Tạp chí Sông Hương -
Văn hóa và văn học Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập
15:48 | 29/08/2018

Là chủ đề Hội thảo khoa học do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức vào chiều 28/8 tại TP Trà Vinh, với sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên của các trường ĐH, CĐ phía Nam.

Văn hóa và văn học Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập
Một tiết mục văn hóa Khmer Nam bộ được phục dựng biểu diễn tại Hội thảo Khoa học. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã công bố các nghiên cứu mới về văn hóa, văn học Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập, trong đó nhiều tham luận có chất lượng đưa ra góc nhìn, đánh giá liên quan đến hoạt động nghiên cứu văn học và văn hóa học Nam Bộ tại các trường ĐH, CĐ hiện nay. 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Thạch Thị Dân- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh chia sẻ, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, đô thị hóa thì đối với lĩnh vực văn học và văn hóa học Nam Bộ đang ngày càng được quan tâm hơn trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp trong bối cảnh hội nhập. Theo bà Dân, di sản văn hóa Nam Bộ là một bộ phận của văn hóa dân tộc và là những giá trị văn hóa có sức sống trường tồn, đã vượt qua được sự thẩm định của thời gian để từ quá khứ đến được với hiện đại. 

Tham luận tại Hội thảo, ThS Nguyễn Hồ Thanh (ĐH An Giang) trong một nghiên cứu về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang đã chỉ ra xu hướng giao lưu, tiếp biến văn hóa đa bản sắc ngày càng được thể hiện rõ rệt với các dân tộc cộng cư sống cùng nhau, như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Qua nhiều thế kỷ cùng chung sống, các dân tộc không hề có sự mâu thuẫn hay phân biệt về sắc tộc mà đã kết hợp thành một nét đẹp truyền thống đa dạng trong thống nhất hết sức đặc sắc.

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Trương Đức Thuận chỉ ra sự biến đổi văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Bộ hiện nay và những vấn đề đặt ra. Theo ông Thuận, một số địa phương do chạy theo thành tích nông thôn mới, nhưng lại xem nhẹ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân cư tại chỗ, khiến các giá trị này ngày càng mai một. Do đó, các địa phương cần nhìn nhận lại sự vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong định hướng xây dựng các tiêu chí văn hóa cho vùng nông thôn mới hiện nay. 

Ngoài các ý kiến trên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại hội thảo cũng nhìn nhận vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Nam Bộ là một nhiệm vụ cấp bách của các ngành, các cập và là trách nhiệm của các cộng đồng. Các kiến nghị tại Hội thảo hiến kế Bộ VHTTDL cùng với các địa phương cần có ngay các giải pháp đối với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một nhiều loại hình di sản văn hóa Nam bộ, trong khi đó cần phát huy các giá trị của các lễ hội truyền thống từ góc độ ngân sách, phương tiện, con người trong thời gian tới.

Theo Thành Luân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng