Tạp chí Sông Hương -
Giới thiệu tập thơ "Bắt vạ tri âm" của tác giả Trần Duy Phiên
08:09 | 02/08/2018

Chiều 1/8, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức buổi giới thiệu tập thơ “Bắt vạ tri âm” của tác giả Trần Duy Phiên.

Giới thiệu tập thơ "Bắt vạ tri âm" của tác giả Trần Duy Phiên

 Tập thơ “Bắt vạ tri âm” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, dày 108 trang với 55 bài thơ, là những chiêm nghiệm về những gì đã trải qua trong cuộc đời của tác giả.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch Phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT.Huế, Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương phát biểu tại buổi giới thiệu sách


Nhà văn, nhà thơ Trần Duy Phiên là một tên tuổi quen thuộc đối với công chung yêu Văn học Việt Nam từ trước năm 1975. Khi đang còn theo học tại trường Đại học Sư Phạm và Đại học Văn khoa Huế, Trần Duy Phiên đã là một cây bút trẻ và còn là một sinh viên năng động. Những trang văn đầu tiên của Trân Duy Phiên phản ánh cách nghĩ cách sống và cách chọn lựa của một thanh niên trước thời cuộc và Đất nước.  Truớc năm 1975, Trần Duy Phiên đã có vài ba chục truyện ngắn đăng trên các tạp chí: Việt, Đối Diện, Trình Bày, Ý Thức và đã được các báo Việt ngữ yếu nuớc in lại ở Canada, Nhật Bản. Trần Duy Phiên đã tạo ấn tượng với một văn phong sắc cạnh, mạnh mẽ và lôi cuốn.

Nhà văn, nhà thơ Trần Duy Phiên


Năm 2015, bất ngờ Trần Duy Phiên xuất bản tập thơ “Kinh phù hoa” (NXB Hội nhà văn) – tập thơ đầu gồm 55 bài, trong đó, bài viết “cũ” nhất là từ năm 1966, bài mới nhất là 2011. Cho dù thế mạnh của Trần Duy Phiên là văn xuôi nhưng “Kinh phù hoa” vẫn được người đọc tán thưởng.

Nhà thơ Võ Quê


Sau năm 1975, Trần Duy Phiên nghỉ dạy học và nghỉ viết khoảng mười năm. Anh bươn chải qua nhiều nghề để sống. Khoảng 1984 1985, anh cầm bút trở lại và sáng tác khá sung sức. Trần Duy Phiên đã lần lượt ấn hành tập truyện ngắn và một cuốn tiếu thuyết. Qua hàng chục năm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, Trần Duy Phiên có những cảm thức độc đảo về rừng và người bản địa. Anh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết thật dữ dội. Với trăm năm còn lại, Trần Duy Phiên đã dẫn dắt người đọc vào tận cùng bên trong thế giới chứa đầy bạo liệt của rừng và tham vọng của con người bắt rừng về làm nô lệ.

Nhà thơ Bửu Nam


Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ: “Mỗi nhà văn có riêng một quê hương sáng tác. Với Trần Duy Phiên, anh có đến 2 quê hương như thế. Trong các truyện của anh, dấu ấn của hai quê hương đó khá rõ nét, đấy là Cố đô Huế và miền Tây Komtum. Hàng loạt truyện của anh mang bóng dáng Cố đô: Những mảnh vỡ của một vì sao chợt tắt, Ngược dòng phù hoa, Chim tha lửa, Pháo thủ thành Trấn Hải, Có ai dám mở mắt ra không?, Ngàn năm thấp thoáng bóng dáng sông Hương, Núi Ngự, cầu Tràng Tiền, đường Lê Lợi và những tà áo trắng... Thì hàng loạt truyện ngắn của anh mang dấu ấn đặc thù Tây Nguyên qua vòng tay Komtum: Trăm năm còn lại, Nửa đêm về sáng, Bahnar, Ngõ dạo miền hoang dã, Anh hùng thảo dã... Ở đây, thấp thoáng dòng Dakbla, núi Chư pao, sinh hoạt buôn làng và những sắc nét hoa văn. Ở vùng đất nào đi nữa, đều thấm đẫm tình yêu thương của nhà văn”.

 

Nhà thơ Ngô Minh chia sẻ: “Bắt vạ tri âm là cái tứ thơ hay, lạ xưa nay chưa ai nói tới, lấy làm tít cho một tập thơ rất ấn tượng. Thơ Trần Duy Phiên trong “ Bắt vạ tri âm” đa phần là thơ tự sự với bạn bè, người yêu, anh có nhiều câu thơ hay, thi ảnh đẹp và dùng ngôn ngữ cổ đặt trong bố cục thơ chặt chẽ, nên ngôn ngữ cổ tạo cho câu thơ thêm phần cổ kính”.

 


Nhà văn Trần Duy Phiên chia sẻ: " Thế hệ chúng tôi sinh ra trong lửa đạn, lớn lên trong lửa đạn nhưng rất lãng mạn. Trên trời bom dội, bên dưới chúng tôi vừa học, vừa chiến đấu vẫn cắm cúi viết văn, làm thơ. Tôi thích cuộc sống tự do, thích sống cuộc đời viết văn bởi người cầm bút là đến với cuộc đời, dấn thân vào thế giới sáng tạo nên mang tâm thế đa ngã, vì đa ngã nên cô đơn". 

 

Phương Anh

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng