Tạp chí Sông Hương -
Trung Quốc: văn học mạng dễ trở thành con dao hai lưỡi
08:19 | 16/06/2009
Trong thời đại "đọc trên màn hình” với quá trình phát triển được xem là thần tốc trong vòng 10 năm qua của văn học mạng, Trung Quốc đang hướng tới việc xác lập một con đường mới cho văn học đương đại.
Trung Quốc: văn học mạng dễ trở thành con dao hai lưỡi
Nhà văn Mã Quý

Tại cuộc “Hội thảo văn học mạng” diễn ra vào tháng 5 vừa qua, nhiều nhà văn Trung Quốc đã đề xuất ý kiến cần phát huy tác dụng của văn học mạng, bởi đó là nhu cầu tất yếu mang tính cấp bách của hiện thực.

Có khả năng văn học đương đại của nước này sẽ xuất hiện một dòng văn học mới từ sự giao thoa giữa văn học mạng và văn học truyền thống, đó là nhận định của nhà văn Mã Quý (chủ nhiệm ban biên tập Chuyên san tiểu thuyết trường thiên của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc).

Nhìn tổng thể, những người sáng tác trên mạng chủ yếu là thanh niên đô thị so với nhà văn chính thống, sáng tác của họ mang tính phổ biến, thời thượng, chưa lão luyện về mặt nghệ thuật và độ sâu tư tưởng, thiếu ý nghĩa xã hội, cảm ngữ nhân sinh và tích lũy văn hóa một cách sâu sắc.

Đồng thời, với phong cách sáng tác và kết cấu đa dạng, cùng với việc theo đuổi sự đón nhận mang tính chất cá nhân, việc sáng tác trên mạng rất dễ trở thành một con dao hai lưỡi. Bởi cùng với việc sáng tạo tinh thần cá nhân, nó cũng dễ khiến người viết xem nhẹ việc chú trọng tâm lý đón nhận của đại chúng. Hiện tượng này dễ dẫn đến sự thiếu trách nhiệm trong sáng tác vì chạy theo tính giải trí, vô tình kìm hãm sự phát triển của văn học mạng.

Theo nhà văn Mã Quý, “Văn học mạng vốn không gò bó, người viết được tự do biểu đạt theo ý muốn, tính chất ấy một mặt tạo điều kiện cho văn học trở về với bản sắc của nó, trở về với sự trung thực và hồn nhiên vốn có; nhưng mặt khác cũng dẫn đến tình trạng lạm dụng tự do, bành trướng cá tính, sáng tác tùy tiện”.

Có người lo lắng tính khác biệt giữa văn học mạng và văn học truyền thống sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề phát triển lành mạnh của văn học. Tuy nhiên, nhà văn Mã Quý cho rằng tính khác biệt này thật ra lại hay, nếu cả hai dòng văn học giống nhau cũng làm mất đi ý nghĩa kết hợp và bổ sung cho nhau.

Ý nghĩa tích cực của văn học mạng ở chỗ nó sẽ dò tìm ra một con đường mới cho văn học đương đại. Xét về bản chất, văn học mạng vẫn làm theo chức năng cơ bản của văn học truyền thống, nhưng không thể xem nhẹ sự ảnh hưởng rất lớn của nó ở cách thức truyền bá và hình thức sáng tác. Có thể sự giao thoa này là điều đáng vui mừng, bởi trong tương lai có khả năng nó sẽ tạo ra một chức năng mới, một không gian văn học mới cho văn học đương đại.

Nhìn từ cuộc thội thảo này, có thể thấy văn học mạng ở VN cũng như ở Trung Quốc đều vẫn còn trong thời gian thực nghiệm, hiện khó thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ cao hơn của nhiều độc giả.

                                                                                                               Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng