Tạp chí Sông Hương -
NSƯT Kim Cương: Những gì đã qua không thể níu kéo
14:56 | 16/06/2009
Sân khấu kịch TP.HCM những năm qua luôn trình làng một bộ mặt năng động, đầy sức sống và đôi khi mới lạ đến… giật mình. Khán giả không chỉ khóc cười cùng các nhân vật nữa mà có thể bị hù nghẹt thở với “kịch ma” và nóng ran người cùng “kịch mát mẻ”.Rời xa sự sôi động ấy, một người mà “rời xa sân khấu, tôi chỉ là người…dưới mức bình thường” lại quyết định lui về “ở ẩn” - NSƯT Kim Cương. Hầu như không xuất hiện trước công chúng cũng như đời sống sân khấu hiện đại, để lại những hoài niệm đẹp về đoàn thoại kịch Kim Cương một thời lẫy lừng với Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Nhân danh công lý…, nhưng thật ra Kim Cương vẫn không nguôi nhớ và nghĩ về sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch TP.HCM…
NSƯT Kim Cương: Những gì đã qua không thể níu kéo
Kim Cương trong vở Lá sầu riêng

Tôi là người của sân khấu

“Nói thiệt, nhớ sân khấu lắm chứ. Nhiều lúc nửa đêm bật dậy ôm bàn thờ má mà khóc mà la: Tôi nhớ má quá, nhớ sân khấu quá. Khóc vậy rồi thôi chứ tôi biết không thể níu kéo lại những gì đã qua”, NSƯT Kim Cương bộc bạch.

Là con nhà nòi, mẹ là NSND Bảy và đặc biệt dì là đệ nhất tài danh sân khấu Năm Phỉ, dòng máu nghệ thuật đã chảy sẵn trong người Kim Cương. Định mệnh đã sẵn dành cho chị là một nghệ sĩ chứ không thể khác được. Chỉ mấy ngày tuổi, bé Kim Cương đã được mẹ bế lên sân khấu, tuổi đôi mươi của chị tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương với biệt danh “kỳ nữ” do báo giới phong tặng, rồi trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh đầu tiên và hàng đầu của nền điện ảnh non trẻ Việt Nam, rồi nhanh chóng gặt hái thành công khi “liều mình” khai phá mảnh đất hoang thoại kịch. Có cảm tưởng con người chị sinh ra là để thành công. Nghe vậy, chị cười: “Không đâu, con người tôi sinh ra là để dành cho nghệ thuật. Rời xa sân khấu tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường thậm chí là dưới mức trung bình. Chỉ có trên sân khấu tôi mới có thể bộc lộ hết những phẩm chất, những thiên năng của mình”.

Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, chị đã viết 60 kịch bản (đã được Guiness Việt Nam công nhận là nữ tác giả kịch nói có nhiều tác phẩm nhất) trong đó có những vở diễn in dấu sâu đậm trong lòng khán giả cũng như làm nên phong cách “kịch Kim Cương”: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Tôi là mẹ, Hai mùa giáng sinh, Chiều cao vực thẳm, Bông hồng cài áo... Kịch Kim Cương đầy nữ tính với hình tượng trung tâm là những người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt truân chuyên, chịu thương chịu khó. Chị bảo: “Đã là con người thì ai cũng phải vất vả tranh đấu, trong đó phụ nữ bao giờ cũng vất vả hơn. Hình tượng người phụ nữ dễ khai thác, dễ “lấy nước mắt” khán giả hơn. Vả lại tôi viết cho mình diễn nên nhân vật nữ, nhất là hình tượng người mẹ, luôn chiếm vị trí quan trọng”.


NSƯT Kim Cương


Có thể nói “kỳ nữ” Kim Cương là một trường hợp đặc biệt khi thành công cùng một lúc với nhiều vai trò: tác giả, đạo diễn, diễn viên chính. Với chị, viết là để thỏa mãn đam mê sân khấu của mình, viết để nói những gì ngoài đời mình không nói được, viết để có thể trở thành những con người mà mình mong muốn hay đơn giản viết để làm những gì mình thích: “Tự dưng tôi thích được mặc đồ bà phước, được nếm trải cảm giác trong những nhà tu thì viết Hai mùa giáng sinh để mình làm... nữ tu. Lúc thích làm người điên, lúc thấy mặc áo bầu hay hay (dù rằng chưa có chồng con)... thì cũng viết ngay các kịch bản có những nhân vật như ý thích để được hóa thân và trải nghiệm cùng nhân vật”...

Sân khấu không nghiêm túc là không được

Dịu dàng, mềm mỏng, đầy nữ tính và cả nhạy cảm, mau nước mắt là những suy nghĩ thông thường của mọi người về NSƯT Kim Cương. Và quả thật, trên sân khấu chị khóc hay thật! Thế nhưng ngoài đời lại là một Kim Cương thật bản lĩnh và cứng rắn, đặc biệt đối với đoàn kịch Kim Cương, chị còn cho mình là một người “độc quyền”. Từ căn bản của một gia đình giàu truyền thống, từ bản thân người nghệ sĩ trọng nghề nghiệp, NSƯT Kim Cương đã “gò” cả đoàn kịch Kim Cương theo những nguyên tắc, kỷ luật của mình: nghiêm túc là yếu tố được đặt lên hàng đầu. “Tôi luôn tâm niệm trong lòng lời dạy của má rằng: sân khấu không phải là nghề mà là một cái đạo làm người. Đây không phải là nơi để kiếm tiền mà là để đóng góp cho đời đẹp hơn. Nên với tôi, với đoàn kịch Kim Cương, sự nghiêm túc trên sân khấu luôn là yếu tố quyết định. Diễn viên dù có diễn xuất hay cách mấy mà không nghiêm túc cũng không được. Tôi thường nói với anh chị em diễn viên: Mỗi đêm diễn đều là một trận đánh chỉ có thắng hay thua mà thôi. Người nghệ sĩ mỗi khi lên sân khấu là phải “cháy” hết mình”.

Kim Cương còn tạo nên một không khí xem hát rất kỷ luật cho những khán giả đến với đoàn. Mỗi đêm diễn dưới khán phòng luôn có tám bảo vệ giữ trật tự bảo đảm không cho con nít khóc, không để người lớn nói chuyện. Mỗi khi mở màn đều có lời nhắn nhủ khán giả giữ trật tự tập trung thưởng thức trọn vẹn những gì mà người nghệ sĩ nỗ lực đem đến. Còn bên trong cánh gà, mỗi khi kéo màn là hậu trường tuyệt đối yên lặng hỗ trợ cho nghệ sĩ trên sân khấu. Với chị, sự nghiêm túc trong hậu trường chính là sự hóa trang tâm hồn hỗ trợ để bên ngoài người nghệ sĩ thăng hoa và bên trong cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho những lớp diễn kế tiếp. “Tôi còn kỹ tính đến mức không cho phép hậu trường, nơi nghệ sĩ trang điểm bị dơ (bẩn). Tôi cho đóng các bàn trang điểm riêng dành cho nghệ sĩ, mỗi người một nơi và luôn bảo đảm gọn gàng. Bản thân mình phải làm gương, phải dọn mình cho các anh chị em theo đó mà thể hiện”, chị cho biết.

Là người “đứng mũi chịu sào”, bàn trang điểm của NSƯT Kim Cương luôn được kê sát cánh gà để lỡ nghệ sĩ có cao hứng “cương” (diễn ra ngoài kịch bản) là chị nhào sát ra sân khấu nhắc nhở ngay. Chị thuộc lòng từng vai diễn, từng cái chấm phết, nắm được chỗ nào lên đèn, xuống đèn, từng cái dằn âm thanh... “Tôi còn nhớ một người thầy đã từng nói: người nghệ sĩ giống như que diêm, cái hay tột đỉnh là khi nó chết. Mỗi đêm hát với tôi rất thiêng liêng trong đó cần sự hỗ trợ của nhiều bộ phận: diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu đài... và đặc biệt là của khán giả. Khán giả phải tôn trọng sân khấu, toàn tâm toàn ý thưởng thức nghệ thuật thì người nghệ sĩ mới có thể thăng hoa. Kịch Kim Cương đâu phải vở nào cũng hay nhưng sự nghiêm túc thì không khi nào được bỏ quên, đấy là phong cách và nó đã giúp kịch Kim Cương được khán giả yêu mến suốt bao nhiêu năm”.

Hỏi chị phải chăng việc tập hợp một ê-kíp chuyên nghiệp đến tập đúng giờ, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của đạo diễn, hết lòng trên sàn diễn chứ không mải nghĩ đến chuyện chạy sô... như khi xưa trong tình hình sân khấu hiện nay là điều không thể nên chị đã rút lui khỏi sân khấu dù vẫn còn sung sức? Chị cười nhẹ nhàng: “Sân khấu ngày nay rất sôi động nhưng sự giao thoa và tôn trọng giữa nghệ sĩ, sân khấu với khán giả tôi lại không tìm được. Có lẽ sân khấu mỗi thời mỗi khác. Và thời gian của tôi lúc này cũng không còn thích hợp để dành cho sân khấu nữa”.

“Sân khấu tác động đến xã hội đôi khi còn ghê gớm hơn sách vở nhiều. Khi tôi diễn vở Bông hồng cài áo, ra ngoài đường gặp nhiều em nhỏ, tụi nó hồn nhiên: “Con ghét bà nội lắm, không thèm ngủ chung với bà nội đâu”, nghe mà giật mình. Nói gì thì nói, sân khấu phải làm người ta sống đẹp hơn. Là tác giả - tôi đòi hỏi cao ở nội dung thể hiện, là một nghệ sĩ - tôi cần sự nghiêm túc. Tôi cảm thấy khó chịu khi xem nhiều tiết mục tấu hài phổ biến hình ảnh vợ chửi chồng, cởi dép rượt chồng chạy vòng vòng, nói năng lăng nhăng thậm chí là tục tĩu. Chính những cái tưởng như vui cười vô hại ấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em nhỏ sau này...”, chị khẽ nói.

                                                                                                         Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng
(16/06/2009)