Tạp chí Sông Hương -
Bảo vệ nguồn nước sạch là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta
09:59 | 21/03/2018

Ngày Nước Thế giới năm 2018 được tổ chức vào ngày 22/3 có chủ đề “Nước và Thiên nhiên” càng khẳng định mối tương quan giữa tài nguyên nước với thiên nhiên, cũng như tiềm năng, tầm quan trọng của tài nguyên nước và công tác quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. 

Bảo vệ nguồn nước sạch là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta
Ảnh: Văn Đình Huy

Vì rằng, nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích mặt nước lớn, nguồn nước dự trữ phong phú. Tuy nhiên, những vấn đề về bảo vệ nguồn nước sạch cũng vấp phải không ít khó khăn.

Người dân kêu cứu vì thiếu nguồn nước sạch

Nguồn nước nhiễm bẩn khiến người dân xã Phong Sơn (Phong Điền) lo lắng trước tình trạng bệnh ung thư gia tăng ở xã này. Nhiều quan điểm cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư. Khảo sát sơ bộ cho thấy, 100% người dân các thôn Tứ Chánh, Phổ Lại, Hiền An sử dụng nước sinh hoạt từ những chiếc giếng tự đào. Nguồn nước nhiễm phèn đậm, màu vàng ố nhưng người dân buộc phải sử dụng trong nhiều năm liền.

Do không có nước sạch để sinh hoạt, mỗi ngày hàng trăm hộ dân ở thôn Châu Thành, xã Lộc An, huyện Phú Lộc phải sử dụng nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng. Trước đây, mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, giặt, uống, nấu ăn đều sử dụng nguồn nước sông Hói, nhưng hơn 10 năm nay nước sông không thể sử dụng ăn uống được, chủ yếu chỉ tắm, giặt quần áo. Mặc dù năm 2016, chính quyền có thông tin về dự án nước sạch nhưng chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi. Để có nước sạch, hàng ngày người dân phải vượt khoảng 3km ra mua nước bình từ ngoài quốc lộ vào để sử dụng uống và nấu ăn, tắm cho trẻ nhỏ.

Hàng nghìn người dân ven biển Phú Diên cũng bị thiếu nước sạch. Hơn chục năm qua, người dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang phải thường xuyên sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Thiếu nước sạch, mọi sinh hoạt như tắm, giặt… của người dân đều phải dựa vào nguồn nước nhiễm phèn. Dù biết đây là nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng nhiều gia đình vẫn phải sử dụng… Tình trạng thiếu nước sạch tại xã Phú Diên đã diễn ra nhiều năm qua. Với một thời gian dài dùng nguồn nước không đảm bảo, nguy cơ bệnh tật cho con người nơi đây là không thể tránh khỏi.

Mong ước của người dân ở những địa phương nói trên là muốn được nhà nước quan tâm, giúp đỡ sớm đầu tư hệ thống nước sạch tại đây để chúng tôi yên tâm sử dụng. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng các giải pháp khắc phục vẫn chưa tiến hành hiệu quả.

Ảnh Văn Đình Huy

Nhiều sự cố về môi trường nước

Nhiều hoạt động kinh tế, khai thác, sản xuất khiến môi trường nước ở nhiều địa bàn bị ô nhiễm. Điển hình, tình trạng khai thác mỏ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở Phú Lộc. Vào giữa năm 2017, mỏ đất san lấp thôn Tân An Hải được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép cho Cty TNHH Sơn Đình Thu (cùng đóng xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) khai thác. Từ đó đến nay, hoạt động khai thác mỏ gây nên những nguy cơ ô nhiễm môi trường, vấy bẩn nguồn nước uống. Việc khai thác mỏ ảnh hưởng trực tiếp tới một trạm cấp nước sinh hoạt dành cho hàng trăm hộ dân xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) và nước từ đường mỏ còn chảy thẳng vào trường mầm non bên dưới gây nhiều quan ngại cho người dân địa phương.

Một vụ việc khác là ruộng đồng nhuộm tím vì nguồn nước lạ xảy ra ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Vốn nơi đây có khe nước chảy qua cánh đồng Nảy, nơi bà con tổ dân phố 12 phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, đang canh tác có màu tím đỏ lạ, khác hẳn với màu nước thông thường. Khe nước này cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nhiều hộ gia đình trồng lúa trên địa bàn. Người dân than sau khi lội ruộng có nguồn nước lạ thì chân bị ngứa nên bà con rất lo lắng. Hiện tượng này một lần nữa dấy lên nỗi lo về ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sự vô y thức trong xả thải ra môi trường mà hầu như năm nào cũng có một số vụ điển hình được phát hiện.

Nghiêm trọng nhất là sự cố Formosa gây hậu quả nghiêm trọng trong năm 2016. Trong sự cố đó, Huế có đến 3 đợt cá chết. Đợt 1 từ 15.4 đến 24.4 xuất hiện cá chết bất thường từ vùng ven bờ biển của huyện Phong Điền đến Phú Lộc. Đợt thứ 2 từ ngày 26.4 đến 29.4, hải sản chết bất thường ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và cửa Chu Mới (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc). Đợt thứ 3 từ ngày 2.5 xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết tại vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) và các xã Phú Thuận, Phú Hải, TT.Thuận An (huyện Phú Vang), Hải Dương (thị xã Hương Trà).

Tình hình cá chết bất thường gây hoang mang cho người dân. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng hành động. Sở Tài nguyên Môi Trường tỉnh khảo sát đã lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy các thông số về tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Họ bước đầu kết luận: ““Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Kết quả này được cho là sớm nhất trong 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết bất thường. Trong đợt 3, lúc có sự cố cá lồng bị nhiễm nguồn nước ngoài biển vào gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản dọc phá Tam Giang, Sông Hương. Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã chỉ đạo Công ty quản lý và khai thác thủy lợi TT-Huế tiến hành xả nước sông Hương qua đập Thảo Long để đẩy mặn và cải thiện nguồn oxy trong nước góp phần làm sạch phá Tam Giang.

Ảnh Văn Đình Huy


Ngoài ra, nguồn nước ngầm là nguồn tài nguyên thiên nhiên đang được khai thác, sử dụng tuỳ tiện, chưa được quản lý chặt. Qua khảo sát nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng trữ lượng đạt gần 9.200m3/ngày, phân bố tương đối đều ở các địa phương. Riêng đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến môi trường đối với hoạt động khai thác nước ngầm hiện vẫn chưa có tài liệu quan trắc, nên chưa thể đưa ra khuyến cáo nên hay không nên khai thác tại khu vực nào và giới hạn ở mức độ bao nhiêu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, nguồn nước ngầm được xem là dồi dào nhưng không phải là vô hạn. Nếu tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm bừa bãi, không được quản lý chặt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng và tính ổn định nước dưới đất.

Ở bất cứ thời đại nào vấn đề nước sạch cũng hết sức quan trọng. Có thể bạn hay một ai đó đang nghĩ rằng nguồn nước tự nhiên là tài nguyên vô tận, nhưng bạn và người đó đã sai. Nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, nếu tình trạng khai thác và sử dụng không hợp lý như hiện nay còn tiếp diễn thì một ngày không xa sẽ cạn kiệt nguồn nước. Khi đó con người sẽ đứng trước thảm họa không có nước sạch để duy trì sự sống. Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch là quá trình lâu dài và nhiều khó khăn. Song, nếu có sự chung tay của nhà nước và cộng đồng toàn dân thì chắc chắn môi trường của chúng ta sẽ được cải thiện.
 

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, hiện nay có khoảng 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Đến năm 2050 dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể lên tới 30% so với hiện nay.

Ngày nay, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước. Đến năm 2050 con số này có thể tăng lên khoảng 3 tỷ người. Trong khi đó, toàn cầu, hơn 80% lượng nước thải do xã hội tạo ra trở lại môi trường tự nhiên mà không cần xử lý hoặc được đem đi tái sử dụng.

Dự kiến số người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tăng từ 1,2 tỷ tại thời điểm này lên khoảng 1,6 tỷ năm 2050 - chiếm gần 20% dân số thế giới.

Khoảng 64 - 71% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã biến mất từ năm 1900 do các hoạt động của con người. Sự xói mòn đất trồng trọt mang đi từ 25 - 40 tỷ tấn đất mặt hàng năm, điều này gây ảnh hưởng và làm giảm đáng kể sản lượng cây trồng cũng như khả năng hấp thụ nước, carbon và chất dinh dưỡng của đất. Dòng chảy tràn, dòng chảy lũ cũng chứa một lượng lớn ni-tơ và phốt-pho, cũng là một đóng góp chính cho ô nhiễm nguồn nước.

(Nguồn Cục Quản lý Tài nguyên nước: http://dwrm.gov.vn/)



TG (tổng hợp)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng