Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Ngọc Tư: 'Giá trị của nhà văn không phải ở giải thưởng'
09:38 | 19/07/2018

Tác giả 'Cánh đồng bất tận' bất ngờ với giải thưởng văn học vừa nhận từ Đức và đón nhận với tâm thế nhẹ nhàng.

Nguyễn Ngọc Tư: 'Giá trị của nhà văn không phải ở giải thưởng'
Bìa cuốn "Cánh đồng bất tận" bản tiếng Việt (trái) và bản tiếng Đức

- Tập truyện "Cánh đồng bất tận" của chị vừa được trao giải thưởng Litprom ở Đức, cảm xúc của chị như thế nào?

- Nói tôi bất ngờ quá thì thiệt là sáo rỗng, nhưng mười năm gần đây, mỗi giải thưởng tới với tôi đều là mỗi bất ngờ. Bởi vì tôi không dự thi, không tham gia vào cuộc đua tranh nào, nghĩa là mọi thứ đến mà không phải chờ đợi, toan tính trước.

Tôi xem giải thưởng là quan hệ cho - nhận. Giải Nobel cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, tôi coi giải thưởng mới nhận được là một món quà. Mình nghĩ nó quan trọng, thì nó là núi, còn nhẹ nhàng thì cũng như bạn gửi tặng tôi gói trà. Giá trị của nhà văn không phải do anh chị ta nhận giải thưởng nào, cả thảy bao nhiêu. Đó chỉ là một cách nhìn nhận sự nghiệp của người viết.

- Sau 13 năm ra mắt và gây sóng gió văn đàn, tập truyện "Cánh đồng bất tận" vẫn tiếp tục mang đến cho chị bất ngờ. Chị nghĩ gì về đứa con tinh thần luôn "khuấy đảo" cuộc sống của chị?

- Gần hai tháng trước, khi nhận tin báo từ Đức gửi sang, tôi nghĩ: "Không phải là quá nhiều cho một cuốn sách rồi sao". Giống như tôi có nhiều đứa con, nhưng có mỗi đứa này suốt ngày mang bánh trái về cho. Thương thì thương nó thiệt, nhưng thấy có điều gì đó không công bằng, cho chính nó và những đứa khác. "Phải cho bọn kia cơ hội chớ", đó, tôi nghĩ vậy. Niềm vui nếu có (vì vui nhận giải, với tôi, nó không rõ ràng nữa), cũng hao hụt ít nhiều khi tôi nghĩ ôi đó là cuốn sách đã cũ rồi.

Nhưng làm tôi bối rối, khó có thể là giải thưởng. Đôi khi, thứ khiến tôi điên đảo chỉ là gặp một cuốn sách hay đến nỗi khiến tôi phấn khích muốn viết một thứ gì đẹp giống vậy, đồng thời tuyệt vọng vì biết có lẽ cả đời này mình không thể. Không phải cứ muốn là được.

- Giáo sư Gunter Giesenfeld và nhà giáo Marianne Ngo đã cất công chuyển ngữ tập truyện sang tiếng Đức. Tình cảm của chị dành cho họ ra sao?

- Tôi rất thích họ, ngay trước khi gặp nhau ở Đà Nẵng. Thư qua thư lại đôi khi vì những thổ ngữ mà người Hà Nội còn chịu thua, tôi cảm nhận được sự cẩn trọng, kỹ càng trong việc dịch cuốn sách. Ngoài tâm huyết việc đưa văn học Việt sang Đức, họ còn hay sang Việt Nam hỗ trợ vật chất cho những trại trẻ mồ côi, trạm y tế. Gặp nhau ngoài đời càng quý, ông bà dễ thương, nhiệt tình như dân miền Tây.

Khi nhận được thông báo chính thức, và cả trước đó, khi dịch giả Günter Giesenfeld báo bản dịch Cánh đồng bất tận dẫn đầu bầu chọn của Litprom tại sự kiện Sách hay mùa đông lần thứ 37 (Đức), tôi đã trả lời thư rằng, đó là nhờ ông, và đây là niềm vui chung của chúng ta. Lời đó không phải là đãi bôi, mà thật sự một tác phẩm đến với người đọc bằng ngôn ngữ khác, nó không hoàn toàn là của mình. Một tác phẩm gốc có hay tới đâu, mà bản dịch tệ thì cũng chẳng có giá trị gì.

- Gần đây, chị quan tâm điều gì đến văn chương trong nước?

- Sự tẻ nhạt gần như không chuyển động. Một vài bạn viết trẻ đáng tôn trọng. Một người bạn viết từng là thần tượng của tôi quay trở lại. Một vài cuộc thi mà đọc truyện ngắn giải nhất tôi tự hỏi họ mua giải giá bao nhiêu.

- Chị đạt thành tựu với viết truyện ngắn, gây dấu ấn với tản văn, từng ra mắt tập thơ... Hiện chị muốn làm mới ngòi bút ra sao?

- Không phải bằng thể loại. Tôi không phải kiểu thích mình mới bằng hình thức, kiểu như một cuốn sách không dấu chấm câu hay một bản văn không có chữ nào viết hoa. Mới không phải là từ chiếc áo, khi tâm hồn ta mốc meo.

- Nhưng một Nguyễn Ngọc Tư lúc nào cũng gắn với không gian sống quen thuộc, với cánh đồng, dòng sông, vùng quê... thử thách chị thế nào trong hành trình sáng tạo chữ nghĩa?

- Mỗi khi thấy tẻ nhạt đời sống này, tôi sẽ lặn vào những đời sống khác, trên trang viết. Tôi là một người trong tưởng tượng của mình, giả lập những tình huống và nỗi đau, để mà lăn lóc trong nó. Patrick Modiano viết mãi một không gian, mà vẫn hay. Không sao hết. Vấn đề không phải ở không gian hay bối cảnh, mà ở tài năng, thứ tôi luôn tự hỏi mình có hay không, nếu có thì được bao nhiêu.

- Miền Tây chừng 5-10 năm trở lại đây biến động lớn về địa lý, xã hội... Ở góc độ một nhà văn, chị cảm nhận thế nào về điều này?

- Giờ nghĩ về miền Tây, tôi chỉ nghĩ về vùng đất bị bỏ rơi, bị quên lãng. Không phải vì nó quá xa, mà qua rồi cái thời người ta sống chỉ cốt sao cho no bụng, hồi ấy người ta quý trọng hạt gạo, nên nhìn vựa lúa miền Tây với chút tình. Họ làm đường, xây cầu. Giờ thì họ ăn bánh mì cũng được. Nên cả một vùng đất bỗng vô hình, ngay khi nước biển chưa nhấn chìm nó.

- Thường điều gì mới có thể làm xáo trộn được tâm tư, suy nghĩ của chị hàng ngày?

- Sự phát triển thể chất và tâm lý của hai đứa con. Chúng làm tôi chạy theo muốn xỉu, và đôi khi, tan nát. Phải học cách chấp nhận chuyện chúng trượt ra khỏi vòng tay của mình.

- Vì sao chị không dùng mạng xã hội?

Tôi sống cực tẻ nhạt, với chuyện đi chợ nấu cơm đón đưa tụi nhỏ đi học. Thật sự không có gì đáng kể để mà bày tỏ. Lâu rồi tôi học bày tỏ mình qua viết, kín đáo hay lộ liễu cũng tùy vào thể loại. Nhưng tôi vẫn đang ở đó, bạn sẽ nhìn thấy, nếu đọc tôi.Nguyễn Ngọc Tư: Giá trị của nhà văn không phải ở giải thưởng - 1

Theo Thoại Hà - Vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng