” bộ ba “Tớ muốn đi cùng trời cuối đất” dành cho lứa tuổi học trò với cách viết mới mẻ, sử dụng yếu tố kì ảo khiến tác phẩm thêm phần cuốn hút.

"Tớ muốn đi cùng trời cuối đất", thể nghiệm văn học mới dành cho lứa tuổi học trò

Với những trang viết chân thực, giàu cảm xúc về tuổi học trò, nhà văn Nguyên Hương đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt hai thập kỉ qua với hàng loạt tác phẩm như Lời hứa của mùa hè, Gia sư, Sếp phó, Học trò phố huyện, Hoa rù rì, Ngày có bốn mùa, Nếu chúng mình nắm chặt tay nhau… 

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là nhóm bạn học trò phổ thông cuối cấp với bao lo toan, áp lực học hành thi cử, trong những mối quan hệ bạn bè phức tạp và cả những cảm xúc không gọi thành tên của mối tình đầu.

Trong tác phẩm, độc giả khó có thể quên những nhân vật với cá tính riêng độc đáo: Mai Cát nhạy cảm, sâu sắc; lớp trưởng Sao Khuê giỏi giang, bản lĩnh; Sĩ Kiên hơi “ngông”; Tấn Cường lém lỉnh; Bích Liên hết lòng vì bạn bè; Hồng Lan tự cao, ích kỉ… Có những nhân vật tính cách rõ ràng, nhất quán như Hồng Lan, nhưng cũng có nhân vật đa nhân cách như Sao Khuê, khiến độc giả khó có thể nắm bắt được diễn biến của câu chuyện, luôn tò mò đoán xem sự việc sắp tới sẽ ra sao.

Thế giới học đường với muôn vàn màu sắc, không thiếu những chiêu trò để lấy điểm cao, giành học bổng, thậm chí, để hạ bệ kẻ hơn mình. Nhưng ở đó, tình bạn bè vẫn luôn tỏa sáng, cùng giúp nhau trong lúc khó khăn, động viên nhau vượt qua kì thi căng thẳng, là chỗ dựa cho nhau khi tình cảm đi vào bế tắc…

Nhà văn Nguyên Hương tỏ ra thấu hiểu, nắm bắt và thể hiện tinh tế, sâu sắc cảm xúc mãnh liệt nhưng cũng mơ hồ, bảng lảng như sương của mối tình học trò.

Với khả năng kể chuyện hấp dẫn, nhà văn Nguyên Hương luôn tạo ra những tình huống bất ngờ, khiến độc giả bị cuốn vào câu chuyện một cách tự nhiên. Chia sẻ với bạn đọc, nhà thơ Hường Lý, biên tập bộ sách kể: “Bộ truyện Tớ muốn đi cùng trời cuối đất, chúng tôi đã bàn bạc trao đổi với nhau khá kỹ ngay từ đề cương và trong suốt quá trình chị sáng tác, nhưng thực sự chị vẫn làm tôi bất ngờ khi đọc bản hoàn chỉnh. Chị đưa vào những nhân vật phụ vô cùng độc đáo như ông thày Bảy, Ông Nội, Quý, Đức Khoa…

Chị thay đổi đề cương một cách “chóng mặt”, vì chị sống cuộc sống của nhân vật và để nhân vật dẫn dắt câu chuyện. Và bởi vậy mà chị có những cách xử lý tình huống rất thông minh, như cho mối tình thầm lặng mười mấy năm của Vũ là sự in vết, như chi tiết Vũ bốc khói, giải quyết mọi nút thắt bằng một câu nói dối về điểm toán của Sao Khuê…

Sống với nhân vật “sâu nặng” quá nên hôm chúng tôi làm xong công việc cuối cùng để hoàn tất bộ truyện, chị đã khóc vì phải chia tay những nhân vật của mình làm tôi cũng thấy rưng rưng…”

“Tớ muốn đi cùng trời cuối đất” cho thấy một Nguyên Hương không ngừng sáng tạo, thể hiện bút lực của nhà văn trong hành trình chinh phục độc giả tuổi teen hiện đại.

Theo Thanh Xuân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng