Tạp chí Sông Hương -
“Đu đưa” giữa các nền văn hóa
09:47 | 02/08/2018

Sống ở nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, các trang viết của nhà văn Pháp gốc Việt Thuận không chỉ dừng lại ở vấn đề quê hương hay hiện thực nơi đang sống.

“Đu đưa” giữa các nền văn hóa
Nhà văn Thuận (Đoàn Ánh Thuận) sinh ở Hà Nội, có một thời gian theo gia đình sống ở Sài Gòn, rồi quay lại Hà Nội, học đại học tại Nga, học cao học tại Pháp. Hiện chị định cư tại Pháp.

Một đôi mắt khác

- Sáng tác bằng tiếng Việt nhưng nhà văn Thuận lại được nhận xét là người sống kỹ với nền hóa khác (Pháp)?
 

- Tôi sống ở Pháp, một nền văn hóa hoàn toàn khác với Việt Nam nhưng không có gì cản trở, có thể do tôi học tiếng Pháp rồi ra nước ngoài từ khi còn rất nhỏ.

- Theo chị, có khó khăn không khi một người viết mang nhiều nền văn hóa?

- Nói một cách hài hước, sẽ chẳng mất gì nếu cùng lúc tôi có thể ăn pho mát như mắm tôm, hay tôi vừa có độc giả Pháp vừa có độc giả Việt. Nếu có mất là tôi không được sống trực tiếp trong hiện thực ở Việt Nam. Thế nhưng tôi có thể nhìn Việt Nam từ một khoảng cách xa, có thể nhìn được những cái mà người sống ở đó không nhận ra. Tôi hy vọng như vậy.

- Có phải đó là lý do chị hay chọn đề tài có độ lùi lịch sử nhất định thay vì cập nhật đời sống hiện nay?

- Con người chỉ sống một cuộc đời. Dùng trải nghiệm ấy để viết cùng lắm chỉ được một tác phẩm thôi. Trải nghiệm của nhà văn có thể là chứng kiến, suy ngẫm… từ đó, hiểu về người khác. Có bao nhiêu người lính đã đi qua cuộc chiến nhưng không phải người lính nào cũng viết lên được chiến tranh. Tương đương việc tôi ở xa Việt Nam và có con mắt nhìn khác về Việt Nam, tương tự tôi là người Việt nhìn nước Pháp khác với tác giả Pháp. Nước Pháp trong tôi khác với những gì trên tiểu thuyết, trên phim. Các bạn sẽ không chỉ thấy tháp Eiffel lấp lánh ánh đèn, Bảo tàng Lourve sừng sững… Tôi muốn để mọi người nhìn nước Pháp qua con mắt một người di dân như tôi.

- Bởi vậy, độc giả đã không khỏi sững sờ khi đọc “Chinatown” (Phố Tàu), hoặc “Paris 11 tháng 8”…?

- Độc giả Pháp đọc Chinatown mới ồ hóa ra người di dân khó khăn như nào để có giấy tờ ở lại, phải đương đầu với nền hành chính quan liêu ra sao. Hoặc ở Paris 11 tháng 8, nói về trận nắng nóng làm mấy chục nghìn người cao tuổi qua đời trong 1 tuần, là sự kiện mà chính người Pháp cũng không muốn nhắc đến.

- Khi mang trong mình nhiều nền văn hóa, chị có điều kiện viết về di dân. Điều chị tâm huyết ở đề tài này là gì?

- Đó là đề tài tôi luôn muốn đi sâu hơn. Trong văn học Pháp, đó là đề tài rất ít được khai thác. Người Pháp có nhiều thuộc địa nhưng lại ít viết về di dân. Đã đến lúc người Pháp hiểu là di dân quan trọng như thế nào trong xã hội Pháp. Trong tác phẩm của tôi giờ đây không chỉ viết về vấn đề di dân của người Việt mà còn có sự xuất hiện của người Mỹ Latin, người Hoa, người Đông Âu… 
  


Tác phẩm của Thuận được xuất bản tiếng Việt và tiếng Pháp

“Tôi không thể bỏ độc giả Việt Nam”

 

- Đề tài quyết định như thế nào đến cấu trúc truyện của chị?

- Tôi chú ý hình thức hơn nội dung. Nội dung là cái chiêm nghiệm, quan sát hàng ngày và đi vào bộ nhớ, khi tìm ra một hình thức tiểu thuyết thì tự nhiên nó sẽ được sắp đặt theo cách của nó. Tiểu thuyết đầu tay của tôi là Made in Việt Nam (chưa được xuất bản ở Việt Nam) dày 200 trang, không có một dấu xuống dòng nào. Chinatown cũng chỉ được dừng mạch hai lần. Paris 11 tháng 8 không chỉ có hư cấu mà còn có phi hư cấu ở những trích đoạn báo chí nói về trận nắng nóng năm 2003. T mất tích thì nhân vật chính “mất tích” ngay từ đầu, tất cả những gì tiếp theo chỉ là người ta tưởng tượng. Cấu trúc của Thang máy Sài Gòn là làm sao có độ năng động như nhịp dịch chuyển của thang máy, như nhịp sống Sài Gòn. 4 ngày là hết tháng Tư ngập tràn số 4…

- Nơi nào đưa chị đến với tình yêu văn học, Pháp hay Việt Nam?

- Không địa điểm nào có thể mang tình yêu văn học đến với tôi. Tình yêu văn học đối với tôi chính là từ các nhà văn lớn. Đọc tác phẩm hay, tôi sôi sục ngồi vào bàn nhưng không phải để viết như họ, mà họ mang cho tôi niềm tin vào việc viết, một công việc nhọc nhằn, gian khổ. Nhưng địa điểm cho cảm hứng viết thì có. Như Sài Gòn, với tôi đó là mảnh đất gần gũi vừa phải, xa lạ cũng vừa phải và có nhiều dấu ấn lịch sử. Ở bất cứ ngôi nhà nào, tôi đều tưởng tượng trước năm 1975 có ai đó đang sống ở đấy và bây giờ họ ở đâu, lý do nào họ rời mảnh đất này… Tương tự khi đến Berlin (Đức), tôi có cảm giác một viên gạch cũng nói lên bao điều, bức tường Berlin luôn gợi tôi nhớ đến Việt Nam, trong 20 năm chiến tranh bị chia đôi ở sông Bến Hải…

- Càng viết, càng mở rộng đối tượng độc giả thì căn cước Việt Nam ở chị mờ dần hay rõ nét?

- Thực ra tôi cũng không biết văn hóa trong mình có chia đều một nửa là Việt Nam, một nửa là Pháp không. Tôi viết hoàn toàn tự nhiên. Khi viết tôi không còn nghĩ đến độc giả nữa.

- Khi viết chị không nghĩ đến độc giả?

- Tức là mình không viết để vừa lòng đám đông. Hầu như các nhà văn đều biết cách làm vừa lòng đám đông. Cứ viết một câu chuyện bi thảm, nhân vật đẹp, tình yêu say đắm… chắc chắn bán chạy. Nhưng người viết thực sự sẽ từ chối cách dễ dàng đó. Nói như cụ Trần Dần: “Tôi đánh nhau để có được độc giả”, theo nghĩa phải tạo được độc giả cho tôi, tin vào những người biết chia sẻ với tôi.

- Đặt ngược lại câu hỏi ban đầu, sống kỹ với nền văn hóa Pháp, tại sao chị chọn viết bằng tiếng Việt?

- Độc giả Pháp cũng rất hay hỏi tôi là tại sao không viết bằng tiếng Pháp. Tôi trả lời rất nhanh: Viết bằng tiếng Pháp thế nào được, tôi còn có bao nhiêu độc giả Việt Nam? Làm sao có thể bỏ họ được. Khi bạn viết ra bằng một ngôn ngữ, “đúng” là một đòi hỏi trung bình. Bạn phải tạo ra được ngôn ngữ của riêng bạn. Với tiếng Việt, tôi có thể làm được điều đó, tạo ra thứ tiếng Việt của riêng tôi.

- Xin cảm ơn chị!

Theo Hải Đường - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng