Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật công cộng: Thừa và thiếu
08:34 | 29/03/2018

Các công trình nghệ thuật công cộng là thành phần không thể thiếu trong quy hoạch và kiến trúc của một đô thị hiện đại. Thế nhưng “ranh giới” trong quan điểm, nhận thức tạo hình mỹ thuật cùng với tâm lý sính ngoại đã ít nhiều làm không gian công cộng biến dạng.

Nghệ thuật công cộng: Thừa và thiếu
Bộ tượng 12 con giáp phản cảm đặt tại khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng). Ảnh: Tình Lê.

Nghệ thuật hay phản cảm?

Nhiều người không khỏi “cười ra nước mắt” với công trình bộ tượng 12 con giáp đặt tại khu du lịch Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng). Ông Vi Kiến Thành- cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phải thốt lên rằng: “Tôi nghĩ bộ tượng này không những không có tính thẩm mỹ mà còn phản cảm”. Theo ông Thành, thông điệp của tác phẩm khi mang đến cho người xem ở đây không có, bởi con thú có như thế nào đi chăng nữa người ta vẫn mong muốn chúng có suy nghĩ và tình cảm của con người bởi con người là tinh hoa nhất của vũ trụ dưới góc độ nhân văn. Còn ở đây không hiểu theo triết lý gì mà lại làm ngược lại. “Xét về tư duy là rất tuỳ tiện. Chính vì thế mà không có giá trị gì về mặt nhân văn cả. Về mặt nghệ thuật cũng không có gì để bàn bởi nó là sản phẩm tùy tiện kiểu giao cho người thợ đục đá theo ý tưởng của người đặt hàng mà thôi”- ông Thành nói.  

Trước đó, năm 2016 tại Hòn Dấu cũng đã trưng bày hình cặp tượng khỉ đang trong tư thế rất phản cảm ngay tại khu vườn tượng của khu nghỉ dưỡng khiến nhiều du khách tham quan phải đỏ mặt. Nhưng có điều lạ trước khi được báo chí phản ánh hầu hết các công trình đều đã tồn tại đây từ rất lâu (gần 10 năm) mà hoàn toàn không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Thậm chí, theo lý giải của những người sở hữu các công trình giải thích đơn giản là “chỉ thích vì thấy hay hay”. 

Nếu như các công trình có “bóng dáng” tư nhân đầu tư “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thiếu sự kiểm soát dẫn tới những công trình phản cảm, thì với các công trình của Nhà nước đầu tư cũng chẳng “tươi tắn” hơn. Tại các công viên có đặt một số tượng điêu khắc dễ nhận thấy rất hiếm công trình để lại ấn tượng với người dân và du khách. Các đề tài của tác phẩm điêu khắc hầu hết đều đơn điệu, nhàm chán như thiếu nữ, chiến sĩ, bông hoa hay mẹ bồng con… Ngoài công viên đã vậy, tại các không gian lớn tại trụ sở cơ quan, khu đô thị, tòa nhà chung cư cũng chẳng khá hơn. Các tác phẩm điêu khắc cái ngoảnh ra, cái ngoảnh vào, cái thòi cái thụt trông lộn xộn, nhức mắt. 

Sản phẩm nghệ thuật nơi công cộng đang rơi vào hoàn cảnh nông cạn về ý tưởng, thiếu thông điệp. Các tác phẩm nhiều khi vu vơ, rời rạc, không có sự liên kết gắn bó giữa các thành tố để tạo được hình tượng và ý tưởng cô đọng, sắc sảo, có cảm giác họa sĩ chỉ dừng lại ở trò chơi chất liệu hay sự tìm tòi thẩm mỹ mới, lạ. Không ít tác phẩm tù mù khó hiểu hay bế tắc, lệch lạc về ý tưởng; hình thức thể hiện phản cảm, dung tục; thậm chí có khi lộ rõ ý tưởng “câu khách”, cố tình gây sốc vì những động cơ, mục đích cá nhân.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, “cứ tưởng các nghệ sĩ đương đại có một phong cách riêng với những dấu ấn cá nhân, nhưng hóa ra tác phẩm của họ rất giống nhau, đầy rẫy tính tập thể như nghệ thuật thời bao cấp. Không chỉ giống nhau về nguyên liệu, về ý tưởng mà giống cả nội dung sáng tác. Ði đâu cũng thấy tre pheo, túi nilông, cái ghế, cái bàn, rác thải kim loại, đồ nhựa”.

Lãng phí nghệ thuật

Trong khi không ít tác phẩm điêu khắc, tượng đài ngoài trời, nơi công cộng phản cảm như thế thì thực tế, giới điêu khắc Việt Nam không thiếu các sản phẩm xuất sắc, độc đáo. Nhưng thay vì được quảng bá, đầu tư thì rất nhiều công trình hiện nay vẫn đang nằm trong kho. 

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường nhận định: “Câu chuyện đầu ra cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cũng khiến cho được giới nghệ sĩ rất đau đầu. Nhiều nghệ sĩ sáng tác xong, rồi lại tự thưởng thức, bởi đơn giản họ làm thế để cho thỏa sức sáng tạo của nghệ thuật, của cái nghiệp đeo vào thân, không dứt ra được”. Vài tác phẩm bán được nhưng đó chỉ là con số ít, mang tính động viên. Những tác phẩm to lớn ngoài trời, chiếm nhiều không gian thì nhà điêu khắc đành “tặng không” bỏ lại ở nơi diễn ra triển lãm vì nhà cũng không có chỗ chứa. 

Theo nhiều nhà điêu khắc, nguyên nhân chủ yếu là ở vấn đề quy hoạch. Sự thiên lệch quá nhiều trong tỷ lệ tượng đài hay thiếu sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc trong không gian công cộng tại thành phố cũng không hẳn vì thiếu tác phẩm. KTS Nguyễn Tiến Thuận- Hội KTS Việt Nam đã từng tâm sự rằng rất đau lòng khi nhìn thấy một số tòa nhà cao tầng sử dụng những biểu trưng của nước ngoài. “Trong các dự án kiến trúc, chúng tôi muốn có một mục tiêu gì đó thì phần lớn giai đoạn đầu họ làm đúng bản thiết kế, nhưng những công trình phụ, trang trí họ lại làm sau, hoặc không làm nữa khiến nó không đồng bộ”.

Có thể thấy, trong dòng chảy sôi động của đời sống nghệ thuật hôm nay, sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng là điều tất yếu, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm diện mạo nghệ thuật nước nhà. Nhưng làm thế nào để hoạt động này đúng hướng, hiệu quả, thật sự vì nghệ thuật, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính đang là một thử thách không hề dễ dàng.

Theo Hoàng Minh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng