Tạp chí Sông Hương -
Duyên kỳ ngộ giữa văn chương và võ thuật
10:23 | 23/04/2018

Xưa nay hiếm có những người trong làng văn mà giỏi võ, trong làng võ lại viết văn hay. Chính vì thế, khi nhà văn múa võ và võ sư viết sách thường gây nên những “cơn sốt” thu hút sự chú ý của nhiều người. 

Duyên kỳ ngộ giữa văn chương và võ thuật
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Yến

Nhà văn múa võ giải vây cho mình

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Yến (tác giả tập truyện ngắn “Một nửa là người”) luôn được mọi người ngưỡng mộ với biệt danh “người giỏi võ nhất Hội Nhà văn”. 9 tuổi chị đã tập võ cổ truyền, 10 tuổi chuyển sang tập Taekwondo và say mê theo đuổi từ đó. Sau khi giành nhiều huy chương trong màu áo đội tuyển CLB Quân đội, chị được các thầy động viên học và thi lên làm huấn luyện viên rồi trọng tài.

Chị từng điều khiển những trận thi đấu võ thuật khá gay cấn, những quyết định của trọng tài Bích Yến luôn được các vận động viên và khán giả “tâm phục khẩu phục”. Có nhà báo thể thao đã thốt lên: “Bao nhiêu năm theo dõi, tôi ít thấy trọng tài nào có phong cách điều khiển trận đấu tốt như cô”.

Song song với nghiệp võ, Nguyễn Thị Bích Yến cũng rất đam mê văn chương. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi có nỗi niềm ấm ức không thể chia sẻ với ai, chị lại ngồi viết nhật ký, sau này viết thành những truyện ngắn mang nhiều tâm sự. Nhiều người đọc truyện của chị hay đùa Bích Yến là cô bé “văn võ song toàn” nhưng các nhà văn thì chưa tin lắm vào khả năng võ thuật của chị. Chỉ đến khi chứng kiến chị dùng tay chặt cả một chồng ngói cao, nhà văn Đào Quang Thép và nhà văn Hà Phạm Phú lắc đầu: “Ối giời, chú tưởng cháu chỉ biết “múa văn” thôi chứ”. 

Không biết từ “duyên kỳ ngộ” nào đó mà các nhà văn - võ sư đều khẳng định một điều: tận cùng của võ là văn, tận cùng của văn là võ. Tập võ và cầm bút không phải là hai việc đối lập mà trái lại còn bổ trợ cho nhau để giúp nhà văn mạnh mẽ hơn

Yêu văn chương đến độ sẵn sàng bước từ làng võ về đầu quân tại báo Văn nghệ, để kỷ niệm một thời gắn bó với võ thuật, chị chọn bút danh “Thần Phong” (cũng chính là tên của câu lạc bộ mà chị sinh hoạt). Đi tác nghiệp, nhà văn Bích Yến nhiều lần đương đầu với những chuyện bất công, chị lại nổi máu võ sĩ “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”.

Một lần đang đi công tác ở miền Trung, được dân làng kể chuyện gạo cứu trợ không đến đúng tay người nghèo, Bích Yến thấy rất “nóng mặt”. Mặc dù lúc đó đã 11h đêm nhưng  chị vẫn mò đi khắp làng để phỏng vấn và điều tra. Một nhóm người trong đám làm nhiệm vụ cấp phát gạo biết tin đã bí mật chặn đường và bắt chị đưa ra cánh đồng định “tra tấn”, võ sư Bích Yến đã hạ gục các đối thủ và tự thoát thân nhanh chóng. 

Nhà văn Bích Yến tâm sự: “Võ thuật cho tôi sức sống vì ngày bé tôi rất ốm yếu - tập võ để nâng cao sức khỏe, còn khi viết văn tôi thấy được là chính mình. Võ thuật đã rèn luyện bản lĩnh và nhân cách của tôi, hơn nữa, tận cùng của võ chính là văn. Vì thế, tập võ và cầm bút không phải là hai việc đối lập mà trái lại còn bổ trợ cho nhau để giúp mình mạnh mẽ hơn”.

ảnh 2
Võ sư Trần Việt Trung và tác phẩm viết về những bậc thầy dạy võ

Võ sư viết tiểu thuyết 

Võ sư Trần Việt Trung là con út của tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cha mất sớm, mẹ đau ốm liên miên, ngày còn nhỏ, Trần Việt Trung chỉ là cậu nhóc gầy gò, yếu đuối và sợ bị bắt nạt. Thế rồi ông tìm đến võ để học cách bảo vệ bản thân và đánh bại những kẻ cậy thế mạnh hà hiếp người yếu đuối. Nhưng từ những bài học nhập môn, lời gan ruột của những người thầy đã dạy ông biết trọng nghĩa khí và hiểu ra một chân lý: học võ không phải để bắt nạt người khác, võ học mang đến cho người ta một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Giỏi võ và giỏi nghề đông y, nhưng Trần Việt Trung sống kiệm lời, hầu như không lập ngôn ở diễn đàn nào. Từ nhiều năm trước, ông đã chọn một khuôn viên rộng ở làng Yên Sở Thượng làm nơi ở và lập võ đường, bốc thuốc chữa bệnh làm phúc, luyện võ, đàm đạo võ thuật và truyền dạy cho học trò. Chỉ những học trò hoặc người thân, bạn bè mới biết Trần Việt Trung không sống bằng võ và bốc thuốc, ông hiện đang điều hành tới hai công ty tư nhân liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất vật liệu ngành sơn.

ảnh 3

Ngoài thời gian làm việc tại công ty và dạy võ, ông rất chuyên chú vào việc viết sách. Tính đến nay, võ sư Trần Việt Trung đã in ba cuốn sách: “Quyền sư” (viết về những bậc thầy dạy võ), “Thầy Thiên Đức” (viết về danh y Thiên Đức, một bậc “đại sư” dạy y thuật cho ông) và “Sư đệ Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền” (viết về những người bạn cùng học võ với ông từ thuở ấu thơ).

Đặc biệt cuốn thứ tư sắp xuất bản, ông viết về người cha thân yêu của mình - Thiếu tướng Trần Tử Bình và thế hệ những người cộng sản, họ đã có một cuộc đời rất bình dị nhưng vô cùng vĩ đại. Dự định cuốn sách sẽ được xuất bản vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hay ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những trang viết của võ sư Trần Việt Trung không cầu kì, trau chuốt mà giữ nguyên nét thô mộc như được đúc rút từ cuộc đời chân thành và phức tạp này. Những thông điệp gửi gắm trong đó rất giản dị, gần gũi nên phải đọc chậm rãi, chiêm nghiệm mới có cơ duyên được thấy, được nhận. Bởi lẽ, người theo nghiệp võ hiểu tường tận một chân lý: tận cùng của võ chính là văn.

Theo Phong Lan - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng