Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: KINH THÀNH BỎ NGÕ
14:09 | 11/05/2018

NHẤT LÂM

Nơi mảnh ruộng tiếp giáp bìa rừng là một khoảnh đất mà không hiểu sao cây rừng không mọc, ở đó là một bãi cỏ. Chiều lay lắt trên ngôi mộ mới chôn. Một tráng sĩ ngồi ủ dột trong tột cùng của nỗi đau khổ.

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: KINH THÀNH BỎ NGÕ
Nhà thơ Nhất Lâm (Ảnh Phạm Bá Thịnh)

Cánh rừng âm u một ngày mùa heo lạnh đã sắp tàn, chỉ còn lại vệt nắng yếu ót đọng lại trên những đọt cây đại thụ. May mắn ở mấy thửa ruộng bậc thang của người Thổ những gốc rạ mà hôm kia vừa cắt lúa còn đọng lại giọt nắng cuối ngày. Nơi mảnh ruộng tiếp giáp bìa rừng là một khoảnh đất mà không hiểu sao cây rừng không mọc, ở đó là một bãi cỏ. Chiều lay lắt trên ngôi mộ mới chôn. Một tráng sĩ ngồi ủ dột trong tột cùng của nỗi đau khổ. Cách đó không xa, một con ngựa lông trắng cực đẹp đứng gõ móng. Nhìn con ngựa, người ta biết chủ nhân của nó không công hầu thì cũng khanh tướng. Trên cái yên da quý giá, còn phủ một tấm nhung đỏ.

- Nàng ơi! Ta đến đây không phải là vì mối tình ngắn ngủi mà ta đã dành cho tuyệt thế giai nhân. Mà ta đến đây để nói với nàng rằng: Nhà Mạc thực sự đã hết rồi, đất đã không còn có mà dung thân, trời cũng đã chẳng thương chi thì nay một người con gái, một công chúa như nàng... - Tiếng thở than của người tráng sĩ nghẹn lại.

Dưới chân đèo Bông Lau này ngoài người dân bản địa và thú rừng, chả ai dám mò đến. Vả lại, giờ đây đang là cái thời trong Nam chúa Nguyễn, ngoài Bắc chúa Trịnh, nhà Mạc cát cứ Cao Bình xa xôi, là lúc mà đất nước đang rên xiết bởi sự giành giật thế lực dai dẳng, liên miên.

Vừa lúc đó, con ngựa chiến của tráng sĩ hí lên vang động cả cánh rừng. Nó là giống ngựa vùng Nước Hai to cao, chạy khỏe, rất khôn ngoan khi xung trận.

Tiếng hí của con tuấn mã kéo tráng sĩ ra khỏi cơn mộng. Thì đã thấy xuất hiện một con ngựa chiến khác lông màu tro xám, đang nước kiệu tới. Người ngồi trên lưng bận áo giáp màu đỏ ghìm cương, nhảy xuống ngựa, đặt tay lên đốc kiếm:

- Bớ Đinh Hùng, ta với người quyết phen ni...

Đinh Hùng ngoảnh lại, thong thả, không hề tỏ ra nghênh chiến, trong khi con tuấn mã của chàng tức tối lồng lộn như giục chủ ngồi lên mình mà lao vào kẻ thù. Giọng chàng trầm, đượm buồn, xót xa. Song không vì thế mà không vang lên cái sắc thái của vị tướng đã quen nơi trận mạc giữa ba quân...

- Này Trịnh Đỗ! Hôm nay ta đến đây là để nói cho Mạc Tuyết Lan biết rằng ta đâu oán hận nàng vì mối tình riêng. Mũi kiếm của ta gây nên cái chết của nàng là ta đã lãnh ý của vua Mạc khi ra đi. Nếu ngươi ở vào địa vị của ta thì cách xử sự cũng không khác ta. Nhà ngươi khoan trách ta đi phò một dòng họ không được lòng người. Các dòng họ vua chúa nào Nguyễn, nào Trịnh, nào Mạc và cả nhà Lê nữa... người dân nào có ưa thích... Nhà ngươi phò Trịnh, ta phò Mạc. Trịnh hay Mạc thì cũng chí là tai ương của mọi thống khổ của người dân mà thôi. Ngươi hãy tra kiếm vào vỏ đi. Đừns nên đổ máu trên ngôi mộ chưa lên cỏ của một hồng nhan đa truân. Nhà ngươi muốn quyết tử thì ngày mai mang gươm lên ngựa ra chiến trường với ta. Đó mới là cách của con nhà tướng. Trong hai ta, nếu có ai chết thì không phải bởi giai nhân mà vì võ thượng!

Nghe dứt lời, Trịnh Đỗ tra kiếm vào vỏ rồi chẳng nói chẳng rằng, chàng nhảy lên ngựa phi về hướng nam.

Đinh Hùng ngồi lại. Người ta chẳng biết chàng nói gì thêm nữa với người nằm dưới mộ. Hoàng hôn đã liếm dần cánh rừng. Cái lạnh của miền núi phương ồắc càng về đêm càng tê buốt...

*

Câu chuyện thê thảm về cái chết của cô công chúa Mạc Tuyết Lan khá éo le. Đinh Hùng là dũng tướng nhà Mạc. Vua Mạc đã hứa gả công chúa cho chàng khi nhà Mạc chiếm được Thăng Long. Đó là thời kỳ ảm đạm của một dòng họ mà vị vua sáng lập đã có hành động hèn hạ lên ải Nam Quan tự trói mình để được một vương triều phương Bắc không quấy rầy. Biết không sớm thì muộn mình sẽ bị quân Trịnh tiêu diệt, vua Mạc bèn cho kẻ tâm phúc đến gặp Quan Trạng, một nhà trí thức vĩ đại đã về ở ẩn tại quê nhà. Quan Trạng tiếp kẻ đến xin kế không niềm nở, quà cáp không nhận. Ông chỉ nói vẻn vẹn một câu:

“Cao Bằng là đất hiểm yếu, có đèo Bông Lau, có sông Bằng. Nếu biết vỗ về dân bản địa người Thổ, người Nùng thì cũng giữ được vài đời...”.

Nói xong, Quan Trạng sai tiểu đồng tiếp nước hầu chuyện còn ông thì bỏ đi câu.

Đinh Hùng ràng buộc với triều Mạc như một định mệnh, bởi thân phụ chàng là tả tướng dưới triều Mạc Đăng Doanh. Sau này trở thành dũng tướng, Đinh Hùng kết thân với Mạc Kính Khoan. Vị trí của chàng ngày càng cao. Nhất là từ khi Mạc Kính Khoan trong một cuộc kịch chiến đã bị quân Trịnh đóng cũi đưa về Thăng Long. Vua Mạc rất yêu mến viên tướng trẻ đầy tài hoa. Và hứa khi Mạc Tuyết Lan 16, 17 tuổi thì sẽ chọn chàng làm phò mã. Vua Mạc cho thám tử trà trộn vào quân Trịnh, do thám kinh thành thì được biết Mạc Kính Khoan không những không bị giết, bị hành hạ, mà trái lại chàng còn được một công chúa họ Trịnh đem lòng yêu mến, đòi chúa cho nàng lấy làm chồng.

Thám tử còn báo cho vua Mạc hay rằng: quân Trịnh gần như tập trung vào hướng Nam, một cánh do Trịnh Đỗ thống lĩnh chuẩn bị đánh Cao Bằng. Và Thăng Long, kinh thành gần như bỏ ngỏ.

Nhưng khốn nỗi vua Mạc lấy đâu ra quân mà kéo qua mạn Sơn Tuyên theo hướng chính Bắc để đánh úp một trận, cướp lại kinh thành. Nhà vua cho vời tướng Đinh Hùng đến nghị bàn, Đinh Hùng tâu bày:

- Ta đưa quàn đi, không thể không nghĩ đến thành Nguyên Bình mà nhà vua đang giữ. Chỉ cần một đạo quân nhỏ thì Nguyên Bình sẽ lọt vào tay họ...

- Vậy... theo khanh? Vua Mạc hỏi Đinh Hùng.

- Tâu bệ hạ. Kế của thần là làm sao vừa giữ được Nguyên Binh, vừa đánh tan đạo quân Trịnh Đỗ đã kéo lên Kinh Bắc chờ ngày xuất chinh.

Đinh Hùng nói đến đây thì ra hiệu ngầm vua Mạc. Hiểu ý, vua Mạc bẩi triều. Và tối hôm đó, một vua một tôi bàn kế. Kế ấy lập tức được thi hành.

*

Khi chiều tà thì bọn họ lọt được vào nơi đóng quân của Trịnh Đỗ. Tên lính canh phòng dẫn Thanh Nhàn nạn nữ vào gặp chủ tướng. Ăn mặc tiều tụy, nói năng sợ sệt nhưng nhan sắc của nàng khiến Trịnh Đỗ như bị choáng ngợp. Sắc đẹp này trời cho, thật có một không hai, ngay ở kinh thành nơi chàng có dịp quen biết nhiều con nhà trâm anh quyền quý, cũng chưa có một bóng nào làm chàng xao xuyến.

- Tướng quân ơi! - Thanh Nhàn nói. Thân phụ thiếp chán đời từ quan về dạy học rồi đi giao du với cụ Nghè, cụ Bảng lấy túi thơ bầu rượu làm vui, lấy non xanh, sông biếc làm nhà ở. Thiếp vâng lệnh mẹ già cùng gia nhân là tên đầy tớ câm này từ bé đi tìm thân phụ. Mong tướng quân mở lượng hải hà cho tiện thiếp lên đường kẻo nơi đây thì thiếp biết dựa vào ai...

Trịnh Đỗ quát tháo coi bộ nghiêm khắc:

- Các ngươi là thám tử quân Mạc đến đây dò xét quân ta. Ta phải xem xét các người...

Chàng hạ lệnh cho lính hầu giam hai người khả nghi lại.

Trại lính chìm trong đêm, tiếng chim từ qui từ cánh rừng vọng đến. Trịnh Đỗ không ngủ được, sai lính hầu dâng rượu. Nhưng cũng chỉ vài ly là chàng ưu tư không thiết uống nữa. Hình ảnh Thanh Nhàn nạn nữ khi ẩn khi hiện trước mắt chàng. Đôi môi hồng, hàm răng đều đặn, làn da ngọc ngà, và đôi mắt như khoé thu ba... Chao ôi con người này mà đất nước không tao loạn thì số phận sẽ đưa nàng vào phủ chúa cung vua, công hầu khanh tướng chỉ là gang tay. Trịnh Đỗ nghe rằng vua Mạc có công chúa là Mạc Tuyết Lan vừa tròn 17 là giai nhân tuyệt thế. Chàng đã tính nếu đánh chiếm được thành Nguyên Bình, bắt được vua Mạc thì việc đầu tiên là chiếm nàng. Nếu chúa Trịnh không cho lấy thì ta trả hết áo mão gươm báu quyền bính để được sống với nàng. Nếu chúa khép ta vào tội thì chúa hãy ghép tội công chúa lấy kẻ thù là Mạc Kính Khoan trước. Nếu cần, ta bỏ chúa Trịnh mà đi miễn là ta có nàng cùng bên mình là được. Nhưng Mạc Tuyết Lan thì ta chưa thấy, còn đây Thanh Nhàn nạn nữ đã làm cháy bỏng trái tim ta...

Chàng thức cho đến khi chim rừng chào đón bình minh, cánh rừng sau lá vàng như tơ tằm đã phủ một lớp sương mỏng bắt đầu tan.

Ngày hôm sau tên đầy tớ câm của Thanh Nhàn được sung vào tạp dịch quét dọn chăm sóc đàn ngựa trận, còn nàng được Trịnh Đỗ cho theo hầu, chờ ngày về quê mỗi khi chàng thắng trận trở về.

Ngày lại qua ngày, thời gian là bóng câu trước cửa. Trịnh Đỗ không thiết gì việc đưa quân đi lên Cao Bằng, Thanh Nhàn thì được lòng và sự cảm mến của viên tướng. Nàng dần dần quên đi sứ mệnh của vua cha giao phó. Trái tim nàng đã rung cảm trước một tuấn tú nam nhi.

Chỉ khốn nỗi cho tên đầy tớ câm trung thành cồn cào ruột gan muốn mưu sự nhanh chóng mà chưa thể giãi bày cùng ai. Đêm đêm khi có dịp đến tàu ngựa, chàng sờ lên thanh đoản kiếm mà chàng đã bí mật giấu kín, chờ giờ khắc hành sự. Thế rồi ngày ấy đã đến. Trớ trêu thay, lưỡi kiếm đã không dính máu Trịnh Đỗ, lại đâm vào công chúa Mạc Tuyết Lan.

Đó là một ngày không lấy gì làm ấm áp ở nơi xa xôi miền sơn địa. Sau khi dò biết Trịnh Đỗ ngày kia sẽ lên đườne, lợi dụng thời giờ eo hẹp, chàng đã chuẩn bị sẵn một con ngựa trong đàn ngựa mà chàng chăm sóc. Lận thanh đoản kiếm vào mình, chàng ra hiệu cho một tên lính xin đến gặp cô chủ. Chàng giả bộ ngờ nghệch đóng kịch đến không ngờ. Chỉ ít phút sau là có mặt nơi trướng màn Trịnh Đỗ, dõng dạc.

- Hôm nay, một là chúng ta chết, hai là Trịnh Đỗ chết, xin công chúa lựa chọn!

Sau ít phút ngỡ ngàng, Mạc Tuyết Lan - Thanh Nhàn chính là nàng - như tỉnh mộng. Nàng đâu ngờ tên đầy tớ câm - tức Đinh Hùng - xuất hiện bất thần ở giờ phút này.

- Thế nào công nương, thời giờ không cho phép ta trì hoãn nữa, và chỉ ngày mai thôi, thành Nguyên Bình sẽ bị phá tan tành, vua, hoàng hậu và gia quyến nhà Mạc sẽ thịt nát xương tan.

- Ôi tướng quân, sao tướng quân lại nói những lời ghê sợ vào lúc này để dày vò ta, trong lúc ta nhớ mẹ ta khôn xiết.

- Vậy thì công chúa chỉ còn một cách là hành thích tên Trịnh Đỗ gấp.

Nàng rơi nước mắt và nấc lên:

- Tướng quân ơi ta đâu không biết cơ sự này. Ta là đứa con bất hiếu đã không thương nhớ cha mẹ, quên đi những lời mà phụ hoàng căn dặn khi theo chàng xông pha nơi miệng cọp ngà voi. Và còn nữa, mối tình giữa ta với tướng quân mà phụ hoàng đã kỳ vọng nơi chàng là trụ cột. Triều đình nhà Mạc sắp đổ trước cơn bão mù trời. Tướng quân ôi! Làm vua phải chịu mệnh trời, khi trời đã dứt một dòng họ rồi thì ta chống chọi liệu ích gì? Ta nghiệm lời Quan Trạng, thì nhà Mạc ta đến đây coi như là tận cùng số mệnh...

Nàng còn định nói tiếp thì Đinh Hùng đã gầm lên như con mãnh hổ:

- Không! Mệnh trời nhưng cũng ở lòng người. Đất Cao Bằng còn mến nhà Mạc ta. Chính bọn Trịnh mới là kẻ thoán nghịch không hợp với ý trời. Ta có bổn phận diệt trừ chúng để trở về Thăng Long, thu phục giang sơn về một mối.

- Thì tướng quân cứ việc mà hành động đi. Còn ta, ta thấy việc làm này chỉ là giọt dầu trong đĩa dầu đã cạn mà đêm tối thì còn mông lung. Dù có sáng lên thì chỉ là chốt lát, chờ đến bình minh thì còn quá dài...

- Đừng dài lời, ta không có thời gian nữa. Trước khi hành động, ta quyết vì nhà Mạc mà trị tội một kẻ quay lưng với dòng họ!

Đinh Hùng rút đoản kiếm thì cũng là lúc Trịnh Đỗ và đoàn tuỳ tùng trở về. Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, chàng đưa mũi kiếm vào bụng Mạc Tuyết Lan rồi chạy như bay đến bên con tuấn mã mà chàng vỗ về, nhảy lên lưng phi như gió lên hướng Bắc trước sự ngạc nhiên của quan quân Trịnh Đỗ. Đến khi định thần, Đỗ sai quân lính đuổi bắt thì đã muộn... chỉ là trò lặn biển mò kim!

Trịnh Đỗ cho thầy thuốc băng rịt vết thương cho nàng, rồi hỏi nàng cớ sự làm sao.

Biết mình không thể qua được, nàng bảo quân hầu của Trịnh Đỗ đỡ dậy và thì thào:

- Tướng quân ơi!... Chính thiếp là công chúa Mạc Tuyết Lan đây...!

Trịnh Đỗ liền quỳ xuống nắm lấy tay nàng... Ôi Mạc Tuyết Lan, Mạc Tuyết Lan...! Ta thề phải phanh thây tên đầy tớ khốn kiếp đó, nàng phải sống!

Tuyết Lan thì thào:

- Không phải đầy tớ đàu. Mà đó là dũng tướng Đinh Hùng!

Trịnh Đỗ hét lên như bị đâm cổ.

- Tướng quân ơi! - Tướng quân ơi, ta cùng Đinh Hùng được Mạc hoàng giao phó đến đây để giết chàng. Nhưng khi lọt được vào đây, được ở gần chàng, thì lòng ta đổi khác... Nói đến đây nàng ứa nước mắt, nắm tay Trịnh Đỗ:

- Ngày mai hay ngày kia chàng cất quân lên Cao Bằng, ta chỉ xin tướng quân cho ta một ân huệ.

- Được, ta sẽ làm theo lời nàng.

- Xin tướng quân hãy tha tội chết cho mẹ thiếp, cho dù mẹ thiếp là hoàng hậu Mạc. Người đàn bà dù là gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là nạn nhân của các thế lực binh đao. Còn ta, khi ta chết, tướng quân hãy chôn ta bên cánh rừng, để ta được nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo. Thế là ta vui lòng. Ta sinh ra trong nhung lụa, song công chúa hay người đàn bà đốn củi nơi sơn địa thì có gì khác nhau lúc đã nhắm mắt... Nói đến đây nàng tắt thở.

Trịnh Đỗ cho làm đám nàng trọng thể. Từ đó chàng không thiết gì đến việc quân nữa. Ba ngày sau, khi đã có chén rượu, ngất ngưởng một mình một ngựa, chàng lững thững đến cánh rừng nơi có ngôi mộ người tình. Thì đâu ngờ lại chạm trán với Đinh Hùng...

Bây giờ ai có dịp qua lại chân đèo Bông Lau thì thấy ở đó có một xóm nhà người Thổ, trong đó có gia đình ông Mạc Ma Tò. Ông ta quả quyết rằng ông là dòng họ nhà Mạc, quê quán ở tận Hải Dương...

Huế tháng 10/1994

N.L

(SH số tháng 7 - 1995)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng