Tạp chí Sông Hương -
Sống lại cùng “Những linh hồn chết”
10:32 | 23/04/2018

Thiên trường ca nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai Gogol ôm vào lòng nó một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về văn hóa, phong tục tập quán của người Nga mà ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và mô tả tài tình trong tác phẩm...

Sống lại cùng “Những linh hồn chết”

“Sử thi nhỏ” của một tác giả lớn

 “Việc chúng ta lơ đãng trước một thiên trường ca nổi tiếng thế giới như “Những linh hồn chết” quả là một thiếu sót đáng kinh ngạc. Gogol, người sống cách đây gần 2 thế kỷ, nhưng những gì ông viết vẫn vô cùng cần thiết đối với chúng ta hôm nay...”.

Nhà nghiên cứu văn học Nga Đào Tuấn Ảnh

So với nhiều tác gia nổi tiếng của nền văn học Nga - Xô Viết, sáng tác của Gogol có phần ít được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và hầu như chưa được giới nghiên cứu chú ý. Song việc chúng ta lơ đãng trước một thiên trường ca nổi tiếng thế giới như “Những linh hồn chết” (NLHC) thì quả là thiếu sót đáng kinh ngạc. Gogol, người sống cách đây gần 2 thế kỷ, nhưng những gì ông viết vẫn vô cùng cần thiết đối với chúng ta hôm nay.

Trên bức tranh nghiên cứu ảm đạm về sáng tác Gogol, bài giới thiệu của Hoàng Thiếu Sơn về tác giả và thiên trường ca của ông (in ở đầu sách) quả là một đốm sáng. Có lẽ đây là một trong những trường hợp hiếm hoi trong làng dịch thuật mà trong một bài viết tôi gọi là “ba trong một”: Sự kết hợp giữa dịch giả, nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình. Như đã biết, Hoàng Thiếu Sơn là nhà văn - nhà phê bình nổi tiếng, ông đồng thời là nhà văn hóa lớn với trình độ tiếng Pháp và tiếng Việt uyên thâm. Đánh giá cảm hứng tư tưởng chủ đạo của tác phẩm - “một bản trường ca về sự tầm thường viết ra vì lòng yêu nước”, Hoàng Thiếu Sơn đồng thời nhấn mạnh lý tưởng và những khát vọng không tưởng của Gogol trong cuộc tìm kiếm gian nan con đường phát triển nước Nga. Trong bài viết của Hoàng Thiếu Sơn, với lối tiếp cận xã hội học sáng rõ, Gogol hiển hiện như một nhà hiện thực vĩ đại với “tiếng cười rơi nước mắt” khắc họa đậm nét một xã hội “dột từ nóc, hỏng từ móng”, kết hợp với cảm hứng trữ tình thể hiện khát vọng phục sinh dân tộc Nga, niềm tin mãnh liệt vào tương lai của nó...

NLHC được viết bằng thể loại trường ca văn xuôi (Gogol gọi là “sử thi nhỏ”) trước đó chưa có, một lối kết cấu hình tượng kỳ lạ: Nhấn mạnh cái bình thường, phá vỡ nó bằng việc bóc tách những chi tiết hiện thực và phóng đại chúng, cuối cùng kết hợp chúng với những suy tư trữ tình cao cả thường gắn với hình tượng con đường, thiên nhiên và ước mơ; một nhịp điệu biến đổi liên tục, một thứ phong cách đa dạng (kết hợp nhiều phong cách trong một phong cách), một kho từ vựng cực kỳ giàu có, kết hợp tài tình ngôn ngữ cao cả với ngôn ngữ “trần tục” và những phương ngữ khác nhau, sử dụng và sáng tạo những tổ từ mới lạ không có trong từ điển, giễu nhại những ngôn ngữ đã sớm thành tử ngữ của văn học điền viên và văn học tình cảm chủ nghĩa trước và đồng thời với Gogol... Đây là cả một thách thức đối với người chuyển ngữ nó, nên âu cũng là dễ hiểu khi ngay cả những bản dịch được đánh giá là ưu tú cũng đã phải chấp nhận “bỏ không dịch những chữ, những câu khó”, “bản dịch khác xa nguyên bản”. Trong khi nhiều nhân vật trong “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoi nói một câu tiếng Nga là chèn một câu tiếng Pháp, thì văn Gogol “đặc sệt Nga”, tràn ngập tiếng cười dân giã của ngôn ngữ đường phố, quảng trường, chợ búa, thứ văn làm “nổ tung” những khuôn mẫu cú pháp cứng nhắc với “những câu phản logic riêng lẻ lẫn những cấu tạo ngôn từ kỳ quặc”...

“Chảy từ chốn sâu thẳm của nước Nga”

NLHC ôm vào lòng nó bức tranh toàn cảnh rộng lớn về văn hóa, phong tục, tập quán của người Nga mà Gogol dày công nghiên cứu, sưu tầm trong sách vở, trong những chuyến du hành khắp nước Nga và mô tả tài tình trong tác phẩm của mình. Chỉ cần nói về “văn hóa ẩm thực” của người Nga trong NLHC cũng đủ thấy điều này. Trong tác phẩm, tính hiếu khách, hào phóng “đốt nến cả hai đầu”, kiểu “ăn to nói lớn”, “ăn thùng uống vại” của người Nga, qua ngòi bút đầy chất tạo hình của Gogol, đã trở thành một đặc tính dân tộc.

Nếu trong cái thế giới mà thân xác, vật chất lấn át tinh thần, khiến những kẻ sống chỉ còn là những linh hồn chết, thì ngược lại, tên đặt, tục danh người, vật, vốn là một phần của ngôn ngữ dân gian ngập tràn sự sống - thứ ngôn ngữ mà theo Gogol là chảy từ “những chốn sâu thẳm của nước Nga mà ra. Nơi ngự trị của trí tuệ Nga linh hoạt, táo bạo, tươi như mới ra đời; cái trí tuệ không có sẵn lời nói trong túi, không ấp ủ từng tiếng nói như gà mái ấp con; mà đem gán cho anh một chữ, chỉ một lần thôi, nhưng mà anh sẽ phải mang như một tấm hộ chiếu suốt cả đời; không cần phải thêm vào hình dạng của mũi hay của môi anh; vì chỉ một nét là đã vẽ xong chân dung anh toàn vẹn từ đầu đến chân rồi!”. Thứ ngôn ngữ này được sử dụng điêu luyện và sáng tạo trong tác phẩm, chỉ bằng vài từ đã khắc họa sinh động, hồn nhiên, hóm hỉnh hình ảnh những nông phu đã chết. Khi viết về đặc thù thi pháp Gogol, Belyu nhận xét: “Chủ đề của Gogol có một đặc điểm nổi bật: Nó không thu mình trong những đường biên thường được đo đạc cho nó; nó phình ra bên ngoài; nó hà tiện, giản đơn, thô sơ trong cốt truyện, bởi vì được vẽ kẻ tận tường, được đẽo sâu trong các chi tiết tạo hình, trong các sắc màu, bố cục, nước đi âm vi, tiết điệu của sự tạo hình ấy...”.

Không khó để nhận ra thủ pháp liên tưởng - phóng đại hai chiều trái ngược: Vật cách hóa con người và nhân cách hóa vật, và đồ vật được Gogol sử dụng rất nhiều trong tác phẩm. Các nhân vật của Gogol nổi tiếng nhờ nghệ thuật tạo hình đặc biệt của ông. Chúng bị “vật hóa” từ cách đặt tên, tới những miêu tả chi tiết về tính cách, thói ăn, nết uống... Ngược lại, thiên nhiên, giống vật lại được “nhân hóa” tài tình, chủ yếu nhờ những liên tưởng theo kiểu “dây leo” - liên tưởng kéo theo liên tưởng, thường được bắt đầu bằng chi tiết hiện thực cụ thể. Những liên tưởng này vẽ nên những bức tranh sinh động, rộn rã âm thanh, màu sắc, khiến cho những vùng quê Tsitsikov đi qua bớt vẻ ảm đạm. Đó là cảnh chú gà trống chiến đấu với tình địch, bị mổ thủng óc “vẫn cất tiếng gáy oang oang, lại còn vỗ đôi cánh tả tơi như chiếu rách”; đó là khu rừng đẹp mê hồn như một bức tranh của hội họa siêu thực đối lập vẻ hoang tàn, thê thảm của điền trang và chủ của nó là Pluskin; và đây, dàn giao hưởng chó ở nhà Korobotska: “Trong lúc ấy bầy chó sủa bằng tất cả mọi loại giọng có thể: Một con ngẩng đầu tru kéo dài, gắng sức tới mức tưởng như vì việc đó, có trời hiểu được, nó được thưởng cái gì; một con giật giọng vội vã như thể người hát thánh kinh trong nhà thờ; hòa vào những giọng này vút lên như tiếng lục lạc trên xe bưu điện, một giọng non trẻ, hẳn là của một chú cún con; và tất cả, cuối cùng bị điều khiển bởi một giọng hát trầm hùng, có thể là của một lão già được trời phú cho sự lực lưỡng của loài chó, vì cái giọng ồ ồ của lão giống tiếng ồ ồ của chiếc côngtrôbat cất lên khi dàn hợp xướng lên tới cao trào; những giọng nam cao kiễng gót để đạt tới một nốt cao, và tất cả, không trừ một ai, đều vươn mình, ngẩng đầu, chỉ có một kẻ gục cái cằm râu không cạo vào chiếc cà vạt, cúi mình sát đất và từ đó phát ra một nốt làm rung chuyển các cửa kính...”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, những bức tranh sống động tươi vui, cùng với những đoạn trữ tình thống thiết và tiếng cười dân gian rộn rã - Đó chính là nhân vật trung tâm của thiên trường ca NLHC...

Theo Đào Tuấn Ảnh - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng