Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: CHUYỆN TỪ THỜI CHIẾN
09:37 | 31/05/2018

NGUYÊN QUÂN

 

Mặt trời đã khuất sau dãy núi cao mù chỉ còn vướng lại chút nắng nhàn nhạt. Người anh cần gặp bỗng nổi bật lên giữa vầng sáng cuối cùng của ngày ấy. Anh đứng dậy đỡ bà cụ ngồi xuống ghế. Bàn tay nhăn nheo của bà bám chặt khuỷu tay anh. Cái già nua mòn mỏi đang hướng nhìn đau đáu chờ đợi...

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: CHUYỆN TỪ THỜI CHIẾN
Nhà văn Nguyên Quân

Anh ngưng ngang câu chuyện đang kể, với tay lấy chiếc bật lửa đốt điếu thuốc. Ánh lửa mong manh nháng lên cũng đủ cho anh nhìn thấy hết từng khuôn mặt quanh chiếc bàn, trong căn phòng nhá nhem tối. Có vài cái nhíu mày khó hiểu, vài nét xót xa lẫn giận dữ. Mọi biểu hiện ấy của họ không làm anh ngỡ ngàng. Bởi nó đều nằm trong dự cảm của anh khi quyết định nói sự thật của câu chuyện xảy ra từ thời chiến. Con đường đất đỏ cứ dài ngút mắt dưới cái nắng hạ khắc nghiệt của miền trung. Sau một chuyến tàu lửa, một chuyến xe khách và thêm một ngày lội bộ, vẫn chỉ là con đường nham nhở đất đá chạy qua nhiều mái núi vắng lặng. Anh tưởng chừng con đường này dài đến vô tận trên mỗi bước chân dùng dằng nửa muốn đến nơi cái địa chỉ đang nằm sâu trong túi áo, nửa muốn quay về ngôi nhà có đủ đầy vật chất mà anh phải khó khăn, vất vả mới tạo lập được, có lẽ sự giằng co ấy mới thật sự làm anh thấm mệt. Qua hết thêm một khoảng đường bị che chắn tầm nhìn bằng một mái dốc cao, anh dừng lại lục túi xách du lịch đeo lệch bên vai lấy chiếc khăn lau những dòng mồ hôi nhễ nhại, nhớp nháp bụi đất trên mặt. Đứng nghỉ một lúc anh cảm thấy dễ chịu hơn, từng ngọn gió dìu dịu thổi từ phía chân đồi lên. Những ô ruộng đều đặn như cái bàn cờ màu xanh. Xa hơn chút nữa, lẫn khuất sau hàng tre là những mái ngói đỏ sẫm dưới anh nắng xế chiều. “chắc chắn trong đó có ngôi nhà mình tìm”, anh nhủ thầm khi đeo lại túi xách lên vai.

- Mời bác nghỉ chân uống nước.

Chị chủ quán đon đả chào mời lúc anh đứng tần ngần muốn hỏi nhờ. Anh cười thân thiện với chị rồi khom người bước vào dưới mái tranh được gá tạm trên những chiếc cọc tre. Gọi là quán cho đúng nghĩa chứ thật sự chỉ có vài cái bát nằm ngổn ngang trên bộ bàn ghế đóng thô, còn bốn phía trống toang. Cơn khát nóng suốt cả ngày đội nắng xui anh nốc cạn bát nước mới rót ra từ chiếc ấm nhôm trước mặt. Bát nước chè đậm đắng làm bụng anh cồn cào rồi nhanh chóng chuyển thành cơn choáng váng xây xẩm… con đường đất đỏ lớn dần, nhòe dần… anh thấy dòng máu thấm nhanh qua lớp vải và biến thành ngọn sóng vỗ đập cuốn hút anh trong một xoáy ốc màu đỏ.

- Bác bị say nước chè rồi.

Bên tai anh thoang thoáng âm giọng nằng nặng của người đàn bà chủ quán. Anh giật mình cố gượng người qua khỏi ảo giác.

- Chẳng sao đâu chị, có lẽ tại hồi sáng đến giờ tôi chưa ăn gì, lại uống quáNhiều nước chè nên hơi choáng… À quán chị có bán thức ăn không?

- Không… hay bác dùng tạm cái này xem có đỡ chút nào chăng. Chị nói ngập ngừng và tỏ vẻ ái ngại dặt xuống bàn mấy chiếc bánh quy làm bằng bột sắn vừa khô vừa cứng. Anh trệu trạo nhai cố nuốt nghẹn… phong lương khô trong chiếc ba lô ngày cũ. Cũng như mấy chiếc bánh chiều nay đều có công hiệu giống nhau. Bụng anh hết cồn cào xót xa, anh lại nghĩ đến đoạn đường cần phải đi.

Theo sự chỉ dẫn tận tình của chị chủ quán, anh hiểu mình chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn nữa thôi để chọn lựa quay về hay đi tiếp. Ý tưởng mâu thuẫn xung đột nhau trong đầu không cho anh được một quyết định nào cả. Và anh cứ bước đi giữa trạng thái mù mờ biên độ ấy.

Ngôi nhà dễ tìm nhờ nó mới hơn, khang trang hơn và còn nhờ nó có thêm dòng chữ “nhà tình nghĩa” sơn màu đỏ chói, anh ngần ngại gõ cửa. Mở cửa là một người đàn ông trạc tuổi anh. Tóc cũng đã bạc quá nửa mái đầu song vạm vỡ rắn chắc với nước da sẫm nắng. Màu da dãi dầu ruộng đồng, nương rẫy không che nổi nét nghiêm nghị sắc sảo trên khuôn mặt vuông vắn. Cả giọng nói của ông ta cũng gãy gọn mạch lạc.

- Ông cần hỏi chi?

Anh lúng túng:

- Anh cho tôi hỏi thăm đây có phải là nhà cụ linh?

Người đàn ông chăm chú nhìn anh rồi gật đầu.

- Vâng! Mời ông vào nhà. Hình như ông mới ở trong kia ra.

Anh cảm ơn và bước vào phía trong. Dù biết trước anh vẫn cảm thấy hồi hộp khó thở theo nhịp tim bất thường khi đối diện khuôn mặt từng dày vò, ám ảnh anh đang bị đóng cứng trên lớp thủy tinh trong suốt vô tư. Chính bức ảnh này bỗng nhiên tái hiện sau nhiều năm tháng tưởng chừng như đã lãng quên được. Chẳng mấy khi có mặt ở nhà vào giờ khắc định mệnh ấy. Mà cho dầu có nhà cũng chẳng mấy khi anh được rảnh rỗi ngồi xem truyền hình. Thú vui duy nhất của anh là công việc. Nó cuốn hút thời gian, tư duy anh theo một dòng xoáy tự nhiên. Tất cả với anh bây giờ là làm thế nào để củng cố cái vị thế đang có và nỗ lực vươn cao hơn nữa. Trầy trượt qua bao gian nan, phải tận dụng hết năng lực, sự khôn khéo mới được như hôm nay. 

Từ một sĩ quan bại trận của chế độ cũ, sau thời gia cải tạo tốt, anh trở về nhà, được trả quyền công dân. Anh xin vào làm việc ở một hợp tác xã mua bán. Nhờ bản tính cần cù siêng năng và quá trình phấn đâu không mệt mỏi, anh vươn lên dần theo bước phát triển của xã hội. Sự đổi mới kinh tế như chắp thêm đôi cánh cho anh.

Từ một hợp tác xã luôn thua lỗ, thành công ty liên doanh với nước ngoài. Cả thời gian lẫn quan niệm đổi mới xóa dần cái quá khứ và anh nghiễm nhiên trở thành giám đốc công ty doanh nghiệp cỡ lớn đó. Một ông giám đốc luôn hòa nhã rộng lượng với kẻ dưới quyền. Với cấp trên hay chính quyền sở tại anh là người có khả năng, trong sạch, tôn trọng luật pháp và nghĩa vụ… Chắc chắn những điều kiện đó sẽ còn nâng anh bay cao hơn nữa, nếu như hôm ấy anh không tình cờ bắt gặp khuôn mặt đó và giọng nói trầm buồn của người xướng ngôn viên dội vào mắt, vào tai đúng lúc anh bước đến định lấy gói thuốc lá nằm bên cạnh chiếc máy truyền hình. Đến bây giờ anh chẳng hiểu nổi tại sao chỉ nghe qua một lần anh lại nhớ được cái địa chỉ để liên lạc dài ngoẵng tên huyện xã lạ hoắc như vậy…

- Mời ông dùng nước.

Người đàn ông đẩy nhẹ tách trà về phía anh kèm theo ánh mắt dò hỏi.

- Cám ơn! Bà cụ có nhà không anh? - Vừa bưng tách trà anh vừa hỏi.

- Mẹ tôi đang ở vườn sau. Ông cảm phiền chờ một lát tôi ra gọi bà vào.

- Anh là con trai của cụ?

- Là con rể thôi. Bà chỉ có một con trai, cậu ấy hi sinh hồi chiến tranh rồi.

Anh ta trả lời rồi xoay người bước ra phía cửa sau ngôi nhà. Anh nhìn theo, qua khung cửa mở rộng dẫn ra vườn. Mặt trời đã khuất sau dãy núi cao mù chỉ còn vướng lại chút nắng nhàn nhạt. Người anh cần gặp bỗng nổi bật lên giữa vầng sáng cuối cùng của ngày ấy.

Anh đứng dậy đỡ bà cụ ngồi xuống ghế. Bàn tay nhăn nheo của bà bám chặt khuỷu tay anh. Cái già nua mòn mỏi đang hướng nhìn đau đáu chờ đợi. Bà cụ chừng như linh cảm được điều anh sắp nói. Giọng anh run lên vấp váp trong một câu chuyện không đúng như nó từng xảy ra… thế là chính ông chôn cất con tôi. Ông có còn nhớ được đỉnh đồi ấy không? - Bà cụ ngồi nín lặng nghe hết câu chuyện anh bịa ra, xong bà mới nghẹn ngào nói. Anh ngạc nhiên trước thái độ bình thản của bà cụ. Không chút vồ vập tỏ lộ mừng rỡ hoặc đau đớn khóc than khi anh vừa mang đến một nguồn tin mà bà nhắc tìm và chờ đợi nhiều năm tháng dài. Sự trầm tĩnh khác thường của bà cụ vượt quá trí tưởng tượng làm anh lúng túng.không chắc chắn lắm nhưng cũng có thể…

Bà cụ bỗng quay sang phía người con rể.

- Tối nay con thu xếp chỗ nghỉ cho khách và chuẩn bị ngày mai đi mang nó về…

Vừa lạ chỗ, vừa mải suy nghĩ để lý giải tâm lý của bà cụ linh nên anh cứ trăn trở không ngủ được.

Đêm ở vùng quê lặng lẽ mênh mông đến rợn người. Tiếng thở dài thườn thượt của bà cụ bên trong căn buồng chốc chốc lại vọng ra càng thêm rối trí anh. “Bà cụ không Ngủ được, cũng trông trời mau sáng như mình” - anh lẩm bẩn trong tiếng gà dồn dập gáy sáng.

Mất hơn năm ngày đi đường và quanh quẩn giữa vùng đồi núi chập chùng, anh vẫn chưa xác định được vị trí, tuy trí nhớ anh rất tốt nhưng hai mươi năm là quãng thời gian quá dài đủ để biến những ngọn đồi trơ trọi vết cháy, thành um tùm lau lách. Vừa ngán ngẩm phải băng rừng vượt suối, vừa chẳng tin tưởng lắm vào những điều anh kể lại, nên đoàn người đi cùng anh cũng thấy nản lòng. Nhất là mất anh chàng thanh niên do huyện đội địa phương này cử theo giúp đỡ, dẫn đường. Họ nản cũng phải vì nếu dựa vào câu chuyện…

Anh là một sĩ quan chế độ cũ giữa cơn hoảng loạn rút chạy. Gặp một xác chết của quân giải phóng mà chịu khó dừng lại chôn cất và chỉ nhìn thoáng qua bức ảnh căn cước nhỏ xíu đã mù nổ nước thuốc, của hai mươi năm về trước đến chừ còn nhớ rõ thì thật khó tin nổi. Hơn nữa dầu có đúng như vậy, anh ta cũng chẳng tài nào xác định được địa điểm ấy giữa vô số ngọn đồi ở vùng này. Chỉ có người đàn ông con rể của bà cụ - người mẹ đã nhắn tin tìm mộ con trên chương trình quân đội, là vẫn giữ niềm tin.

- Tôi nhớ mang máng mình cũng từng vượt qua ngọn đồi có tảng đá lớn nằm bấp bênh trên đỉnh như anh đã mô tả. Nó chỉ quanh quẩn đâu đây thôi, chắc chúng ta sẽ tìm được mộ Tuấn.

Anh không ngạc nhiên trước sự quả quyết của Hùng - tên người đàn ông. Qua mấy ngày tiếp xúc anh mới biết hùng nguyên là cấp chỉ huy trực tiếp của tuấn. Hùng cũng có mặt trong trận đánh hôm đó. Giọng Hùng trầm buồn:

- Sau khi chiếm được đỉnh ba linh hai, chốt cuối cùng để mở đường xuống thành phố theo kế hoạch hành quân, Tuấn lại bị lên cơn sốt rét phải trở về trạm quân y ở tuyến sau. Đơn vị cử một người đi cùng, song Tuấn không chịu. Cậu ấy biết ai cũng nóng lòng được về tiếp thu thành phố. Hơn nữa toàn bộ các đơn vị lính sài gòn chốt đóng ở đây đều đã bị quét sạch, hay rút chạy, không ngờ tuấn mất tích luôn từ buổi ấy… tội nghiệp! Tuấn tốt nghiệp sư phạm. Nghề cậu ấy yêu thích mà chẳng được một ngày làm thầy…”.

Anh cũng mới qua bốn năm đại học sư phạm, cũng chưa có một ngày chính thức đứng trên bục giảng. Cuối năm bảy tư, cuộc chiến đột nhiên trở nên khốc liệt. Anh bị động viên vào trường sĩ quan thủ đức. Học chưa đủ chín tháng đã cho ra trường để kịp bổ sung cho các đơn vị tác chiến đang thiếu hụt quân số trầm trọng. Được điều về một đơn vị bộ binh đang trú đóng ở đây. Vùng tương đối yên tĩnh, nên hơn một tháng làm lính chiến anh chưa hề nếm thử mùi lửa đạn.

Trận đánh xảy ra tới đột ngột như giọng nói hổn hển, đứt quãng trong ống liên hợp truyền từ bộ chỉ huy hậu cứ đóng dưới thành phố vọng lên “các đơn vị hãy tùy nghi di tản”. Thế là mạnh ai nấy chạy giữa tiếng súng lớn, súng nhỏ bất chợt thi nhau nổ dòn.

Đỉnh 302 nơi anh trú đóng chẳng xa thành phố bao nhiêu. Nhưng vì quá hoảng loạn anh chạy không định hướng, thay vì cùng đồng đội rút về phố, anh lại chạy sâu vô rừng vùng kiểm soát của giải phóng quân. Đến lúc bớt hoảng sợ mới thấy mình dại. Không dám theo các lối mòn, anh phải cắt rừng, nhắm đỉnh 302 mà đi, chỉ cần bình yên về lại được ngọn núi cao nhất vùng đó. Anh sẽ nhớ đường. Mò mẫm một ngày đêm anh cũng tới đích... “Băng qua ngọn đồi này nữa thôi”. Anh sung sướng nhủ thầm khi gắng sức trèo lên… Đúng chỗ này rồi.

Anh hét lớn xuống chân đồi có toán người trong đoàn ngồi nghỉ. 

Trước khi họ lên đến, anh và hùng dùng dao rừng phát quang khoảng đất được đánh dấu bằng vô số viên đá mà hơn hai mươi năm trước anh bỏ công gom nhặt, chất chồng thành nấm mộ. Bên cạnh đó còn cả chiếc cuốc xếp quân đội, nó đã sét mục chiếc lưỡi thép để lại cái cán nhôm chơ vơ, giữa đám lau lách. Từng nhát... từng nhát cuốc xuống sâu.

Anh nói với đám người đang khai quật “khoảng chừng năm tấc đất”. Họ tìm thấy liệt sĩ Tuấn nhưng không ai dám khẳng định bộ hài cốt bọc kín trong tấm pon-so của quân đội sài gòn kia có đúng là một chiến sĩ giải phóng đã hi sinh hay không. Dựa theo các hiện vật còn lại từ chiếc xẻng đến tấm áo đi mưa đều là quân dụng cá nhân của lính ngụy. Nếu người điểm chỉ là đồng đội trước kia của đồng chí Tuấn thì còn có thể chấp nhận được.

Chủ tịch ủy ban huyện, một người còn khá trẻ nói với cụ linh cùng tất cả mọi người có mặt trong căn phòng tiếp khách của huyện. Lập luận của ông ta chuẩn xác hợp lý, có tính thuyết phục cao. Ngay cả hùng, người luôn vững niềm tin trong những ngày dò dẫm kiếm tìm, người đã chứng nhận sự hy sinh và mất tích của một chiến sĩ thuộc cấp trên vùng này cũng bị tác động. Hùng chiếu ánh mắt ngờ vực về phía anh, chờ đợi một lời minh chứng. Bà cụ vì tuổi già phải ở lại nhà khách ủy ban suốt mấy ngày qua. Không có mặt lúc khai quật nên nửa tin nửa ngờ, song bà cụ khăng khăng đòi mang hài cốt tìm được về bên bà.Vẫn biết đồng chí Tuấn hi sinh trên vùng này và cũng đã được nhà nước công nhận liệt sĩ. Chúng tôi rất cảm thông nỗi đau khổ và ý nghĩ của mẹ. Nhưng đây là vấn đề… Ông chủ tịch ngập ngừng chọn từ thích hợp; có lẽ ông ta hiểu không thể nói trắng rằng bộ hài cốt tìm được là một binh sĩ ngụy trước hi vọng mong manh của bà cụ. Tôi biết và rất cảm ơn thành ý của ông. Song với tôi, bây giờ dù có được một phần trăm tin tưởng đây là hài cốt của con vẫn hơn mất hết hy vọng. Tôi chờ nó quá lâu rồi! Mọi sự điềm tĩnh, cứng rắn của bà cụ oằn gãy theo sức chịu đựng cuối cùng. Bà bật khóc ngất, dòng nước mắt tuôn trào trên đôi mắt hút sâu, mờ đục làm anh quặn thắt, nhói buốt…

Không đủ sức nhìn nỗi khổ đau cùng cực của một người mẹ đang hoài nghi nhìn nhận hình hài đứa con từng cắt ruột sinh thành, anh đứng dậy bước đến bên bà cất giọng chậm rãi nói:

- Bà hãy bình tâm. Tôi có chứng cớ chắc chắn đây là hài cốt của Tuấn. Chính tôi đã giết chết anh ấy...

Đúng! Chính anh đã giết chết Tuấn. Vừa bò lên tới đỉnh anh gặp Tuấn đang nằm Trên chiếc võng. Có lẽ sự xuất hiện của anh quá đột ngột nên Tuấn chỉ kịp “á!” một tiếng đầy kinh ngạc. Đúng lúc ấy anh siết cò khẩu súng trên tay theo phản xạ tự vệ chả kịp nhìn chả kịp nghĩ gì… Tuấn nẩy bật người, thả bàn tay bất lực giữa lưng chừng khoảng không chưa vươn tới cây ak báng xếp gác trên chiếc ba lô để bên cạnh. Máu thấm nhanh qua bộ quân phục. Đôi mắt Tuấn mở lớn tuyệt vọng nhìn và đục dần. Ông chủ tịch lên tiếng phá vỡ bầu không khí bần thần đang đè nặng trong căn phòng bằng giọng nói khô lạnh:

- Ông cứ kể tiếp.

Anh rít dài hơi thuốc rồi dụi mẩu tàn vào cái gạt. Sau vài giây chết sững, anh chợt nhớ đến hoàn cảnh nguy hiểm của mình. Tiếng súng nổ sẽ kinh động những đồng đội người lính giải phóng này, anh chụp lấy khẩu ak rồi nhanh chóng tìm chỗ ẩn trốn. Có hai khẩu súng bên người, anh thấy bớt đi rất nhiều nỗi cô độc, sợ hãi. Thời gian hồi hộp chờ đợi bao giờ cũng chậm trôi. Anh đang cầu mong trời tối, ban đêm khó bị phát hiện và cũng dễ chống trả, lẩn trốn. Nắng nhạt dần lòng anh lại càng thấp thỏm tự hỏi: “Hay người lính này cũng đi lạc đơn vị như anh”. Thắc mắt ấy cùng anh thao thức trắng đêm. Đến khi trời sáng hẳn anh mới dám khẳng định rằng chung quanh nơi này chẳng còn ai ngoài anh và xác chết trên đỉnh đổi. Bây giờ cơn đói cồn cào mới nhắc nhở, thúc giục anh nhớ đến chiếc ba lô. Trong ba lô của Tuấn ngoài vài bộ quần áo tôi còn tìm thấy một phong lương khô, xấp thư cùng tấm hình bán thân. Tôi vẫn giữ đầy đủ. Dù chẳng bao giờ nghĩ hay mong có ngày hôm nay.

Anh lục túi du lịch luôn đeo bên người, lấy ra những vật chứng đặt lên bàn. Những thứ mang theo với sự định trao lại cho gia đình Tuấn sau khi êm xuôi mọi việc: trao mà không phải tự tố cáo tội mình trước mọi người như bây giờ. Một lời tự thú sẽ ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống và con đường công danh của anh. Cho dù bây giờ những người đối diện không tin rằng anh trong tình cảnh hiểm nguy, bấn loạn đó vẫn chịu khó đào đắp, chôn cất một người lính khách màu cờ áo trận chỉ để cầu mong linh hồn người chết tha thứ, hay vì đồng cảm với một người có chung sở thích gõ đầu trẻ điều anh phát hiện khi đọc những bức thư… trong chiến tranh, trên trận địa Những điều anh nói như chuyện huyễn hoặc khó tin. Biết thế nhưng anh vẫn say sưa nói vì tất cả đều là sự thật. Nói vì nỗi ám ảnh, dày vò suốt 20 năm. Hình như có rất nhiều câu gạn hỏi chất vấn quyện lẫn tiếng nấc nghẹn trong căn phòng dần sẫm đậm bóng tối phụ đệm trên từng khúc đoạn anh kể…

- Vâng tôi quàng Tuấn bằng tấm pon-so của tôi vì chiếc võng dù của anh đã rách lỗ chỗ vết đạn không bọc kín thi thể… đúng! Chiếc xẻng cũng của tôi… cây ak của Tuấn… sau đó nhờ phong lương khô tôi mới đủ sức băng đường về thành phố. 

Anh trả lời chẳng cần tính toán lợi hại tới người phải chết để anh được sống.

Với niềm tin đang dần đong đầy anh mắt cảm thông của Hùng - người có mặt trong trận đánh hôm ấy, đong đầy trong ánh mắt người mẹ đã khắc khoải chờ đợi sự trở vể dù chỉ là nắm xương của một đứa con…

N.Q

(SH số tháng 12 - 1996)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng