Tạp chí Sông Hương -
Việt Nam chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Đồ chơi: Hy vọng thì nhiều...
08:07 | 15/06/2009
Khá phổ biến trên thế giới, nhưng phải tới đầu năm 2010, một bảo tàng đồ chơi chuyên biệt mới được triển khai xây dựng tại nước ta. Liệu, đây có phải là một cú hích cho sự phát triển của thị trường đồ chơi trong nước?
Việt Nam chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Đồ chơi: Hy vọng thì nhiều...
Phối cảnh tổng thể Bảo tàng Đồ chơi Việt Nam.

Một "không gian động"

Mang tính chất một bảo tàng tư nhân, dự án Bảo tàng đồ chơi VN do Cenforchil- Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em VN (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN) thực hiện. Nằm trong tổng thể dự án nhà vườn Bình Minh của Cty TNHH Bình Minh, cụ thể là tại đồi Chóc, núi Vua Bà, xã Đồng Xuân, huyện Quốc Oai (Hà Nội), bảo tàng sẽ được khởi công vào năm 2010 và hoàn thành vào năm 2012 với tổng diện tích gần 4ha.

Có thâm niên gần 20 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - GĐ Cenforchil- cho biết: Nét đặc trưng của bảo tàng đồ chơi là một "không gian động" cho khách tham quan. Cụ thể, tại bảo tàng này sẽ không có cảnh từng dòng người nối nhau đi qua mỗi phòng chuyên đề, ngắm và nghe thuyết trình nhưng vẫn bị "cấm sờ vào hiện vật".

Tại mỗi phòng trưng bày diện tích sàn 20x15m, các mẫu đồ chơi sẽ được bày trên tường và cố định bằng keo. Phần sàn nhà được dùng làm nơi sử dụng đồ chơi cho trẻ. Tại đó, đồ chơi mới (giống như các mẫu bày trên tường) sẽ thường xuyên được cung cấp và thay mới.

Bảo tàng sẽ chia theo chuyên đề, được chia theo từng thời điểm sử dụng: Đồ chơi thời bao cấp, đồ chơi của thế hệ 8X, 9X, hoặc thậm chí là đồ chơi của những người nổi tiếng như chính khách hoặc diễn viên.

Tính chất "động" của bảo tàng còn nằm ở việc thiết kế một không gian riêng dành cho việc bảo tồn nghề sản xuất đồ chơi truyền thống. Tại khu vực này, trẻ em có thể tận mắt xem các nghệ nhân làm những thứ đồ chơi như tò he, diều, con quay, khăng, đất nặn... Một khu vực riêng, dành để trưng bày đồ chơi ngoài trời cũng sẽ nằm trong tổng thể bảo tàng, trẻ em tới chơi sẽ được dẫn đi bằng một hành trình khép kín, từ việc thăm mô hình các con vật, chơi trượt cỏ thăm những mô hình đồ chơi dân gian như chơi đu, ném còn, chọi cù, đánh mảng...

Theo đề án, khi được hoàn thành, việc tham quan bảo tàng sẽ miễn phí. Chỉ khi có nhu cầu vào thăm các phòng đồ chơi chuyên đề, trẻ em mới phải mua vé dịch vụ. Một hệ thống cửa hàng giải khát và dịch vụ Internet cũng được thiết kế cho các bậc phụ huynh trong thời gian chờ con em mình khám phá bảo tàng.

Đa dạng đồ chơi: Vẫn là câu hỏi khó!

Hiện, Cenforchil đã thu thập được khoảng 5.000 mẫu đồ chơi. Đa phần, đó là những đồ chơi dân gian truyền thống như diều, chuồn chuồn tre, quân rối, tàu thủy sắt, đồ đất nung, các đồ làm bằng mây tre đan... Việc thu thập những mẫu đồ chơi này không gặp khó khăn gì, vì trung tâm thường xuyên có những chuyến nghiên cứu và tổ chức các hoạt động cho trẻ em tại những làng nghề truyền thống như làng diều Bá Giang (Đan Phượng, Hà Nội), làng chuồn chuồn tre xóm chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội) hay một số khu vực ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, ở phần mảng đồ chơi hiện đại VN và đồ chơi nước ngoài, Cenforchil không gặp thuận lợi, bởi có tới 80% đồ chơi nước ngoài trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc. Số đồ chơi của các nước khác ít gặp và thường có giá khá đắt. Còn đồ chơi hiện đại của ta, những món đồ đạt chất lượng cao (đa phần bằng gỗ) thường có giá khá đắt và chủ yếu được các công ty tư nhân sản xuất để xuất ra nước ngoài.

"Chúng tôi thành lập bảo tàng giữa một thời điểm khó khăn, khi mà ngành đồ chơi truyền thống đang lao đao, còn đồ chơi hiện đại thì trẻ em lại ít điều kiện về kinh tế để tiếp cận" - bà Hường cho biết. Trước mắt, Cenforchild có chủ trương thông qua các diễn đàn, hội thảo, sự kiện, kêu gọi giúp đỡ và lên tiếng kiến nghị về chính sách nhằm cải thiện tình hình...

                                                                                                                Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng