Tạp chí Sông Hương -
Báo động xuống cấp, biến dạng trùng tu
09:16 | 15/08/2018

Vùng đất phía Tây Hà Nội còn nhiều ngôi đình làng là biểu tượng của vùng xứ Đoài, với những giá trị đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc. Tuy nhiên, hiện nay, các ngôi đình này đối diện với nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Đã có rất nhiều công trình bị “trùng tu như phá”, gần đây nhất là tại đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.

Báo động xuống cấp, biến dạng trùng tu
Đình Lương Xá đang được trùng tu như xây mới - Nguồn: ITN

Nhiều di tích xuống cấp

Trong vòng 20 năm trở lại đây, công tác bảo tồn di tích của các địa phương được coi trọng, nhiều đình, chùa được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 - 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trên cả nước chống xuống cấp và tu bổ di tích với thứ tự ưu tiên: Chống xuống cấp, tu bổ di tích, tôn tạo di tích. Trong đó, từ năm 2011 - 2015, 1.320 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 1.436 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2018, có 238 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 124,4 tỷ đồng (tổng kinh phí chưa bao gồm một số di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới được hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công).

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực. Theo thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2010 - 2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Với sự đầu tư đáng kể như vậy, các ngôi đình làng xứ Đoài cũng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cho trùng tu, tôn tạo. Với đặc điểm cơ bản của di tích nước ta nói chung và di tích đình làng Hà Nội nói riêng, hầu hết được làm từ chất liệu gỗ, theo quy trình thông thường thì 10 năm phải tu bổ nhỏ ít nhất 1 lần, 20 năm tu bổ vừa và 40 năm thì tu bổ tổng thể. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Do đó, nhiều di tích có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hầu hết di tích đình làng xứ Đoài vốn có niên đại từ 100 - 400 năm tuổi, đang ở giai đoạn báo động. Rất nhiều ngôi đình kết cấu bị xiêu vẹo, mục nát, ngói xô, vỡ, chạm khắc trang trí bị mất, biến dạng...
 

Cứ bảo tồn là biến dạng?

Tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên thừa nhận: Trên thực tế, hiện nay cũng còn nhiều di tích bị sửa chữa sai quy cách, nhất là các di tích được sửa chữa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nguyên nhân là do buông lỏng quản lý, do sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân địa phương, của người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, nhất là việc do chỉ muốn thay mới toàn bộ cấu kiện kiến trúc cho bền chắc nên phản đối áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp...; muốn di tích được “xứng tầm”, hoặc vì chạy theo lợi nhuận, đã dẫn đến làm mới di tích.

Từ năm 2005 đến nay, nhiều ngôi đình ở xứ Đoài được đồng loạt trùng tu, đây là điều đáng mừng, kịp thời cứu những công trình đang xuống cấp. Nhưng cũng nhiều ngôi đình sau khi trùng tu đã để lại hậu quả khó cứu chữa. Mới đây, đình Lương Xá khiến dư luận quan tâm khi di tích xây dựng từ thế kỷ XVII và được đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc, đã bị hạ giải toàn bộ và thay thế bởi một công trình kiến trúc bê tông.

Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa gửi UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội mới đây, trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình, ngày 13.12.2017, UBND xã Liên Bạt gửi UBND huyện Tờ trình số 58/TTr-UBND về việc xin chủ trương xây dựng tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá và cam kết về nguồn vốn thi công công trình. Sau khi xem xét nội dung, UBND huyện giao Phòng Văn hóa - Thông tin hướng dẫn UBND xã Liên Bạt thực hiện các bước tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và được sự chấp thuận của các cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền. Tuy nhiên, UBND xã Liên Bạt, thôn Lương Xá đã không lập hồ sơ xin phép tu bổ, tôn tạo di tích và tự ý tháo dỡ đình, xây mới di tích bằng kết cấu bê tông; vi phạm Luật Di sản văn hóa, các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. UBND huyện sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm tại di tích và đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND huyện quản lý những cấu kiện, hạng mục gỗ đã hạ giải từ đình Lương Xá và hướng dẫn UBND huyện các bước tiếp theo để tu bổ, tôn tạo di tích, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và quản lý di tích theo quy định pháp luật.

“Để bảo vệ di tích, chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa và hàng loạt văn bản khác, nhưng không hiểu sao di tích cứ luôn bị phá, bị thu hẹp và bị biến dạng làm mất yếu tố gốc? Hiện nay di tích nào cũng tồn tại mong manh và trong sợ hãi. Dính đến bảo tồn là biến dạng, làm sai, làm hỏng, bởi người ta không làm theo nguyên gốc, thêm hoặc thay mới tùy tiện” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng chỉ ra: Con người là tác nhân quan trọng trong bảo tồn di tích, đặc biệt là những người được giao nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý và bảo vệ di tích lại thường là những người bằng cách này hay cách khác mang đến “tai họa” cho di tích. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ các cấp làm công tác quản lý về di sản. Bên cạnh đó, rà soát và kiểm tra lại các cá nhân, đơn vị tham gia công tác tu bổ; xây dựng công nghệ trùng tu di tích phù hợp với từng loại hình di sản để không có thêm những trường hợp đáng tiếc.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng