Nhà phát hành phim nước ngoài: chuyên nghiệp Đã nhiều năm nay, việc các nhà phát hành phim nước ngoài tổ chức các chương trình tiếp thị, quảng cáo rầm rộ cho một bộ phim mới chuẩn bị ra rạp đã trở nên hết sức bình thường. Những chiến dịch quảng bá phim trên các phương tiện truyền thông, những buổi ra mắt phim hoành tráng… giờ đây đang được đẩy lên ở tầm mức cao hơn.
Gần đây nhất, nhà phát hành phim nước ngoài MegaStar đã bỏ ra một số tiền lớn để đưa hoa hậu Mai Phương Thúy sang Nhật Bản dự buổi ra mắt toàn cầu bộ phim Transformer: Revenge of the Fallen (Transformer: Bại binh phục binh) của Hollywood. Đây là sự kiện đặc biệt đầu tiên mà một nhà phát hành phim ở Việt
đã làm.
Đại diện của MegaStar cho biết ý đồ của đơn vị này là chủ động tiếp cận với điện ảnh thế giới, thay vì ngồi một chỗ và chờ đợi họ đến với mình… Chiến lược quảng bá qua hoạt động này được MegaStar chuẩn bị kỹ lưỡng với những hình ảnh, những kế hoạch được sắp xếp trước cho Mai Phương Thúy như tiếp cận đạo diễn nổi tiếng Michael Bay, diễn viên chính đóng trong bộ phim.
Hình ảnh của chuyến đi này được tung ra trên các phương tiện truyền thông trong nước. Chưa hết. Để chuẩn bị cho đợt công chiếu Transformer sắp tới, MegaStar cho biết đang lên kế hoạch còn tốn kém hơn cả kế hoạch đưa hoa hậu Việt ra nước ngoài dự buổi ra mắt phim. “Sẽ có một chiếc xe buýt chở rô bốt chạy vòng quanh thành phố chẳng hạn…” – đại diện đơn vị này cho biết.
Một bộ phim khác là Hannah Montana, được xem là “bom tấn dành cho tuổi teen mùa hè”, được MegaStar tung ra chiến lược tiếp thị là tổ chức cuộc thi hát “Hannah Montana Idol” với tổng giải thưởng lên tới hàng chục triệu đồng. Tất nhiên, để tham gia cuộc thi này, khán giả teen chắc chắn phải đến rạp để xem bộ phim! Còn với buổi ra mắt của “Tự thú của một tín đồ shopping”, khán giả được chứng kiến sự “đổ bộ” của hàng chục model “chân dài” dạo quanh khu vực rạp…
Tính chuyên nghiệp của một đơn vị phát hành phim không chỉ là cách thức tổ chức, chiến lược tạo sức hút bằng những sự kiện, mà còn là sự đeo bám và tìm mọi cách đẩy sự chú ý của một bộ phim tăng lên nếu nhà phát hành cảm nhận lượng khách bắt đầu giảm. Đó là cách thức mà hãng này đã làm cũng với Hannah Montana bằng chương trình “Cinê cùng sao”.
Giữa đợt phát hành phim, khán giả trẻ đến rạp truyền tai nhau, buổi chiếu sắp tới sẽ có sự xuất hiện của ca sĩ Khổng Tú Quỳnh, Wanbi Tuấn Anh giao lưu, chụp ảnh chung, chơi trò chơi với khán giả... Rõ ràng “mồi câu” đã mang lại hiệu quả như mong muốn của nhà phát hành.
Trong nước: Bao giờ bằng người?
Trong khi phát hành phim nước ngoài càng lúc càng trở nên chuyên nghiệp thì phát hành phim trong nước vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Cả chục năm nay “công nghệ” phát hành phim nhà nước vẫn theo một công thức cũ: tổ chức mời báo chí xem phim, treo một số băng rôn trên đường phố, để tờ rơi tại phòng vé, nếu có thêm kinh phí thì quảng cáo truyền hình. Chỉ có vậy, sau đó phim bắt đầu ra rạp, chiếu lặng lẽ và kết thúc cũng lặng lẽ… Hàng trăm bộ phim sản xuất bằng kinh phí nhà nước đã phải chịu số phận xếp kho vì không đến được với đông đảo người xem.
Gần đây nhất, bộ phim Trăng nơi đáy giếng đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Cánh diều vàng 2008, sau buổi ra mắt đã phải tìm con đường đến với khán giả bằng những chuyến xuất ngoại. Đặt câu hỏi bao giờ phim chính thức chiếu ở Việt
với giám đốc Hãng phim Giải Phóng – đơn vị sản xuất phim, thì được biết: “Chưa có lịch cụ thể”.
Đã hơn nửa năm từ khi bộ phim nhận giải thưởng trong và cả ngoài nước, nhưng để đến với khán giả thì chẳng biết khi nào. Một vài bộ phim khác như Sống trong sợ hãi, Rừng đen đều có chiến lược phát hành, đều được quảng cáo trước khi ra rạp, song hiệu quả thu được không cao. Lý do không phải do chất lượng phim hay phim chưa hấp dẫn mà là cách thức quảng cáo, tiếp thị phim thiếu tính chuyên nghiệp.
Dám bỏ tiền tỷ ra sản xuất phim nhưng lại không chịu bỏ tiền ra quảng cáo, tiếp thị, đó là bệnh chung của những bộ phim do nhà nước sản xuất. Kinh phí dành cho việc phát hành phim lâu nay luôn là vấn đề bức xúc đối với các nhà làm phim. Có đạo diễn tâm sự: nếu giao phim vào tay những nhà phát hành chuyên nghiệp, đảm bảo phim sẽ có đông khán giả, tuy nhiên, tiền đâu để trả?
Nhiều cuộc hội thảo điện ảnh đã được tổ chức, trong đó vấn đề phát hành phim trở thành trọng tâm được nhắc đến. Không ít giải pháp đã được đưa ra song dường như vẫn còn lúng túng. Một trong những giải pháp cho phát hành phim nhà nước được nhiều ý kiến nhất trí, đó là nhà nước phải hỗ trợ phát hành, phải có quy định cụ thể tỷ lệ chi phí phát hành phim chiếm bao nhiêu phần trăm trong chi phí sản xuất phim. Nếu đã bỏ ra cả chục tỷ đồng cho sản xuất thì không lý nào chỉ có vài triệu, vài chục triệu đồng dành cho quảng cáo.
Nhìn những bộ phim nước ngoài được chăm chút về phát hành, chắc hẳn các nhà làm phim Việt
phải ngậm ngùi cho những tác phẩm điện ảnh được đầu tư không ít tâm sức, tiền của mà không đến được với khán giả. Hy vọng vào ngày mai sẽ chuyên nghiệp hơn, nhưng biết bao giờ mới đến ngày mai?
Theo SGGP Online |