Tạp chí Sông Hương -
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số.
14:59 | 28/03/2018

Chiều ngày 27/3, Sở Văn hóa Thế thao vừa tổ chức buổi tọa đàm về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số.

 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa (internet)

Âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất đa dạng và đậm đà bản sắc. Di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường, các giá trị âm nhạc truyền thống đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức bị mai một, thất truyền.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiết mục đặc sắc như dân ca dân vũ ca ngợi đất nước, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc ; cùng các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian; trình diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ…Trong các lễ hội như  Azakooh, Aza, Ârlao, đám cưới, các lễ hội hiến sinh… của đồng bào dân tộc thiểu số tại luôn có sự lồng ghép những làn điệu dân ca truyền thống.

Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế đã có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc tại địa phương, các chương trình giao lưu văn hóa như ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số được tổ chức hai năm một lần nhằm thúc đẩy sự phát triển rộng rãi phong trào văn hóa văn nghệ, luyện tập và thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống đã và đang có những bất cập, khó khăn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến thiết thực để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số. Nhiều ý kiến cho rằng, các cấp có trách nhiệm nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như các câu lạc bộ tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật, cùng Nhà nước đào tạo những cán bộ cơ sở am hiểu về âm nhạc cổ truyền. Để duy trì và động viên phong trào, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền các dân tộc, phát động các cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc thiểu số, tôn vinh các nghệ nhân dân gian cùng những phần thưởng vật chất xứng đáng; động viên lớp trẻ tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện âm nhạc của dân tộc mình.

Quan tâm đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng chính là khơi dậy ngọn nguồn âm nhạc dân tộc, để nó lan tỏa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số, là cơ sở để sưu tầm, nghiên cứu khai thác cho âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản, cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá âm nhạc dân tộc, nhất là trên sóng phát thanh, truyền hình, trong đó có việc phổ biến dạy và học âm nhạc dân tộc, mở câu lạc bộ dân ca nhạc cổ truyền. Ngoài ra, việc đưa âm nhạc vào trường học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh dân tộc thiểu số cũng là một vấn đề đáng lưu ý cho việc phát huy giá trị âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, cần đưa âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số vào chương trình Festival Huế nhằm giới thiệu, quảng bá những nét độc đáo, riêng biệt của âm nhạc dân tộc ra với bạn bè năm châu.

 

PV

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng