Tạp chí Sông Hương -
Cải lương không chết, nhưng…
09:07 | 19/04/2018

Tại hội thảo khoa học chuyên đề “Những tinh hoa sân khấu cải lương thể hiện qua các vai diễn về đề tài lịch sử” vừa tổ chức tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, những nghệ sĩ, nhà giáo, nhà lý luận phê bình sân khấu kỳ cựu, đều có chung nhận định: “Cải lương không thể chết!”.

Cải lương không chết, nhưng…

Tuy nhiên, làm cách nào để sàn diễn mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc này duy trì, thích nghi và trụ vững là điều không dễ.

NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nêu quan điểm: “Có một sự thật rằng, hiện nay sân khấu cải lương đang “hấp hối”. Nghệ thuật truyền thống đang đứng trước cơn bão du nhập văn hóa thế giới. Sau nữa, từ nhiều thập niên qua, cải lương còn thiếu những cải cách mạnh mẽ, tươi mới, phù hợp sự phát triển chung của thời đại. Nhưng, nếu muốn cải cách cần phải có sự chung tay của nhiều cấp, ngành văn hóa và toàn giới nghệ sĩ, những người đang làm nghề. Cần thiết phải cải cách sân khấu cải lương, đổi mới với sự tận dụng, phát huy tốt những giá trị tích cực mà ông cha để lại”.

Cần phải khẳng định, 100 năm qua, nghệ thuật cải lương Việt Nam đã có bước phát triển và đạt những thành tựu to lớn, góp phần bồi đắp nên ngành văn hóa của dân tộc Việt Nam, phục vụ những nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Tuy nhiên, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải đánh giá, cần phải khẳng định và cải tiến.
 
“Nghị quyết Trung ương 6 có nội dung sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật (nhiều đơn vị nghệ thuật tập hợp lại thành một nhà hát), trong đó có cải lương. Điều này khiến tôi lo là bản sắc nghệ thuật bị xáo trộn trong một tổ chức hành chính. Như vậy, rất cần phải có luật bảo vệ văn hóa để có chiến lược đầu tư, phát triển. Hiện nay, điểm yếu của chúng ta là vấn đề đầu tư cho các vở diễn sân khấu còn rất hạn chế, trong khi sân khấu đang đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng 4.0, phải làm thế nào để sân khấu phát triển theo kịp thời đại…”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
 
Những vấn đề đặt ra hiện nay đều xoáy vào công cuộc đổi mới của sân khấu, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, việc cập nhật và mở rộng kiến thức nền trong giáo trình - giáo án giảng dạy, vấn đề truyền dạy đủ và đúng chuẩn kiến thức nền cần phải có cho sinh viên ngành sân khấu.
 
Bên cạnh việc gìn giữ những bài giảng truyền thống có sẵn, hiện nay, cần thiết phải cập nhật và bổ sung các kiến thức mở rộng, giá trị, phải tạo điều kiện để thế hệ kế thừa có nhiều cơ hội tiếp cận sàn diễn, liên tục được rèn nghề theo chiều sâu về chuyên môn. Với công tác đào tạo, đây là vấn đề then chốt. Ngoài ra, nhất thiết, các em phải được mở rộng kiến thức văn hóa - lịch sử, kiến thức dân tộc và đặc biệt là cần phải tạo nhiều điều kiện, cơ hội để sân khấu truyền thống đến gần hơn với công chúng.
 
Nói như NSND Lê Tiến Thọ: “Chúng tôi mong các thầy đầu tư nhiều hơn nữa về đề án, giáo trình, giáo án về sân khấu, trong đó có sân khấu cải lương, tất cả phải được giải quyết bằng khoa học. Phải đặt ra vấn đề ngoại lai trong sân khấu cải lương, trong đó có múa, âm nhạc, phải có sự đánh giá lại, phải Việt hóa nó. Cần thiết phải có những cuộc tập huấn nâng cao trình độ cho nghệ sĩ, để các đề tài, nhân vật lịch sử khi được thể hiện trên sân khấu được hoàn chỉnh, đẹp, đúng chuẩn…”.
 
Và không chỉ có vậy, cũng cần quan tâm đến vấn đề đầu tư cho sáng tạo, sáng tác tác phẩm, quảng bá tác phẩm, chăm lo cho nghệ sĩ làm sao để nghệ sĩ có thể sống bằng nghề…

Theo Thúy Bình - SGGP
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng