Tạp chí Sông Hương -
Huế: Nhân rộng giống sen trắng quý hiếm ở khu vực Đại Nội
09:58 | 16/07/2018

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục trồng thành công và nhân rộng giống sen trắng trong các hồ khu vực Đại Nội; đồng thời, chuẩn bị nguồn giống (sen trắng) phát triển ở hồ, ao trong các lăng triều Nguyễn, hồ tại di tích khu vực Kinh thành Huế những năm tới.

Huế: Nhân rộng giống sen trắng quý hiếm ở khu vực Đại Nội
Sen trắng được trồng trong hồ Thái Dịch, Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Đến Đại Nội Huế những ngày này, sen trắng phủ kín hồ Thái Dịch, tỏa mùi hương rất dễ chịu như níu giữ chân du khách. Việc bảo tồn và nhân giống sen trắng xuất phát từ một đề tài khoa học được Phòng Cảnh quan môi trường - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đăng ký thực hiện.

Đầu tiên đơn vị sưu tầm các giống sen trắng quý hiếm trong dân gian đưa về trồng thí điểm ở hồ Thái Dịch năm 2008. Sau 10 năm, với nhiều lần thất bại, do môi trường nước không đảm bảo, Phòng Cảnh quan môi trường đã nhân giống thành công với tỉ lệ sống cao. 

Theo ông Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan môi trường - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện nay, Trung tâm đã và đang bảo tồn giống sen trắng tại vườn sưu tập, nhân giống bảo tồn các giống cây trong khu di tích ở khu vực Trường Quốc Tử Giám xưa. Khi đã chủ động được nguồn giống sen, vấn đề còn lại là xử lý tầng đáy và môi trường nước trong các hồ ở khu di tích bởi môi trường nước quyết định từ 60-70% sự sống của loài sen trắng. 

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sen gắn liền với di sản, cả hai sẽ tương hỗ nhau để tạo nên một hình ảnh đẹp, tinh tế và sang trọng cho Cố đô Huế. 

Dưới thời vua Nguyễn, ao hồ ở các khu di tích thường chỉ trồng sen trắng-giống sen có bông thơm, hạt ngon. Đặc biệt, với ý nghĩa thanh cao, tinh khiết, sen trắng được chọn trồng ở hồ Thái Dịch với dụng ý nâng đỡ những bước chân thiên tử khi đi qua cầu Trung Đạo - lối đi ngày xưa chỉ dành riêng cho nhà vua. 

Liên quan đến loài hoa này, trước đây, khi pha trà cho vua, người ta ướp một ít trà trong búp sen sắp nở. Qua một đêm, hương sen quyện vào trà. Lúc đó, những giọt sương trên lá sen non được chắt lọc nấu lên rồi pha với trà đã ướp hương sen dâng vua. 

Do tác động chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và môi trường nước ô nhiễm nên giống sen trắng đã giảm nhiều về số lượng lẫn chủng loại. Trong các hồ ở khu di tích, sự xuất hiện của loài sen trắng rất hãn hữu. Thêm vào đó, do đặc điểm về sức sống, sức chống chịu và năng suất thu hoạch hoa, hạt của giống sen trắng thấp hơn so với một số giống sen cao sản nhập khẩu nên người dân trồng sen ở Huế đã dần thay thế giống sen trắng bằng các giống sen có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Tại hệ thống hồ ngoại Kim Thủy (bao quanh Đại Nội) mặt trước trồng sen trắng, hai mặt phía Đông và Tây là khu vực vòng ngoài ít chịu ảnh hưởng thiết chế cung đình nên được trồng sen trắng xen lẫn sen hồng. Ở mặt phía Bắc trồng sen đỏ nhằm tạo cảnh quan nhiều màu sắc, sinh động hơn. Công việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nhưng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn tập trung đầu tư, xử lý môi trường nước và từng bước làm đẹp cho các ao hồ khu vực Đại Nội. 

Thống kê sơ bộ, hiện có gần 20/100ha mặt nước khu vực Đại Nội Huế được trồng sen. Sen từ xưa đến nay đã gắn bó với con người xứ Huế, được biểu hiện qua lối kiến trúc, ẩm thực cũng như văn hóa nơi đây, đặc biệt, đi đâu cũng thấy hồ sen, ao sen. Nét cổ kính hòa quyện sự bình dị của hoa sen đã tạo cho kinh thành Huế vẻ đẹp riêng, xưa mà không cũ. Theo người dân trồng sen lâu năm, ngoài tạo cảnh quan môi trường, nếu sen phát triển tốt cho thu nhập bình quân hàng năm khoảng từ 30-35 triệu đồng/ha. Mỗi kg hạt sen tươi bán ra thị trường có giá 180.000 đồng. 

Hạt sen hồ Tịnh Tâm - Đại Nội Huế được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận thuộc tốp 50 món ăn đặc sản Việt Nam. Sen được trồng nhiều ở Huế nhưng không đâu ngon bằng sen hồ Tịnh Tâm bên trong Đại Nội. Trước đây, sen được trồng ở hồ Tịnh Tâm để chế biến các món đặc sản cho vua triều Nguyễn. Có lẽ do hồ Tịnh Tâm có kết cấu thổ nhưỡng ở tầng đáy khác biệt và giàu phù sa nên hạt sen trồng ở đây có vị thơm, bùi, béo ngậy và ngọt mát khác hẳn hạt sen ở các vùng khác. 

Ở Huế, ngoài hoa sen, hạt sen, củ sen và lá sen đều được sử dụng cho ẩm thực. Hạt sen dùng nấu chè tương đối phổ biến; lá sen phơi khô nấu nước uống, tim sen (mầm của hạt sen) trị chứng mất ngủ... Lá sen sau khi thu hoạch bán cho các tiệm thuốc, cơ sở y tế làm thuốc, nhà hàng, khách sạn dùng để gói, nấu cơm sen với giá 30.000 đồng/kg; củ sen, ngó sen bình quân 1kg được thu mua với giá 90.000 đồng. Cơm hấp hoa sen là đặc sản thanh tao, hương thơm từ lá sen xanh hồ Tịnh Tâm mời gọi du khách khi đến Huế. 

Đến Huế có nhiều món cơm nổi tiếng như cơm hến, cơm cung đình, cơm chay, cơm muối, cơm âm phủ... nhưng không thể không kể đến món cơm lá sen thanh tao, tinh tế được xếp vào hàng ngự thiện dưới thời các vua triều Nguyễn.

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng