Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: VUA RẮN
08:11 | 06/09/2018

HÀ PHẠM PHÚ

Tin Vua Rắn chết làm chấn động cả tỉnh, nhưng chẳng ai biết rõ nguyên nhân. Bởi vì trước khi lên giường, ông Điền đã khoá cửa ở bên ngoài. Hôm sau, hôm sau nữa, không thấy ông đi làm, mọi người cứ nghĩ vì việc gì đó gấp, ông về quê, không lên kịp...

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: VUA RẮN
Nhà văn Hà Phạm Phú

Ông Điền đen như củ ấu, người sắt lại như tre già gác bếp. Mỗi khi ông dùng hai ngón tay kẹp vào đầu con rắn hổ mang bành trông chẳng khác gì cái kìm của thợ rèn kẹp thỏi sắt đưa vào lò nung đỏ. Ông có nghề bắt rắn gia truyền. Nghề tổ có từ bao giờ ông không rõ, ít nhất đến đời ông cũng là năm đời. Riêng ông nội, ông thân sinh và ông Điền cùng sống trong một mái nhà, cùng làm nghề bắt rắn.

Theo ghi chép của gia đình, ông nội tên là Thiện, bắt được đúng 500 con rắn, cứu được 50 người khỏi chết vì bị rắn cắn. Nhưng ông nội bị mất một ngón tay, ngón trỏ. Số là trong một lần đi rừng, vô ý cụ Thiện thọc tay vào một hốc cây, bị rắn độc mổ đúng vào ngón tay trỏ. Vì không mang theo thuốc giải bên mình, cụ liền rút dao chặt đứt ngón tay ngăn cho nọc đọc không chạy vào tim. Nhưng nọc độc của rắn thật là ghê gớm. Không đủ sức làm cho cụ chết, nó vẫn đủ sức làm cho cụ hỏng một cánh tay. Ông thân sinh của ông Điền tên là Tích. Ông Tích cũng bắt được đúng 500 con rắn, cứu được 50 người thoát chết khỏi rắn độc cắn. Trông gương ông Thiện, ông Tích đi đâu cũng bọc theo thuốc giải bên mình. Vì vậy cho đến lúc qui tiên, thân thể ông vẫn lành lặn, dù có hàng chục lần bị rắn độc mổ trúng.

Ông Điền được chân truyền, vừa giỏi bắt rắn vừa giỏi trị rắn độc cắn. Dòng họ ông Điền lập nghiệp ở làng Hạ Đan, chuyên bắt rắn bán cho thiên hạ làm thịt, ngâm rượu với những bộ tam xà, ngũ xà, cửu xà, tiếng tăm lừng lẫy một vùng. Riêng ông Điền đặc biệt được mọi người biết đến, sau khi cứu sống một cô gái 16 tuổi bị rắn độc cắn chết, gia đình sắp đưa đi chôn.

Mọi người còn nhớ rõ, đó là mùa Thu. Anh thanh niên Điền có việc lên tỉnh. Từ Hạ Đan, muốn lên tỉnh phải đi bộ hơn chục cây số tới ga tầu hoả, rồi ngồi tầu hết gần nửa buổi mới tới thị xã. Hôm đó anh đến muộn nên bị nhỡ tầu. Chờ chuyến sau phải đến nửa đêm. Anh quyết định đi bộ, cứ xuôi dọc bờ sông mà đi, theo như cách dân Hạ Đan thường nói: "Cứ đi rồi đến!" Anh đi qua một làng, rồi hai làng. Đó là những làng ven sông, mịn đất phù sa, cây cối tốt tươi. Đến đầu làng thứ ba thì anh nghe có tiếng người khóc. Tới gần, Điền được biết, người chết là một cô gái trẻ. Hỏi: " Vì sao mà chết?" Đáp:" Rắn cắn!"

Điền rẽ đám đông bước vào nhà. Người ta đang chuẩn bị liệm cho cô gái. Anh hỏi người đàn ông có vẻ là bố nạn nhân:

- Thưa ông, cô nhà bị rắn cắn khi nào?

Ông bố gạt nước mắt đáp:

- Buổi sáng, cháu đi ra vườn, thấy nhói ở gót chân, ngỡ bị gai đâm. Đến khi biết là bị rắn cắn thì không chữa được nữa.

Người mẹ chợt tru lên khóc:

- Ối con ơi! Ối Ly ơi! Mới 16 tuổi đầu mà con đã vội ra đi, bỏ bố mẹ lại ở với ai, con ơi!

Điền thấy vô cùng thương cảm, động lòng trắc ẩn. Anh nói với bố mẹ nạn nhân và mọi người:

- Tôi là cháu cụ Thiện ở Hạ Đan. Xin các ông các bà cho phép tôi được xem lại vết thương của cô Ly.

Mấy người lớn tuổi nghe tên cụ Thiện thì à lên một tiếng, đồng thanh nói:

- Cụ Thiện ở Hạ Đan chữa rắn độc cắn nổi tiếng cả vùng ai chả biết. Để cho chú ấy xem, biết đâu số con bé chưa hết.

Nạn nhân được đặt nằm trên chiếc giường buông màn kín nơi góc phòng tối om. Điền bảo mọi người mở cửa sổ. Anh vén màn lên coi. Dưới sự chiếu rọi của nguồn ánh sáng mặt trời, cô gái lộ ra như đang thiêm thiếm ngủ. Anh vành mi mắt cô gái. Một cảm giác lạ lùng chạy qua trái tim anh. Không phải tử khí mà là chút lửa le lói của sự sống! Cô gái không muốn chết, không cam tâm chịu chết. Điền quay ra nói nhanh để mọi người yên tâm:

- Xin các ông bà nới rộng ra! Tôi cam đoan chữa khỏi cho cô gái này!

Điền dùng tất cả sức lực và tâm trí của mình, cả nguyên khí hấp thụ từ trời đất, sức nóng trái tim mà cha mẹ hun đúc cho để khởi động lại trái tim của cô gái, trái tim quá mệt mỏi đang ịm dần, để vun vén lại chút lửa cuối cùng, giữ và nuôi nó bùng lên. Cô gái ơi! Em hãy vững tin, sự sống bao giờ cũng mạnh hơn cái chết.

Nửa giờ sau, trái tim cô gái yếu ớt đập trở lại.

Điền bước ra khỏi căn buồng, mồ hôi đẫm trán. Anh nói với bố mẹ cô gái,hãy nấu cho cô ăn một bát cháo đậu xanh, để cô nằm nghỉ. Hôm sau cô sẽ khoẻ như bình thường. Rồi anh ra đI, không ai có cách nào giữ anh lại được.

Nửa năm sau, bố mẹ cô gái dẫn cô đến làng Hạ Đan, hỏi thăm nhà cụ Thiện.

Cụ Thiện khi ấy đã già lắm rồi nhưng vẫn còn tinh mắt. Điền đi vắng. Bố mẹ cô gái thưa với cụ Thiện rằng, Điền đã cứu sống cô gái, coi như cho cô cuộc sống thứ hai. Bố mẹ cô xin đem cô tặng cho Điền làm vợ. Nếu Điền có vợ rồi thì làm vợ lẽ. Nếu Điền không ưng lấy thì xin làm người hầu.

Ông nội Điền ngắm nhìn cô gái thấy xinh đẹp, phúc hậu thì nghĩ có lẽ do trời xếp đặt. Cụ nói:

- Thằng cháu Điền nhà tôi chưa thành gia thất. Nom ra chúng đẹp đôi lắm. Mời ông bà ngồi chơi, chờ cháu về ta sẽ nói chuyện tiếp.

Điền về, nghe mọi người thuật lại chuyện, đưa mắt nhìn cô gái, lấy làm ưng ý. Thế là họ thành vợ thành chồng.

Cô gái trẻ là của báu trời cho, sinh cho Điền một mạch 5 đứa con, ba trai hai gái. Đứa nào cũng phổng phao, khoẻ mạnh. Thật là một gia đình hạnh phúc.

Cụ Thiện sống đủ một trăm tuổi, ra đi thanh thản. Hôm đó ngày rằm, cụ ăn chay,tắm rửa thay quần áo, lên giường nằm rồi đi. It lâu sau, ông Tích cũng mất. Điền thành chủ gia đình, vẫn tiếp tục nghề của ông cha. Các con Điền lớn lên đi học xa, lấy vợ, kiếm việc trên tỉnh. Hai cô gái lấy chồng, theo chồng về nhà chồng.Chỉ còn mỗi thằng út là quyết định ở lại làng, theo nghề bố, bắt rắn và chữa rắn cắn.

Năm mươi tuổi, ông Điền lên lão, gia nhập hội bảo thọ. Sổ sách gia đình ghi rõ, đến ngày 31 tháng 12 năm x.x. ông Điền đã bắt được 500 con rắn, cứu được 60 người thoát chết vì rắn độc cắn.

Lúc đó tỉnh rộ lên phong trào nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu. Một giọt nọc độc rắn đổi được cả một khối vàng. Có vàng có thể mua được nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy tỉnh hạ quyết tâm thành lập trại nuôi rắn. Cần có một chuyên gia bắt, nuôi rắn. Người ta nghĩ ngay đến ông Điền. Ông trại trưởng đem thư của tỉnh về tận Hạ Đan, mời ông Điền về trại công tác. Thằng út không muốn để ông đi. Nó bảo:

- Bố già rồi, hà tất phải vất vả. Bố đi để mẹ ở nhà môt mình sao được.

Nhưng những đứa anh, chị lại muốn ông Điền đi. Về trại nuôi rắn làm việc, được trả lương cao, chúng có thể nhờ vả ông được. Chúng nói:

- Người ta vời bố về làm chuyên gia, trả lương cao, thế chả vinh dự à? Mẹ ở nhà đã có chú út. Một thời gian nhất định,bố được chia nhà đón mẹ lên ở, thế chả hay ư?

Thế là ông quyết định về làm việc cho trại nuôi rắn.

Trại rắn mới thành lập. Công việc đầu tiên là bắt rắn về nuôi.

Ngay tháng đầu, ông Điền đã bắt được 250 con rắn. Rắn bắt về được thả vào lồng, thả vào hầm, quấn vào nhau từng búi. Ba tháng sau ông Điền bắt thêm được 351 con nữa. Cơ ngơi của trạm nom đã khá. Người ta tuyển thêm nhân viên. Ông Điền kiêm thêm việc dậy nghề. Một năm sau trại có hàng vạn con rắn, tiếng tăm lừng lẫy. Ngoài nọc rắn xuất khẩu, trại còn lập xưởng chế rượu rắn,cao rắn và nhiều thứ chế phẩm quí hiếm khác. Nghe đâu lãnh đạo trại rắn còn định mở một trung tâm sản xuất đồ trang sức bằng da rắn.

Khách tham quan đổ về trại rắn nườm nượp.

Ông Điền giống như hiện vật sống của bảo tàng.

Các nhà báo tới thăm trại, vây lấy ông Điền, moi hết chuyện nọ đến chuyện kia. Cuộc đời của người chuyên bắt rắn này quả là một huyền thoại. Mỗi chuyện ông kể đều nhuốm mầu truyền kỳ. Theo cách tính của các nhà báo, trên cơ sở những dữ liệu mà họ thu được thì từ thời cụ Thiện, qua ông Tích đến ông Điền, thì gia đình này đẫ bắt ít nhất 2101 con rắn và cứu được 160 người thoát khỏi lưỡi hái của thần chết.Riêng số rắn ông Điền bắt được là 1101 con hơn hai lần số rắn cụ Thiện với ông thân sinh đã bắt.

Trên thế giới, hình như bắt đầu từ nước Mỹ, người ta quen, nếu ai đứng đầu một ngành gì đó, một môn gì đó thì gọi là Vua: chẳng hạn Vua dầu lửa, Vua sắt thép, Vua lốp, Vua bóng rổ... Vì thế, theo tập quán thế giới, các nhà báo phong vua cho ông Điền, gọi là Vua Rắn.

Và nhiều chuyện ly kỳ được thêu dệt xung quanh ông Điền.

Người ta nói, cái đêm ông Điền ra đời, cả làng Hạ Đan tối đen như mực, riêng nhà ông Điền có hào quang bao quanh. Những người hàng xóm nhìn ra thì thấy vầng hào quang do một con rắn trắng sinh ra. Con rắn bò quanh nhà ông Điền bẩy vòng. Vào đúng lúc ông Điền chào đời thì con rắn biến mất, vầng hào quang tụ lại một lúc lâu trên nóc nhà rồi mới tan. Thủa nhỏ, ông Điền được mẹ địu sau lưng khi đi làm đồng hoặc làm nương. Đôi lúc bà trải một cái ổ cỏ ở đầu nương, đặt ông Điền nhỏ nằm dưới bóng cây. Người làm nương tình cờ đi qua, ngó vào thấy cậu bé nằm ngủ, hai tay ôm một con rắn trắng. Người này lấy làm lạ, lúc vui chuyện mới mở miệng định kể cho bạn bè nghe, không ngờ lưỡi bị cứng lại như trúng gió. Lần thứ hai, cũng thế nên đành im lặng.

Người ta còn kể, cái cách chữa rắn độc cắn của ông Điển cũng rất lạ kỳ. Thuốc giải độc gia truyền của nhà ông không biết được chế từ những thứ cỏ cây gì, nhưng chắc chắn là những thứ cây cở ở xung quanh ta mà ta không biết. Người bị rắn độc cắn, trừ phi chết hẳn rồi, còn ông đều chữa được. Người nhà kẻ gặp nạn mời ông đến, rình xem ông chữa như thế nào. Nhưng chẳng thấy có gì đặc biệt. Không thấy ông làm các thủ thuật như rạch vết cắn cho rộng, hút máu độc ra rồi làm thuốc. Tuy nhiên, dường như mọi người đều thấy, sau khi xong việc, trước khi rời nhà nạn nhân ra về, bao giờ ông cũng ra góc vườn, tiểu một bãi, hái một nắm lá gì đó nhét vào túi. Một lần, có kẻ tò mò theo dõi, thấy ông Điển hái mấy cái lá nhót, ngỡ lá nhót chính là thuốc chữa rắn cắn. Bất ngờ kẻ ấy bị rắn cắn, bèn lấy lá nhót nhai nuốt nước, còn bã thì đắp lên vết thương. Tưởng khỏi, dè đâu, mấy giờ sau người tím tái, co giật, suýt chết nếu ông Điền không đến kịp.

Những chuyện đại loại như thế khá nhiều.

Riêng chuyện sau đây đặc sắc không thể không ghi lại tỷ mỉ. Đó là chuyện ông Điền nghe được tiếng rắn, hiểu được những chuyện rắn nói với nhau. Thủa nhỏ, ông Điền là một đứa trẻ hình dáng đen đủi xấu xí.Cậu bé không thích chơi trò chơi gì ngoài ham rắn, thích chơi với rắn. Một buổi sáng,hình như cũng vào cuối mùa thu,cậu bé lang thang vào rừng.Trời đầy sương mù,con đường rừng quen thuộc nhoà đi và bắt đầu chơi trò ú tim.Trước mắt cậu thoắt ẩn thoắt hiện một cánh áo hồng.Và ở đâu đó thoảng đến một mùi thơm quyến rũ.Không phải mùi thơm hoa trẩu dấp dính.Cũng không phải mùi thơm hoa trà núi mơn man.Càng không phải mùi thơm hoa linh chi huyền hoặc.Một mùi thơm ngỡ có thể sờ nắn được mà vô hình.Cậu bé Điền bị (hay được cũng thế) mùi thơm ấy dẫn dắt.Cậu đi qua những lùm cây dìu dặt tiếng chim,đi qua những bãi cỏ non ẩn hiện bóng dăm ba chú thỏ trắng.Cậu bé không nhớ đã đi như thế bao lâu,cho đến khi dường như sương mù bất chợt tan loãng và chói chang một cột ánh nắng dựng lên.Ngước nhìn trên đầu,đôi mắt cậu tròn xoe như hai hòn bi ve.Câu bắt gặp hai con rắn trắng đang cuốn nhau trên đỉnh cây lim cao vút.Hai con rắn đang làm cái công việc duy trì nòi giống mà tất cả các loài vật khác đều làm.Nhưng đối với cậu bé Điền,thì đó là một điều ngạc nhiên lớn.Cậu ngắm cái sự lạ ấy một cách say mê.Thoạt đầu đôi rắn vờn nhau như múa.Điệu múa rắn cuộn lên một cơn gió,phát ra những âm thanh chí chát,lúc nhanh lúc chậm,nhè nhẹ như mưa bụi,sầm sập như mưa rào.Rồi chúng cuốn vào nhau như hai nhánh của một sợi dây thừng.Những âm thanh rất mảnh,run rẩy.Cơn hứng tình làm cho đôi rắn say đắm.Sau đó là sự im lặng.Đôi rắn vẫn còn cuốn lấy nhau,mệt mỏi một cách thoả mãn.Bất chợt cậu bé Điền nghe thấy có tiếng thì thào như tiếng người.Ai vậy nhỉ?Nhìn khắp không thấy một bóng.Tiếng thì thào vang lên ở trên đầu."Thiếp có một viên ngọc, có phép cải tử hoàn sinh. Chỉ cần cho người chết ngậm viên ngọc đó là người chết sống lại. " Một giọng khác trầm thấp: "Nàng để viên ngọc đó ở đâu?" "Dưới gốc cây gáo!" Gịong trong hơi cao đáp. Cậu bé Điền chợt hiểu, đó là tiếng nói của đôi vợ chồng rắn. Ai xui cho cậu đến đây để cậu gặp cơ duyên này?

Như trên đã nói,Hạ Đan là một làng nằm lọt ở một vùng rừng núi trùng điệp, miên man kéo dài ra tận bờ sông Thao. Trong cái vùng rừng mênh mông ấy có bao nhiêu gốc cây gáo? Viên ngọc rắn mà cặp vợ chồng rắn lỡ mồm nói ra khi cảm thấy qúa sung sướng không gì có thể để trong lòng được nằm ở gốc cây gáo nào? Ông Điền nghe được chuyện ngọc rắn lúc vừa mười ba tuổi. Mặc dù còn nhỏ, nhưng linh tâm mách bảo ông, đó là cơ trời, phải giữ kín. Năm năm sau, khi cậu bé Điền trở thành một chàng trai mười tám, thì trong một dịp hết sức tình cờ đã tìm được viên ngọc. Người ta nói chắc như đinh đóng cột rằng, nhờ có viên ngọc ấy, ông Điền mới cứu sống được bà Ly, từ đó mà nên đôi lứa, vợ chồng. Người nghe thắc mắc hỏi người kể chuyện: "Viên ngọc ấy có còn không?" Người kể chuyện đáp: "Mạng người vô cùng quí giá, một viên ngọc rắn chỉ cứu được một mạng người mà thôi!"

Trại rắn là doanh nghiệp của tỉnh, có nghĩa nó là doanh nghiệp nhà nước. Mặc nhiên những người làm trong trại trở thành công nhân viên nhà nước, phải chấp hành đầy đủ nội qui của trại. Nội qui chính là pháp luật. Một trong những điều quy định của nội qui là tất cả các nhân viên làm việc thường xuyên tiếp xúc với rắn phải đội mũ, đeo găng tay và đi ủng. Nhưng đối với ông Điền, không áp dụng những điều khoản đó. Đơn giản vì ông là Vua rắn.

Ông Điền được "phong" Vua, tiếng tăm vang dội. Để làm vừa lòng khách tham quan, trại xếp cho ông ở vào một căn hộ tập thể. Có nhà, ông về Hạ Đan để đón bà Ly lên ở cùng. Nhưng bà ngần ngừ, nói:

- Chả lẽ ông sẽ sống hết đời với cái trại rắn ấy? Thằng út đang cần có tôi ở bên cạnh. Lá rụng về cội, có đi đâu rồi cũng nên về làng. Mồ mả ông bà ở Hạ Đan cả. Thôi, tôi ở lại làng.

Đúng thế! Ông Điền nghe có lý. Rồi cũng tới lúc ông phải rửa tay gác kiếm, lui về quê, truyền những bí quyết của nghề bắt rắn, chữa rắn cắn cho thằng út, con ông. Do vậy ông để yên, không giục giã, nài ép bà theo ông lên trại nữa.

Tuổi ngoài năm mươi, mắt kém, tay chân cũng chậm chạp, trí nhớ của ông Điền giảm sút. Một lần, đám học trò của ông đi rừng bắt được một con rắn lạ, mầu sắc óng ánh, chỉ nhỏ bằng chuôi con dao ăn, đầu bẹp và nhỏ. Quá nửa đời người, ngỡ rằng không còn loại rắn gì mà ông không biết. Vậy mà, cứ theo cách mô tả ấy, thì hình như ông Điền chưa hề nghe thấy chứ đừng nói nhìn thấy con rắn nào thuộc loại như thế. Nhưng đại phàm những con rắn mầu sắc sặc sỡ thì bao giờ cũng là rắn độc. Đã mầu sắc sặc sỡ mà lại nhỏ thì phải thuộc loại cực độc. Nhưng do mấy ngày đó, khách tham quan quá đông, ông Điền quên bẵng chuyện con rắn ấy.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, đúng vào dịp đám học trò của ông Điền bắt được con rắn lạ, tính ra thì ông cũng đã làm việc ở trại rắn được năm năm. Thời gian như vó câu vút qua cửa sổ. Người đời vẫn nói thế. Đối với một ông già thì năm năm đúng là một món quà quí mà trời ban tặng, không thể không lấy làm vui. Do đó đám học trò quyết định tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mừng thầy dậy nghề. Tiệc đầy rượu và đầy hoa. Ông Điền lấy làm mãn nguyện lắm. Ông nói, ông lấy làm tự hào về nghề của mình. Lãnh đạo trại phát biểu, ca ngợi ông là người lao động tận tuỵ, giỏi nghề xứng đáng với danh hiệu Vua Rắn mà báo chí phong tặng cho.

Bữa tiệc sắp tàn thì bất ngờ có một vị lãnh đạo tỉnh tới thăm. Ông trại trưởng yêu cầu ông Điền dẫn khách đi thăm quan. Giới thiệu với vị lãnh đạo, ông trại trưởng nói:

- Báo cáo đồng chí, ông Điền của chúng tôi được báo chí tặng cho danh hiệu Vua Rắn rất xứng đáng. Một tay ông đã bắt cả ngàn con rắn, cứu ngót trăm người thoát chết do rắn độc cắn. Cơ ngơi của trại được như ngày nay, có công đóng góp rất lớn của ông Điền.

Vị lãnh đạo tỉnh gật gù:

- Ông Điền không phải của riêng trại rắn các đồng chí, là của chúng ta. Ông là vốn quí của tỉnh nhà. Trong công cuộc làm giầu cho đất nước, còn rất nhiều những người như Vua Rắn!

Ông Điền nghe vị lãnh đạo cấp cao khen, thấy nở nang cả gan ruột. Cái danh hiệu Vua Rắn mà báo chí phong tặng, ông nghe mãi quen tai. Những chuyện thêu dệt quanh ông, người này truyền người khác, đến tai ông, lâu dần đến mức ông cũng tin đó là sự thật. Phải, đất Hạ Đan đâu chỉ có phát trạng, còn phát Vua nữa chứ!

Lòng dạ lâng lâng, ông Điền lăng xăng dẫn vị lãnh đạo tỉnh đi một vòng xem hết các loại rắn mà trại có. Ông giới thiều tỉ mỉ, với loại rắn nào thì cho ăn thức ăn gì, cho ăn vào lúc nào thì nó phát triển nhanh, lấy nọc vào lúc nào thì được nhiều nhất và chất lượng nhất.

Vị khách đội mũ, đi ủng, đeo găng tay nặng nề bước theo ông Điền chân trần, tay không, lượn đi lượn lại giữa những hầm, những lồng mà rắn thi nhau phô diễn đủ các tư thế bò, nằm, leo, bám, cuốn lấy nhau từng búi. Vị lãnh đạo có vẻ ngượng vì mặc cảm bé gan hơn cái ông nông dân đen đúa như củ ấu gai. Ông quay lại nói với trại trưởng:

- Đồng chí trại trưởng này, đồng chí nên làm đề nghị khen thưởng cho Vua Rắn, gửi lên tỉnh tôi sẽ giải quyết sớm.

Vị lãnh đạo nói riêng với trại trưởng, nhưng nói to cho cả ông Điền cùng nghe. Ông Điền thấy lãnh đạo tỉnh đánh gía cao mình, thì cảm thấy dường như có thể bay lên được chín tầng mây.

Bất ngờ vị khách cất tiếng hỏi:

- Ông Điền, con rắn kia thuộc loại gì nhỉ?

Ông Điền đưa mắt nhìn, bấy giờ mới phát hiện ra con rắn lạ. Con rắn nhỏ bằng chuôi con dao ăn, đầu bẹp và nhỏ xíu, mầu sắc óng ánh. Ông bước tới gần, với tay định nhấc cái lồng sắt, thì bất ngờ thấy mu bàn tay bị nhói buốt. Tiếp liền đấy, nhoáng một vệt sáng lao xuống đất, biến mất giữa những cỏ và lổn nhổn đá. Sự việc diễn ra trong nháy mắt, những người đi cùng ông Điền không ai hay biết.

Linh tính và cảm giác nghề nghiệp cho ông biết, ông vừa bị con rắn đực, bạn của con rắn bị nhốt trong lồng cắn.

Ông Điền cảm thấy như quả tim ông vừa bị va đập mạnh. Ông rủa thầm: "Đồ rắn độc khốn kiếp!" Nhưng nét mặt ông Điền không hề biến sắc. Ông nói:

- Thưa đồng chí thủ trưởng, loại rắn này rất hiếm, đi đâu cũng có đôi. Nếu bị nó cắn là cầm chắc cái chết.

Vị khách cười phá lên bảo:

- Đấy là không gặp được Vua Rắn,đúng không?

Ông trại trưởng hùa theo:

- Thưa thủ trưởng, đúng như thế đấy ạ!

Ra khỏi khu vực nuôi rắn, vị lãnh đạo cao cấp còn dừng lại hỏi han về gia đình, con cái ông Điền, hứa sẽ bố trí cho ông Điền đi ra nước ngoài một chuyến để tham quan xem người ta nuôi rắn lấy nọc như thế nào.

Ông Điền đứng mà chẳng nghe thấy gì hết. Ông có cảm giác, tim ông đang run rẩy. Tiễn khách đi rồi, ông Điền loạng choạng về phòng, nguệch ngoạc viết thư cho vợ con, sau đó leo lên giường đắp chăn, nhắm mắt.

Ông ngủ một mạch không bao giờ dậy nữa.

Tin Vua Rắn chết làm chấn động cả tỉnh, nhưng chẳng ai biết rõ nguyên nhân. Bởi vì trước khi lên giường, ông Điền đã khoá cửa ở bên ngoài. Hôm sau, hôm sau nữa, không thấy ông đi làm, mọi người cứ nghĩ vì việc gì đó gấp, ông về quê, không lên kịp. Ngày thứ ba thì mọi người phát hiện Vua Rắn đã chết. Kì lạ, ông chết rồi mà dung nhan vẫn còn tươi tỉnh. Trại rắn vội cử người về Hạ Đan đón bà Ly và các con ông lên. Gia đình một mực xin đưa thi hài ông về mai táng ở quê, cự tuyệt việc giải phẫu khám nghiệm.

Vị lãnh đạo tỉnh cứ tiếc rẻ mãi, không được ký quyết định khen thưởng Vua Rắn.Ông nói với trại trưởng:

- Người xưa nói, nước một ngày không thể không vua, ngày nay làm nghề gì cũng phải có vua nghề ấy. Trại rắn không thể thiếu Vua rắn. Đồng chí nên đón cậu út con ông Điền về trại, cậu ấy sẽ kế tục Vua rắn!

Vị lãnh đạo tỉnh viết thư, ký tên, đóng dấu để ông trại trưởng cầm về Hạ Đan mời cậu Út. Đi lại năm lần bẩy lượt, cho đến nay, cậu Út vẫn chưa trả lời.

Trại sáng tác Đà Lạt 30-10-1997

H.P.P

(SH số tháng 3 - 1998)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng