Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo khoa học về Á Nam Trần Tuấn Khải, ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam
09:49 | 20/08/2018

Nhằm góp phần khẳng định tầm vóc của Á Nam Trần Tuấn Khải, hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã diễn ra ngày 18-8 tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu và đông đảo những người yêu thơ Việt Nam. 

Hội thảo khoa học về Á Nam Trần Tuấn Khải, ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam

Hội thảo được tổ chức nhằm tưởng niệm 35 Ngày mất của nhà thơ, nhà văn hóa Á Nam Trần Tuấn Khải (1983-2018).

Trần Tuấn Khải (1895-1983), bút danh thường dùng Á Nam, sinh tại làng Quan Xáng, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, trong một gia đình truyền thống Nho học yêu nước. Nhờ sự định hướng của cha mẹ, Á Nam Trần Tuấn Khải đã sớm tích lũy vốn văn hóa, văn học dân gian và trung đại dày dặn.

Từ năm 12 tuổi, ông đã làm các thể thơ bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Khi 19 tuổi, Trần Tuấn đã có những bài thơ nổi tiếng như Tiễn chân anh khóa xuống tàu, Cô bán nước, Gánh nước đêm… Từ năm 1921 đến 1930, ông là một trong những tên tuổi nổi bật và có ảnh hưởng lớn nhất trên văn đàn Việt Nam với hàng chục cuốn sách gồm Duyên nợ phù sinh (2 quyển), Bút quan hoài (2 quyển), Hồn tự lập (2 quyển) cùng các bộ sách lớn dịch từ Trung Hoa như: Đông Chu liệt quốc, Thủy hử, Liêu Trai chí dị, Hồn hoa, Tam tự kinh tập đọc, Mạnh Tử.

Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ, nhà văn hóa Á Nam Trần Tuấn Khải. Các tham luận đều đánh giá, Á Nam Trần Tuấn Khải là một ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca ở nửa đầu thế kỷ XX.

Cùng với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, ông được xem là người có công hiện đại hóa văn học Việt Nam, gắn kết tính hiện đại với tính dân tộc. Đặc biệt, ông luôn giữ vững tấm lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc tha thiết trong các tác phẩm.

ảnh 2

Quang cảnh hội thảo

Giáo sư Hồ Sỹ Vịnh đánh giá, thơ Á Nam Trần Tuấn Khải mang đậm tính hướng nội, trọng đạo lý làm người, nghĩa vụ cao cả của đấng nam nhi. Giá trị chân chính trong thơ ông với những câu thơ hào sảng, cảm hoài về non sông, về duyên nợ phù sinh, chua chát với đời, nhưng lại yêu đời. Những vần thơ yêu nước thương nòi, lai láng tình người đã góp phần vào dòng thơ yêu nước và cách mạng trước năm 1945.

Tham luận của các vị đại biểu đã gợi lại tinh thần yêu nước của Á Nam Trần Tuấn Khải. Ông không những là tấm gương sống và viết mà còn là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với các thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, đổi mới, phát triển, giao lưu hội nhập của đất nước.

Theo Thanh Xuân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng