Tạp chí Sông Hương -
Trọn vẹn tình yêu cải lương
10:24 | 25/05/2018

“Thầy Ba Đợi” - vở diễn chào mừng kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam đã đem đến những đêm diễn trọn vẹn cảm xúc cho khán giả TP Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ Trần Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam), một trong những diễn viên hóa thân nhân vật chính, kỳ vọng khán giả Thủ đô Hà Nội cũng sẽ có cảm xúc tương tự vào ngày 27 - 28.5 tới, từ đó hiểu rõ hơn vẻ đẹp và giá trị của nghệ thuật cải lương.

Trọn vẹn tình yêu cải lương

Như thân lá cành được trở về nguồn cội

- Được tham gia một vở diễn hội tụ ngôi sao cải lương ba miền Bắc - Trung - Nam, lại khắc họa một nhân vật có công lớn với nghệ thuật cải lương, anh đã phải chuẩn bị như thế nào cho quá trình nhập vai?

 “Lâu lắm rồi, tôi mới có cơ hội được tham gia cùng nghệ sĩ các vùng miền thể hiện một tác phẩm trên sân khấu. Đó là một hạnh phúc, là sự may mắn trong quá trình làm nghề. Đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh tối 28.4 với tôi đầy ắp cảm xúc. Rất nhiều khán giả đã đến xem vở diễn, trong đó nhiều khán giả còn xem đây là thời khắc lịch sử 100 năm mới có một lần. Qua hơn 3 tiếng, kết thúc vở diễn, rất nhiều khán giả, nghệ sĩ đã chạy lên sân khấu, ôm chầm lấy chúng tôi, không còn khoảng cách”.

Nghệ sĩ Trần Quang Khải

- Khi nhận bảng phân vai trong “Thầy Ba Đợi”, cảm giác đầu tiên của tôi là hồi hộp, lo lắng, và cả áp lực nữa. Thứ nhất, đây là vở diễn cần tới 4 nghệ sĩ trong vai nhân vật chính. Hơn nữa, các nghệ sĩ Thanh Tuấn, Xuân Vinh, Lê Tứ - những người cùng vai diễn chính với tôi - đều là danh ca. Thời sinh viên, giọng ca Thanh Tuấn từng là thần tượng của tôi và nhiều bạn khác. Vì thế, dù lo âu nhưng tôi vẫn thấy mình hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu, chung vai với thần tượng mà tôi mong chờ và ấp ủ. Thứ hai, đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một vở diễn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ từ nhiều nhà hát đến thế. Hơn tất cả, nội dung vở diễn khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, với nhân vật chính là Thầy Ba Đợi (nhạc quan, nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương. Trong quá trình nhập vai, tôi luôn tự nhủ làm sao để ca từ, vai diễn của mình khắc họa nhân vật theo đúng kịch bản sân khấu, lại phù hợp với chất giọng và cung cách diễn xuất của các bạn diễn tài năng.
 

- Được làm việc với nhiều nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật, vùng miền khác nhau trong cả nước, anh học hỏi được gì?

- Mặc dù nghệ sĩ chúng tôi vẫn gặp nhau, thậm chí thân nhau, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đứng cùng nhau trên một sân khấu. Qua những bỡ ngỡ, chúng tôi đã dần hiểu nhau hơn, nhiều cảnh diễn đầy xúc cảm giữa tôi và các bạn diễn phía Nam cũng đã xuất thần. Tôi thấy mình như thân lá cành như được trở về nguồn cội, trở về nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật ca cải lương. Trong ba cảnh diễn, tôi may mắn được ca và thoại bằng tiếng miền Trung. Song, để hoàn thành những phân đoạn của mình, tôi cũng học hỏi rất nhiều từ nghệ sĩ Lê Tứ, Xuân Vinh, khi các anh ca và thoại bằng giọng Nam. Từ việc học tiếng, lựa chọn cách ca cho đúng với giai điệu và thổ âm vùng miền, chúng tôi đã đến với nhau bằng tình yêu nghệ thuật, cùng nhau tạo ra những xen diễn sâu lắng, xúc động.

Quan trọng là cảm xúc khán giả

- Chỉ ba cảnh trong vở diễn dài hơn 3 tiếng, với anh có quá ít thời gian đứng trên sân khấu không?

- Tôi đã từng tham gia các tác phẩm “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, “Hừng Đông”… của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Những nhân vật tôi đảm nhiệm trong các vở diễn này đều được khán giả yêu mến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chắt chiu cơ hội để được cống hiến, sáng tạo. Với “Thầy Ba Đợi”, tôi đã trải qua những giây phút ấy. Thời gian diễn tuy không nhiều nhưng phải tạo dấu ấn đậm nét về nhân vật mình đảm nhận.

Mỗi tác phẩm có nhiệm vụ riêng của nó, được khán giả đánh giá theo cách riêng. Nhân vật nhạc sư Nguyễn Quang Đại không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ trẻ mong muốn được thể hiện. Tôi đã làm hết khả năng và tâm sức để thể hiện một quãng đời của nhạc sư, khi ông từ Huế trở vào Nam, bắt đầu thời kỳ vừa trốn tránh sự truy lùng của Pháp vừa dạy nhạc. Thầy Ba Đợi được xem là bậc tiền bối, đặt nền tảng cho việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ, sau đó cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử, rồi phát triển và hình thành sân khấu cải lương. Tôi nghĩ rằng đó là hình bóng của ông nội mình, rồi tôi nghĩ tới cây đàn của dòng họ mà chú tôi đang lưu giữ. Và tôi cố gắng thể hiện trọn vẹn tình yêu ấy qua vai diễn.

- Trong các đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 27 - 28.5 tới, vở diễn có chỉnh sửa để phù hợp với thị hiếu khán giả yêu cải lương ngoài Bắc hay không?

- Nếu nói để phù hợp thì không hẳn, nhưng vở diễn sẽ súc tích hơn để có thời lượng thích hợp. Đã lâu rồi mới có vở diễn huy động tới hơn 60 nghệ sĩ tài năng ba miền tham gia. Tôi nghĩ, nghệ thuật không có khoảng cách địa lý, quan trọng là nghệ sĩ phải khắc họa được hình tượng nhân vật, tác động đến tâm lý khán giả, không kể vùng miền.

Xin cảm ơn anh!

Theo Hương Sen - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng