Tạp chí Sông Hương -
Tinh thần văn minh của dân tộc
08:27 | 29/03/2018

Trải qua 150 năm nhưng bài học từ sự kiện Minh Trị Duy tân làm đổi thay nước Nhật tới giờ vẫn còn nguyên giá trị. Tham chiếu các giá trị là cách trả lời câu hỏi tại sao có nước Nhật hiện đại ngày nay. Như nhà tư tưởng chính trong cuộc canh tân này - Fukuzawa Yukichi từng nói: Tất cả nằm ở tinh thần văn minh của một dân tộc.

Tinh thần văn minh của dân tộc
Minh Trị Duy tân đến nay vẫn để lại bài học giá trị với nhiều quốc gia

Tri thức và đạo đức

Khi Fukuzawa ra đời (1835), nước Nhật phong kiến yếu kém đang chịu thất thế trước quyền lực vũ bão của Tây phương, đến khi ông qua đời (1901), Nhật Bản đã vươn mình trỗi dậy thành một quốc gia hiện đại. Lát cắt lịch sử này ghi dấu sức ảnh hưởng của nhà tư tưởng lỗi lạc mà các tác phẩm của ông trở thành “kim chỉ nam” cho những thay đổi thể chế, chính sách quốc gia và ước muốn độc lập. Tác phẩm Khuyến đọc viết để cổ vũ người dân phát triển tinh thần độc lập thông qua việc học tập và rèn luyện để trở thành công dân tốt, có tinh thần tự lực; Phúc ông tự truyện nói về hành trình từ một samuarai cấp thấp nỗ lực kiến tạo tương lai cho đất nước; đặc biệt Khái lược văn minh luận lý giải rõ hành trình một quốc gia phải đi để tạo dựng nền văn minh mới.
 

Buổi bình minh mới của nước Nhật bắt đầu năm 1968 trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động phức tạp. Cuộc tranh luận chí tử của giới trí thức Nhật bấy giờ là làm sao bảo vệ dân tộc; nên bám vào châu Á đề chống lại Tây hóa hay thoát Á, hướng đến phương Tây để cạnh tranh với chính phương Tây; nên duy trì thể chế cũ hay cải tiến truyền thống đã không còn phù hợp… Nhận thức thực tế, Fukuzawa tin rằng cần lý giải hành trình nước Nhật phải đi để tạo dựng nền văn minh mới. Khái lược văn minh luận ra đời gần 10 năm sau khi cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu (1875), mô tả văn minh như dòng chảy tất yếu của loài người, để dân tộc được khai sáng, tự do, công bằng và có những điều tốt đẹp.

Chống lại lối tư duy thủ cựu Nho giáo của Nhật Bản lúc bấy giờ, Fukuzawa khẳng định độc lập quốc gia là mục tiêu và văn minh là cách thức đạt được mục tiêu đó. Muốn không thất thế trước quyền lực vũ bão của phương Tây, người Nhật phải chuyển mình vào quỹ đạo của văn minh khai hóa. Ông cho rằng, tinh thần văn minh là khí chất của một dân tộc, không bán được cũng chẳng mua được, lại càng không phải là thứ dùng sức người mà tạo ra. Nó thể hiện qua tri thức và đạo đức của mọi người dân, muốn có phải biết đón bắt và học hỏi. 

Luôn tìm tòi cái mới

2018 kỷ niệm tròn 150 năm Minh Trị Duy tân - một chuỗi sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Kết quả là nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối thế kỷ XIX, nước Nhật trở thành một cường quốc quân sự vào năm 1905. Và giờ đây, Nhật Bản lại tiếp tục phát triển đất nước theo con đường hiện đại hóa.

Đầu năm 2018, Khái lược văn minh luận được dịch sang tiếng Việt (Công ty Cổ phần sách Omega), trang bìa minh họa hình ảnh các phái đoàn Nhật sang phương Tây học hỏi. Đó cũng là tinh thần khai phóng nổi bật truyền tải trong cuốn sách. Cử các phái đoàn đi học về quản lý hành chính và kỹ thuật là cách Nhật Bản chuẩn bị cho cuộc Duy tân đưa một nước phong kiến trở nên hùng cường về sau. Nhưng thực chất, thành công của cuộc Minh Trị Duy tân xuất phát từ nền móng được bồi đắp lâu đời trước đó. Ấy là truyền thống học hỏi liên tục mà từ “Duy tân” đã ám chỉ ý nghĩa này. Điều này luôn được nhà tư tưởng Fukuzawa nhấn mạnh một cách nhất quát.

Là một đảo quốc tách biệt về địa giới cho phép nước Nhật có thể phát triển ổn định, quá trình học hỏi không bị đứt quãng bởi chiến tranh hay nhiều yếu tố khác. Ngay việc hấp thu các luồng tư tưởng và tinh hoa văn hóa các nước cũng được sàng lọc, điều chỉnh chủ động mà không chịu sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là một lợi thế mà Fukuzawa linh hoạt vận dụng vào tư tưởng học hỏi văn minh phương Tây. Không lý tưởng hóa văn minh phương Tây và cũng không hề vội vã học theo mọi thứ, ông phân tích văn minh có hai loại yếu tố: Những thứ ngoại tại có thể nhìn thấy, dễ theo, và những thứ nội tại thuộc về tinh thần lại khó bắt. Ông đề nghị đón bắt cái khó trước và để cái dễ lại. Cái dễ là máy móc, dụng cụ, kiến thức cụ thể…; cái khó là tinh thần độc lập, thực học… 

Khai hóa văn minh bằng cách học hỏi không máy móc, Fukuzawa muốn chỉ ra đó chính là tư tưởng giúp Nhật Bản tìm tòi cái mới nhưng không mất đi bản sắc. Dựa vào điều kiện lịch sử đặc thù của quốc gia và ý thức kịp thời về nhu cầu bắt vào quỹ đạo mới, Nhật Bản tự tìm kiếm các giá trị phù hợp chứ không học tập thụ động và phụ thuộc. Tinh thần đổi mới như thế đến nay vẫn được duy trì và trở thành bài học cho nhiều quốc gia khác. Như dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu nhận xét: “Kiến giải về văn minh của Fukuzawa sâu sắc một cách giản dị, thâm hậu một cách trong sáng, mãnh liệt một cách nhẹ nhàng. Nhiều ý kiến đến nay, ở nhiều nơi, vẫn còn nguyên giá trị khi mà ta thực tâm muốn văn minh hóa bản thân cũng như xã hội”.

Theo Hải Đường - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng