Tạp chí Sông Hương -
Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương
09:08 | 15/08/2018

Môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Ngoài báo chí, không ít tác phẩm văn chương của các nhà văn Việt Nam và thế giới đã cất lên tiếng nói, những lay trở trong đời sống nhân sinh cũng như những mối lo lắng về bầu khí quyển.

Môi trường với những lay trở trong sáng tạo văn chương

Mỗi người một vẻ, một phong cách, bằng cách nói trực diện hoặc gián tiếp, thiên nhiên đã hiện lên trong các trang văn với rất nhiều xúc cảm.

Con người cộng sinh với thiên nhiên

Những năm gần đây, văn chương nước nhà xuất hiện không ít nhà văn có những sáng tác xoay quanh vấn đề môi trường sinh thái mà ở đó dấu ấn mỗi vùng đất được đề cập đến vô cùng sắc nét. Bạn đọc từ đó cũng được nhìn nhận sâu sắc hơn với vấn đề đang đặt ra với cả nhân loại là sự nóng dần lên của trái đất, hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh.

Một trong những nhà văn có cả vệt tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng luôn đặt trong bối cảnh thiên nhiên và môi trường sinh động, độc đáo đó là nhà văn Vũ Hùng. Ông vừa có 18 cuốn sách được chuyển nhượng bản quyền cho NXB Kim Đồng. Thiên nhiên trong văn ông là không gian sống đáng yêu giữa con người với  tự nhiên.

Nói đến văn chương đề cập đến một vùng đất đậm văn hóa,, cảnh quan, thì tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là một trong những điển hình, bởi ông cho thấy thiên nhiên cũng là một nhân vật.

Một nhà văn khác cũng đang viết trực diện vấn nạn ô nhiễm môi trường. Đó là Nguyễn Văn Học. Trăn trở về vấn về môi trường, Nguyễn Văn Học đã lấy môi trường là nhân vật chính nhưng biểu đạt thông qua hình ảnh con người. Đó là tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”.

Thế giới cùng vào cuộc

Điều đáng nói, văn chương là loại hình nghệ thuật có sức lay động lớn và có tác động tuyên truyền ở chiều sâu. Nhận thức rõ vấn đề ấy nhiều nhà văn trên thế giới đã nỗ lực sáng tạo và tạo ra không ít tác phẩm chất lượng.

Chúng ta dễ dàng tìm thấy tiểu thuyết “Cá hồi” của Ahn Do Hyun, một nhà văn Hàn Quốc, thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Điều đáng nói, đây là một sáng tạo độc đáo của nhà văn ở xứ sở kim chi. Câu chuyện ngụ ngôn mượn loài cá hồi làm điểm cất cánh cho trí tưởng tượng và chất thơ được kể một cách giản dị bằng lời văn súc tích, cô đọng mà giàu biểu tượng. Có lẽ, tâm hồn nhà thơ của Ahn Do Huyn đã mang tới cho cuốn ngụ ngôn - tiểu thuyết một không khí trữ tình với những ngôn từ tinh tế.

Rồi tác phẩm “Cá voi đỉnh núi” của Lee Soon-won (Hàn Quốc) - tiêu biểu với thủ pháp nhân cách hóa, truyền xúc cảm cho những sự vật, loài vật tưởng chừng vô tri, hướng người đọc tới những giá trị chân-thiện-mỹ trong cuộc sống, mang tới cái nhìn trong trẻo, nhẹ nhàng mà sâu lắng về hành trình thực hiện ước mơ. “Cá voi đỉnh núi” khắc họa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với núi rừng, biển cả, gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn trong trẻo. Tác phẩm còn hướng tới cái nhìn lạc quan về tương lai tươi sáng cùng bài học về sự buông bỏ.
 

Môi trường đang kêu cứu một cách khẩn thiết. Tiếc là sự khẩn thiết ấy vẫn chưa tác động nhiều đến các nhà văn Việt Nam. Để sáng tác về văn học sinh thái, có thêm những tác phẩm như “Đất rừng phương nam”, “Vết thương hoa hồng”, “Chúa đất”, “Sống giữa bầy voi”…. trở thành một khuynh hướng gắn bó thiết thực với đời sống văn chương và xã hội, thì cần nêu cao trách nhiệm của nhà văn, nhà khoa học trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn các nguy cơ sinh thái. Đồng thời để văn học nước ta bắt nhịp được với văn học thế giới, cần phải có một chiến lược lớn.


Theo Thụy Anh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng