Tạp chí Sông Hương -
Quảng Nam cần mấy ông Kazik?
08:36 | 17/06/2009
Cùng cách lập luận ấy, Quảng đã có phù điêu chân dung Kazik ở Hội An thì có cần thêm một tượng đài nữa ở Mỹ Sơn không?
Quảng Nam cần mấy ông Kazik?
Phù điêu chân dung Kazik tại Hội An (hoàn thành năm 2005)

Đã có tượng đài nên không cần xây đền

Một điểm nhấn của lễ hội Quảng - Hành trình di sản 2009 tại Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn vào ngày 6/6 là lễ khởi công xây dựng tượng đài cố KTS Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (thường gọi thân mật là Kazik). Sẽ không có gì "gờn gợn" nếu như cách đây 4 năm ở Hội An, cách Mỹ Sơn chừng 50 km, tỉnh Quảng không trang trọng khánh thành phù điêu chân dung Kazik.
 
Nghĩ xa xôi hơn một chút thì chắc chắn chúng ta phải nhớ đến nhà khảo cổ học lừng danh người Pháp Henry Parmentier, người đã gắn bó và làm rạng rỡ di sản Mỹ Sơn hồi đầu thế kỷ XX và câu hỏi tự nhiên nảy sinh: Tại sao Quảng Nam cần đến 2 ông Kazik mà những người có công gắn bó với Mỹ Sơn khác lại ít được nhắc nhớ?
 
Nhớ lại hồi tháng 3/2009, giới văn hóa - lịch sử - kiến trúc Hà Nội đã lên tiếng phản biện việc xây đền thờ vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh, nơi đã đặt tượng đài ngài vào năm 2000 nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Có người không đồng ý vì không gian vườn hoa ấy Tây quá, không phù hợp với một công trình rất "phương Đông", nên phải tìm một địa điểm khác.
 
Nhưng phần lớn các ý kiến đều "tập trung" ở điểm mấu chốt: Hà Nội đã có tượng đài để tôn vinh vị vua có công khai sáng đất Thăng Long rồi, lại đã có đền thờ các vị vua nhà Lý ở Bắc Ninh (đền Đô), chỉ cách khoảng 30km, không cần xây thêm đền thờ ngài nữa. Kết quả, thành phố Hà Nội đã rút công trình tượng đài Lý Thái Tổ khỏi danh sách các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, dù không ai phủ nhận công khai sáng "hơn trời biển" của Thái tổ Lý Công Uẩn với Thủ đô.
 
Cùng cách lập luận ấy, Quảng đã có phù điêu chân dung Kazik ở Hội An thì  có cần thêm một tượng đài nữa ở Mỹ Sơn không? Không ai phủ nhận những đóng góp to lớn của Kazik với Mỹ Sơn khi ông đã dành rất nhiều công sức cho việc trùng tu, tôn tạo khu thánh địa quý theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt "giữ gìn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích, không làm sai lệch, không làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đã được đưa vào để gia cường".

Đến Mỹ Sơn hôm nay, những người quan sát kỹ sẽ nhận biết rõ ràng những vết tích can thiệp của người trùng tu, bên cạnh những thành phần gốc đã được gia cố và nhấn mạnh. Nếu nhìn các di tích lịch sử văn hóa toàn quốc đang được trùng tu, đại tu ào ạt theo kiểu "tân cổ giao duyên", mới thấy cách làm hết sức kỹ lưỡng, khoa học của Kazik đáng quý đến mức nào.

Tôn vinh cũng cần... đúng cách!
 
Kazik lăn lộn với Mỹ Sơn còn hơn một công dân bản địa từ năm 1981 đến khi ông mất tại Huế năm 1999. Nói như KTS Hoàng Đạo Kính thì "Người Việt cũng không mấy ai yêu Mỹ Sơn được như Kazik. Ông như một hiệp sĩ, suốt đời chỉ lăn lộn với công việc, là tấm gương sáng về sự nâng niu tinh tế với di sản văn hóa không phải của dân tộc mình", nên việc Mỹ Sơn muốn tôn vinh ông là việc làm đáng trân trọng.

Nhưng cùng trong địa bàn một tỉnh, lại chỉ cách nhau chưa đến 50km, đã có phù điêu giờ lại xây thêm một tượng đài, liệu có nên chăng? Chẳng khác nào ở cùng một thành phố, mỗi quận lại xây dựng một công trình tôn vinh cùng một nhân vật. Nếu đóng góp lớn nhất của Kazik là dành cho Mỹ Sơn, lẽ ra tỉnh nên quy hoạch để đặt tượng Kazik ở Mỹ Sơn, đại diện cho cả tỉnh Quảng .

KTS Hoàng Đạo Kính cũng nói thêm, nếu đã tôn vinh Kazik, thì cần phải dựng tượng tôn vinh Henry Parmentier, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp đã cống hiến nhiều công trình nghiên cứu giá trị về nghệ thuật Champa, cũng là người đã nghiên cứu Mỹ Sơn rất kỹ lưỡng từ đầu thế kỷ XX.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc, người con của quê hương Quảng , cũng đã có ý kiến trực tiếp với tỉnh Quảng về việc này: "Mỹ Sơn là do người Pháp phát hiện lại vào năm 1885. Từ năm 1898, nhiều học giả Pháp đã đến và bỏ nhiều công sức nghiên cứu, bảo tồn và tu bổ nơi này. Đã tôn vinh thì cần tập hợp thành một khu tưởng niệm, đặt hình ảnh, dựng một số tượng - phù điêu của những người có công".

Trả lời VietNamNet, ông Đinh Hài, GĐ Sở VH-TT-DL Quảng Nam giải thích: "Tỉnh Quảng Nam đồng ý để huyện Duy Xuyên có hình thức ghi công người đã có đóng góp lớn cho Mỹ Sơn những năm sau chiến tranh đầy khó khăn, khi Mỹ Sơn chỉ là một phế tích. Công trình sẽ là một tượng bán thân vừa phải. Sắp tới sẽ quy hoạch thành cả công viên để có hình thức tôn vinh, thể hiện tấm lòng của nhân dân huyện Duy Xuyên với những người đã có công đóng góp cho Mỹ Sơn".

Vẫn biết sẽ khó khăn hơn khi tìm hình ảnh của những người "xưa" như Henry Parmentier, nhưng hoàn toàn có thể "nhờ" Viện Viễn đông bác cổ. "Tôi tin chủ trương của tỉnh cũng rất chặt chẽ", nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định.

Thế mới thấy, tôn vinh cũng cần đúng cách. Mừng vì những học giả nước ngoài có công với Mỹ Sơn đã và sẽ được tôn vinh, lại chạnh lòng nghĩ đến những người đã có công "khai mở" thánh địa quý này. 
 
                                                                                            Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng
(16/06/2009)