Tạp chí Sông Hương -
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: Có một nền văn chương bị quên lãng
14:55 | 05/04/2018

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, đó là thời kỳ đầu của văn chương Sài Gòn gắn liền với thuở bình minh của báo chí chữ Quốc ngữ. Trần Nhật Vy đã tìm thấy nhiều tác phẩm có giá trị văn học sử trong quá trình nghiên cứu báo chí chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ 19.

Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: Có một nền văn chương bị quên lãng
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy

Nếu xét theo số lượng đầu sách đã ấn hành, có thể gọi Trần Nhật Vy là nhà nghiên cứu khi ông đứng tên khá nhiều tác phẩm biên khảo về lịch sử báo chí, văn hóa gắn với địa danh Sài Gòn - TPHCM, như: Mười tám thôn vườn trầu, Chữ Quốc ngữ: 130 năm thăng trầm, Từ Bến Nghé đến Sài Gòn… Nhưng trước khi làm công việc của một nhà nghiên cứu, Trần Nhật Vy làm ở Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng TPHCM) sau đó chuyển sang làm báo chuyên nghiệp cho đến lúc về hưu vào năm 2016. Cả hai công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn để cho ra đời một nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy như hiện nay.

Từ nghiên cứu về quá trình ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ cũng như giai đoạn bình minh của báo chí chữ Quốc ngữ, Trần Nhật Vy phát hiện có một nền văn chương chữ Quốc ngữ trên báo chí Sài Gòn thời kỳ này.

Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu văn học thừa nhận: “Báo chí Quốc ngữ là cái nôi của văn học Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cho biết: “Đã là người Việt, đã là người Sài Gòn thì đều biết chữ Quốc ngữ được phổ biến đầu tiên ở Sài Gòn và văn bản bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên chính là tờ Gia Định Báo xuất bản tại Sài Gòn, số ra đầu tiên ngày 15-4-1865”.
Dấu mốc để Trần Nhật Vy xác định tác phẩm văn chương đầu tiên in trên báo Quốc ngữ vào ngày 1-12-1881, trong mục Thứ vụ trên Gia Định Báo bỗng xuất hiện 3 bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: “Cách thế cứu người chết ngột”, “Tên chăn bò” và “Thằng ăn trộm với con heo”. “Cách thế cứu người chết ngột” (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức, còn 2 bài kia là truyện. 
 
Trần Nhật Vy cho rằng: “Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo Quốc ngữ? Nhưng tác giả là ai? Sau đó, tôi đọc cuốn Phansa diễn ra quấc ngữ của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng 2 truyện này. Phansa diễn ra quấc ngữ là những truyện “chuyển thơ ngụ ngôn La Fontain thành văn xuôi” của ông Trương Minh Ký. Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo Quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn”.
 
NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM đã ấn hành 2 tập Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (dự kiến có 5 tập) do Trần Nhật Vy biên khảo từ các báo chữ Quốc ngữ thời này, như: Gia Định báo, Nam Kỳ, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Kỳ Địa Phận, Lục Tỉnh Tân Văn, Trung Lập báo… Ông dừng lại ở năm 1924 vì năm 1925, tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách - tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ra đời năm 1925. Như vậy, trước khi có Tố Tâm cả 40 năm, tại Sài Gòn có một nền văn chương Quốc ngữ thịnh hành trên báo chí.
 
Thế nhưng nền văn chương này gần như bị lãng quên và không được văn học sử nhắc đến như những viên gạch đầu tiên tạo nền tảng cho văn học chữ Quốc ngữ hiện nay. Trần Nhật Vy cũng như nhiều người đi học tại miền Nam trước 1975 đều không biết có cuộc thi “Quảng văn thi cuộc” - cuộc thi văn học chữ Quốc ngữ đầu tiên vào năm 1902, do báo Nông Cổ Mín Đàm tổ chức với 49 thí sinh, mà sau này nhiều người trở thành các cây bút nổi tiếng. Giáo dục trong nhà trường khi đó chỉ dạy các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, thơ của phong trào Thơ mới mà không nhắc đến văn chương giai đoạn 1881 - 1924 trên báo chí Sài Gòn dù chỉ với giá trị văn học sử. Trong khi đó, những tên tuổi như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản… đều có tác phẩm văn chương Quốc ngữ đóng góp cho giai đoạn này.
 
Sự thiên lệch này từng khiến nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã viết trong Khi lưu dân trở lại: “Miền Nam vốn có một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc. Miền Nam đã gây dựng phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt là tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh…”. 
 
GS Nguyễn Văn Xuân viết tiếp: “Văn nghệ miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng. Bộ Văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như các bộ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện. Việc giảng dạy trong các nhà trường không thể tiếp tục như cũ. Không thể quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng là văn học Việt Nam, vì văn học Việt Nam từ thế kỷ 18 trở lui chính là văn học hai miền, mà từ 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương diện phát triển văn học Quốc ngữ, mà còn đào tạo những nhà văn nhà báo cho cả hai miền sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp… Định lại giá trị văn học miền Nam chính là trở về sự thật, chính là biết tỏ lòng yêu quý và lo lắng cho đời sống tinh thần của dân miền Nam mà trong hoàn cảnh hiện tại, đó là lực lượng chủ yếu của mọi thăng trầm!”. 
 
Đọc Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 cũng là để thấy lại sinh hoạt một thời của người Sài Gòn, người Nam bộ, vì khi đó các tác phẩm rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: “Các tác giả viết truyện hay làm thơ cũng là một cách để truyền bá Quốc ngữ, nên nội dung khá cô đọng và dễ hiểu. Nếu nói đọc văn chương thời kỳ này để thưởng thức nghệ thuật thì có lẽ chưa thấy nhưng chắc chắn lịch sử công bằng phải nhắc đến”.

Theo Hoàng Nhân - SGGP
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng