Tạp chí Sông Hương -
Đề nghị trưng bày tượng ngoài trời phù hợp với văn hóa Việt Nam
14:49 | 05/04/2018

“Thời gian gần đây, việc xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số cơ quan, đơn vị, khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội.”

Đề nghị trưng bày tượng ngoài trời phù hợp với văn hóa Việt Nam
Tượng đài Thánh Gióng trong ngày khai hội Lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) năm 2017. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: TTXVN)

Tượng có nội dung và hình thức không phù hợp

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Văn bản số 1313/BVHTTDL-MTNATL gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Từ thực tế này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Việc này nhằm thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP (ngày 2/10/2013) của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cần giám tuyển và hội đồng nghệ thuật

Thời gian gần đây, vườn tượng 12 con giáp được tạo hình theo kiểu “mình người, đầu thú” trưng bày tại khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Hải Phòng) đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, tạo nên những luồng tranh luận trái chiều.
 


Nhiều nhà điêu khắc cho rằng, bộ tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) có tạo hình phản cảm.


Nhiều ý kiến của các nhà điêu khắc, họa sỹ và du khách cho rằng, 12 bức tượng này có tạo hình phản cảm. Việc đặt những bức tượng này tại một khu lịch quốc tế gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường văn hóa, tác động tiêu cực tới nhận thức, thẩm mỹ của du khách (đặc biệt là trẻ nhỏ).

Ông Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, bộ tượng này không có giá trị nghệ thuật. “Ngay từ ý tưởng đã thể hiện sự tùy tiện. Tượng nhân sư (đầu người, mình thú) xuất hiện khá nhiều trên thế giới với ý niệm con người sản phẩm tinh túy của tạo hóa, mong muốn các loài vật khác dù dữ tợn cũng đều có suy nghĩ, tình cảm, sự hướng thiện như con người. Thế nhưng, những bức tượng ở khu du lịch trên lại được làm ngược lại theo kiểu ‘đầu thú, mình người’,” ông Trần Khánh Chương cho biết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho hay, trên thực tế, các tác phẩm hội họa, điêu khắc liên quan đến đề tài khỏa thân cũng xuất hiện khá nhiều từ xưa đến nay. Tín ngưỡng phồn thực thờ sinh thực khí của nam (linga) và nữ (yoni), nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên cũng bài trí những họa tiết thể hiện sự phối ngẫu giữa nam và nữ. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy không tạo ra sự phản cảm bởi chúng được tạo tác tinh tế và đặt trong môi trường văn hóa cụ thể.

“Trong số các tác phẩm mỹ thuật theo đề tài khỏa thân, có rất nhiều tác phẩm rất đẹp, có giá trị vượt thời gian bởi việc phô diễn các bộ phận cơ thể con người được thể hiện một cách hài hòa, tinh tế. Ngược lại, nếu sáng tác theo đề tài khỏa thân mà làm không khéo thì sản phẩm sẽ vô cùng phản cảm, thậm chí là tục tĩu. Bộ tượng 12 con giáp này lại rơi vào trường hợp thứ hai,” ông Trần Khánh Chương nhìn nhận.
 


Pho tượng gỗ mang đường nét và lối điêu khắc gắn liền với cuộc sống nơi núi rừng của đồng bào Tây Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)


Ở một góc độ khác, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, ý thức về việc thổi “hồn,” mang lại các yếu tố đương đại, làm mới các tác phẩm nghệ thuật là điều đáng trân trọng.

“Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực lại là một chặng đường dài. Cách làm mới thế nào để không thành làm quá, tạo ra sự phản cảm là cả một nghệ thuật, phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh sáng tạo của nghệ sỹ; không phải ai muốn là có thể làm được. Đặc biệt, với những tác phẩm khi dùng để trưng bày ở những địa điểm thu hút đông khách tham quan thì cần có giám tuyển, hội đồng nghệ thuật chuyên nghiệp thẩm định. Cách làm này không chỉ thể hiện sự trân trọng nghệ thuật mà còn cho thấy thái độ tôn trọng công chúng, người thưởng thức,” họa sỹ chia sẻ.

Trước sự phản ứng của dư luận, đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hải Phòng đã yêu cầu đơn vị quản lý tạm thời gắn nhãn "18+," quây kín khu vực vườn tượng 12 con giáp này. Trong khi đó, nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc cho rằng, đơn vị quản lý nên dẹp bỏ số tượng này khỏi nơi trưng bày vốn thu hút đông du khách.

Theo An Ngọc (Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng