Tạp chí Sông Hương -
Đưa Tuồng vào học đường: Giữ cho lớp sau
09:11 | 03/07/2018

“Thời hoàng kim của Tuồng đã xa”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mở đầu câu chuyện về việc hiện nay có nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều “món ăn tinh thần” để thưởng thức, nên chuyện phần lớn khán giả không còn mặn mà với Tuồng cũng là điều dễ hiểu.

Đưa Tuồng vào học đường: Giữ cho lớp sau

Để giữ Tuồng cho lớp sau, nhà hát chủ động về với khán giả ở các vùng dân còn mê hát bội, hay chương trình “Đưa Tuồng vào học đường” vẫn tiếp tục được tổ chức ở nhiều trường trong thành phố.

Phải hiểu mới yêu

Nhiều năm qua, không chờ khán giả tìm đến với Tuồng, các nghệ sĩ đến với khán giả thông qua những đêm diễn ở các khu dân cư. Và đó thực sự là những đêm hội của diễn viên cũng như người dân. Ông Phan Văn Hà, (làng Tân An, P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bảo, bây giờ ai cũng bận rộn, chuyện đến nhà nhau chơi cũng ít dần nên năm nào Mân Thái hay Thọ Quang tổ chức lễ hội cầu ngư, có mời đoàn Tuồng về diễn thì bà con tấp nập rủ nhau đi xem, vừa giải trí, vừa gặp nhau nói chuyện. Còn ông Trần Ngọc Tuấn nhận thấy, những buổi đoàn nghệ sĩ nhà hát về diễn Tuồng trong dân, mỗi đêm có chừng một nghìn khán giả đến xem.

“Họ đi cả gia đình, có cả già cả trẻ. Trẻ con khi xem không hiểu sẽ hỏi, đó là cách nghệ thuật để lại ấn tượng, và có thể len lỏi vào tâm hồn trẻ thơ, để sau này chúng quan tâm đến. Còn những suất diễn tổ chức ở nhà hát, chừng 50 - 100 khán giả thì chỉ có chừng 2 - 3 đứa trẻ con được cha mẹ chở đến, mua vé cho xem, hết giờ thì đón về.

Những điển tích, điển cố, những chi tiết mang tính ước lệ trong vở diễn, trẻ sẽ không biết nên chuyện đứa trẻ đó có yêu thích, có trở lại xem lần sau hay không rất khó nói”. Tuồng không có xu hướng tả thực, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết đó không gây được hiệu quả nghệ thuật, qua thủ pháp khoa trương, cách điệu mang tính ước lệ, diễn viên sẽ thể hiện qua những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc, niêm luật cụ thể.

Do đó, để xem được Tuồng, cần một quá trình học hỏi, gần như là “thẩm thấu”, mới hiểu hết vở diễn. Nên mỗi năm có chừng 60 - 80 vở diễn được tổ chức, hầu như đoàn Tuồng Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đưa về các vùng dân còn mê Tuồng. Đó là những nơi cuộc sống còn mang đậm yếu tố làng xã, lễ hội, về đó Tuồng mới có đất sống. Ở đó người dân hiểu biết về Tuồng, họ không xem vở diễn mà xem tài năng của người nghệ sĩ, họ không xem Tuồng mà nghe Tuồng.

Những người già ở các làng ven biển như Thọ Quang, Mân Thái, hay An Hải Đông, Xuân Hòa, Nại Hiên Đông, Hòa Thuận của TP Đà Nẵng… họ thuộc tích Tuồng, thuộc từng đoạn trích, nên mỗi buổi có đoàn Tuồng về làng, dân đi xem rất đông. Nói như ông Phan Văn Hà thì những năm làng mở lễ hội, đi xem diễn Tuồng để nhớ lại cảm giác ngày xưa đã từng xem, rồi hôm sau các ông gặp nhau nói chuyện so sánh diễn viên này diễn ra sao, khác với diễn viên ngày xưa thế nào…

Lớp khán giả lớn tuổi vẫn yêu những vở Tuồng cổ, nên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn diễn lại những vở đó, có thể thêm những hình thức mới như vở Thạch Sanh thì có hình ảnh con đại bàng. Ông Trần Ngọc Tuấn cho rằng, việc xây dựng những vở Tuồng truyền thống để bảo lưu vốn cổ, đó như một lần tập huấn nâng cao nghề nghiệp cho diễn viên (trong trình thức biểu diễn nghiêm ngặt của Tuồng, định hình lại trình thức, củng cố chuyên môn cho diễn viên).

Ngoài ra còn bảo lưu con người làm vở diễn, đây là sự bảo lưu sống. Cho nên Liên hoan Tuồng truyền thống vẫn được tổ chức, quy tụ các đoàn Tuồng trong cả nước 2 năm một lần. Mỗi năm nhà hát vẫn duy trì xây dựng những vở mới, có phục trang lộng lẫy, sân khấu hiện đại như Thoại Ngọc Hầu, hay làm mới một số vở cũ như Trưng Vương đề cờ, trích đoạn Lê Lai cứu chúa.

Đưa tuồng vào trường học

Trích đoạn Lê Lai cứu chúa những năm gần đây khi đưa vào giới thiệu cho học sinh trong chương trình Đưa Tuồng vào học đường rất được các em hưởng ứng. “Đây là những buổi học tập ngoại khóa, là kế hoạch dài hơi để những người làm nghệ thuật Tuồng quảng bá nghệ thuật vào tầng lớp trẻ. Chúng tôi đang làm những gì có thể để có được khán giả, để Tuồng duy trì được sức sống”, ông Tuấn nhấn mạnh. Mỗi năm, nhà hát tổ chức đến các trường giới thiệu cho học sinh được 30 đêm diễn, là 30 trường tham gia chương trình Đưa Tuồng vào trường học mỗi năm, được tổ chức từ năm 2015 đến nay.

Trước đó, dự án Sân khấu học đường được triển khai ở các trường tiểu học, THCS trong các năm 2004, 2006, nhằm đào tạo lớp khán giả cho Tuồng. Mười năm qua, dự án này không còn tổ chức cũng là một thiệt thòi cho nhà hát cũng như chính học sinh, bởi khi được đào tạo, các em sẽ hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, để có thể yêu thích và lựa chọn loại hình nghệ thuật nào để thưởng thức, trong khi chương trình học hiện nay không nói đến nghệ thuật sân khấu.

Cũng qua những chương trình liên kết với ngành Giáo dục tổ chức hay những lần đưa đoàn về các vùng nông thôn ở Hòa Vang, các huyện của Quảng Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phát hiện ra nhiều diễn viên tài năng bổ sung cho đội ngũ diễn viên kế cận của nhà hát. Năm 2017 nhà hát tuyển mới 20 diễn viên và đang gửi 15 em đào tạo ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh trong thời gian 4 năm để lấy bằng trung cấp.

Những lớp diễn viên Tuồng có thể bắt nguồn từ những tài năng ca hát, đặc biệt là dân ca. Nên nhiều năm qua, phong trào dạy và học hát dân ca trong các nhà trường của huyện Hòa Vang được đẩy mạnh. Thầy Phan Hữu Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Hòa Vang cho biết, những năm qua chương trình đưa dân ca, loại hình văn nghệ dân gian được tổ chức ở tất cả các trường trên địa bàn toàn huyện.

Nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho các em nắm bắt được các làn điệu dân ca xứ Quảng, thông qua đó từng bước đẩy mạnh phong trào hát dân ca tại huyện Hoà Vang. Qua đó thành lập các CLB dân ca tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện, sinh hoạt một tháng 2 lần và liên hoan các CLB em hát dân ca 2 năm một lần. Hy vọng những nỗ lực từ các trường học, từ nhà hát sẽ giữ cho Tuồng trường tồn một sức sống trong lòng khán giả.

Cũng qua những chương trình liên kết với ngành Giáo dục tổ chức hay những lần đưa đoàn về các vùng nông thôn ở Hòa Vang, các huyện của Quảng Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phát hiện ra nhiều diễn viên tài năng bổ sung cho đội ngũ diễn viên kế cận của nhà hát. Năm 2017 nhà hát tuyển mới 20 diễn viên và đang gửi 15 em đào tạo ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh trong thời gian 4 năm để lấy bằng trung cấp.


Theo Hà Nguyên – Hoàng Nhung - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng