Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo kỷ niệm 80 năm ngày báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên
10:10 | 06/07/2018

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Báo Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Đông Dương Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại Huế (6/7/1938-6/7/2018), Hội Nhà báo tỉnh phối hợp cùng với Báo Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học: “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng” tại Hội trường khách sạn Hương Giang (51 Lê Lợi, Huế).

 

Hội thảo kỷ niệm 80 năm ngày báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên
Toàn cảnh hội thảo

Báo Dân là tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản tại Huế, do đồng chí Phan Đăng Lưu – UVTW Đảng, UV Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo nội dung và biên tập. Tham gia biên tập có các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Hải Thanh, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An,…

Tòa soạn Báo Dân đặt tại số 11 Doudart de Lagrée. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 6/7/1938, Báo Dân ra mắt bạn đọc số đầu tiên với số lượng ban đầu in 5.000 tờ, phát hành chủ yếu ở Huế và miền Trung. Báo ra được 17 số, ngày 7/10/1938 thì bị chính quyền Nam triều và Bảo hộ lấy lý do áp đặt báo “đăng tin không thiệt” đã ra lệnh đóng cửa.

Đồng chí Nguyễn Thái Sơn - UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi Hội thảo

Theo chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, báo Dân đã đấu tranh để thực hiện đường lối Mặc trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong Mặt trận thống nhất, thường xuyên phản ánh nguyện vọng của nhân dân, đòi hỏi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành pháp Hội ái hữu và nghiệp đoàn, đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân, phong kiến…Qua đó góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Nhà báo Dương Phước Thu - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế

đọc báo cáo đề dẫn Hội thảo 

Ở Hội thảo lần này có 12 bài tham luận đến từ 12 nhà nghiên cứu, nhà báo như nhà báo Dương Phước Thu, tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà báo Phan Quang, nhà báo Dương Hoàng,... Các tác giả đã tập trung chỉ ra được vị trí của Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế, miền Trung nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, về những người tham gia làm Báo Dân, về chủ bút Phan Đăng Lưu, cũng như mối quan hệ giữa Báo Dân với nhà thơ Tố Hữu, một số tư liệu về Hoàng Sa trên Báo Dân…

Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Báo Dân ra số đầu tiên là dịp để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng cả nước, bên cạnh đó còn giúp nhìn nhận lại được thành quả chung của báo chí cách mạng TT-Huế và miền Trung, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác làm báo, tri ân và tôn vinh những giá trị báo chí cách mạng.

Hữu Đức

Các bài mới
Các bài đã đăng