Tạp chí Sông Hương -
'Chỉ là gió trên cánh đồng' - tập truyện ngắn về những cơn mộng
09:30 | 22/08/2018

32 truyện ngắn, cực ngắn của Nguyễn Hoàng Anh Thư dùng hình ảnh siêu thực để khắc họa ẩn dụ về đời sống.

'Chỉ là gió trên cánh đồng' - tập truyện ngắn về những cơn mộng

Trang viết của tác giả Anh Thư đặc quánh ẩn dụ qua những mô tả mang yếu tố huyền ảo. Văn phong của cô còn pha trộn một chút chủ nghĩa hiện sinh có thể thấy trong những tác phẩm của Kafka. Các nhân vật của cô thường không có quá khứ mà chỉ có số phận chạy trốn hoặc ẩn nấp trong vỏ bọc hiện tại. Mỗi nhân vật đều chứa đựng nội tâm phức tạp, khó nắm bắt, trong vài trường hợp còn khó hiểu và nặng tính thách đố cho những ai cố gắng giải mã. Như truyện Mộng du khắc họa hình ảnh nhân vật "nó" mắc chứng mộng du. Khi giấc ngủ bị cơn mộng mị đánh thức, nó vẫn mò mẫm tìm lối đi trong bóng tối của chính mình, dù tất cả bóng đèn giăng khắp phòng không bao giờ tắt. Khi sực tỉnh, điều chờ đợi nó là: "...Nó mở mắt, nhìn thấy bóng mình chảy dài trên tường. Nó có màu đỏ của dâu tây. Cái bóng trống rỗng và hình như nó đang chao qua chao lại ngoài cánh cửa sổ".

Phần lớn truyện của Anh Thư có các chi tiết dị hình, kiểu như trong tác phẩm Hóa thân của Kafka, độc giả có thể thấy một người đàn ông trong một buổi sáng thức dậy thấy mình hóa thành một con bọ và phải sống cuộc đời con bọ. Trong những truyện ngắn của Anh Thư, con người có thể ở nhiều dạng, hoặc một phần cơ thể của con người biến hóa thành các vật thể. Truyện Tóc mây cô miêu tả sự chuyển đổi ấn tượng: "Nàng sờ lên đầu. Những chiếc gai đâm phọt. Những tia máu ứ tuôn xuống ào ào". Tương tự , rất nhiều vật thể được tác giả lồng vào trong khoảnh khắc biến thể cảm xúc của con người, nhiều nhất là hình ảnh côn trùng, là gai, bùn đất, khói, rơm, đôi khi là máu.

"Ngày lách mình qua một con thoi, mang hình dạng chiếc lá, xoay vòng vòng một vũ điệu cũ. Chiếc lá thuộc về mùa thu trước. Và cô lấy khăn san quấn quanh cây đàn và thả rơi nó giữa bản hòa tấu của thiên cầm". Một trích đoạn trong truyện Bản giao hưởng gió, cho thấy ngôn từ của Anh Thư đầy chất thi ca nhưng không quá bóng bẩy. Sự lồng ghép giữa nội tâm, tính biến thể cảm xúc và sự kết nối vạn vật được tác giả làm nổi bật không chỉ trong những truyện thể loại huyền ảo mà cả trong vài truyện ngắn hiện thực, phản ánh cuộc sống ngày nay của con người với nhiều thông điệp về trách nhiệm và lòng đam mê như:Ngọn sa đăng, Một ngày của Pi, Người nặn tò he.

Trong Người nặn tò he, Anh Thư xây dựng nhân vật một ông lão 80 tuổi suốt đời sống cùng các con tò he do ông nặn. Lũ tò he từng được bọn trẻ con mê đắm. Nhưng chỉ nhân vật tôi là người còn lại duy nhất ngưỡng mộ ông, yêu thương những con tò he sinh ra từ bàn tay chai sạn của ông từ thuở bé đến tận ngày ông gần đất xa trời. Những con tò he truyền thống ngộ nghĩnh, chất phác bị đám tò he hiện đại đầy phép thuật như siêu nhân, quái vật... lấn át . Nhưng vì tình yêu, ông lão vẫn bám trụ với chúng đến hết cuộc đời già cỗi cô độc. Đến khi hấp hối, ông gần như là một con tò he bệ rạc nhưng đầy sống động. "Tôi thấy hình như chiều nay những con tò he nằm mốc meo kia đang rướm nỗi buồn từng thớ thịt. Lão cũng là con tò he hay nhất mà tôi từng thấy từ thuở bé và cho đến bây giờ đấy. Tôi lẩm bẩm: Tò he cụ bán mấy đồng. Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi. Chồng tôi đánh vỡ đánh rơi. Tôi mua cái mới tôi chơi một mình". Lời văn nhẹ nhàng, phảng phất chất thơ như gieo nỗi buồn vào từng câu chữ về một thân phận con người.

Nguyễn Hoàng Anh Thư sinh năm 1975, tại Thừa Thiên Huế. Cô là giáo viên trường Hai Bà Trưng, thành phố Huế. Anh Thư  viết văn, làm thơ từ năm 2013. Cô từng ra mắt tập thơ Một trang cổ sơ.

Theo Lê Hữu Nam - vnexpress
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng