Tạp chí Sông Hương -
Sống động một thời hoa lửa
10:17 | 10/09/2018

Đi qua cuộc kháng chiến của dân tộc, các tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh đã có nhiều sáng tác giá trị, phản ánh cuộc chiến tranh cách mạng. Tập hợp những sáng tác ấy được xem là cuốn lịch sử bằng nghệ thuật quý giá, sống động về một thời hoa lửa của đất nước.

Sống động một thời hoa lửa
Tác phẩm “Tượng đài chiến thắng Quế Sơn” của tác giả Tạ Quang Bạo, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016

“Tột cùng bi tráng”

 Năm 2016, 18 tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 95 tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong đó, mỹ thuật, nhiếp ảnh có 2 tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là những tác phẩm có giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần phát triển nền mỹ thuật, nhiếp ảnh nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung.

Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2016 vừa được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cùng với cuốn vựng tập giới thiệu toàn bộ 20 tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, cuốn sử được chép bằng tranh và ảnh đó như làm sống lại cả một thời kỳ oai hùng của dân tộc, là thành quả lao động nghệ thuật thậm chí được đánh đổi bằng cả xương máu của nghệ sĩ - chiến sĩ trên chiến trường.

Ấn tượng là bộ 5 tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử nhiếp ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: “Lửa thiêu máy bay Mỹ” (Hải Dương, năm 1967), “Nữ pháo binh Ngư Thủy” (Quảng Bình, 1968), “Xốc tới” (Đường 9 Nam Lào 1971), “Chống lầy đưa xe tăng vào trận” (Quảng Trị 1972) và “Đánh chiếm điểm cao 365”, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Mang chủ đề “Những khoảnh khắc để lại”, bộ ảnh tạo thành cụm tác phẩm hài hòa trải theo không gian từ Bắc vào Nam, theo thời gian từ những ngày đầu nghệ sĩ cầm máy cho tới lúc ông hy sinh. Theo nhận định của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, bộ ảnh khiến người trong nghề “giật mình”, khâm phục bởi sự lăn xả của đồng nghiệp. Trong đó, tác phẩm “Đánh chiếm cao điểm 365” được tác giả chụp tại chiến trường Quảng Trị, chỉ trước khi ông hy sinh 2 tháng là “tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt”.

Các tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là “gam màu” khác về chiến tranh, nhưng cũng không kém phần khốc liệt, trong đó có “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tạo lập phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, các tượng đài của Tạ Quang Bạo hầu hết có chung đề tài về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang; tinh thần nhân văn về hình tượng người chiến sĩ và sự khốc liệt của cuộc kháng chiến của dân tộc.

Hàng loạt tác phẩm từ chiến trường và hậu phương những năm tháng ác liệt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Thanh Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết hay hình ảnh tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh gần nửa thế kỷ trước của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Cấy, giúp công chúng cảm nhận chân thực những thời khắc lịch sử, với truyền thống đấu tranh bi hùng của dân tộc…

Bỏ sót nhiều tác phẩm giá trị

Dù đã 77 tuổi nhưng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn minh mẫn và tiếp tục sáng tác. Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này mang lại cho ông nhiều cảm xúc. Vui vì được ngắm lại tác phẩm của mình và đồng nghiệp, nhưng buồn vì nhiều người đã đi xa. Điều đó cũng có nghĩa nhiều tác phẩm, vì lý do nào đó chưa hoặc không thể công bố với công chúng yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Lê Lam lớn tuổi hơn, xuýt soát 90, vẫn đến xem lại các tác phẩm của bạn bè, đồng nghiệp. Họa sĩ được nhân dân miền Nam coi như ruột thịt, bởi dù sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, nhưng sáng tác của ông gần như cả đời xoay quanh chiến đấu anh dũng của nhân dân miền Nam. “Chúng tôi đi vào kháng chiến, cầm cọ, cầm máy sáng tác như một lẽ tự nhiên. Có quá nhiều hình ảnh cao đẹp của quân và dân ta xứng đáng được ghi lại, tôn vinh. Chỉ đó thôi cũng giúp chúng tôi sống lại những giây phút sáng tạo quên mình trong làn bom đạn giặc khi xưa” - họa sĩ Lê Lam chia sẻ.

Theo nhiếp ảnh gia chiến trường Chu Chí Thành - người được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012 - việc xét tặng giải thưởng 5 năm mới tổ chức một lần, nên cũng bỏ sót nhiều tác giả có tác phẩm giá trị. Vì một số tác giả đã mất, gia đình không có kinh nghiệm và sự hiểu biết cũng như thời gian làm hồ sơ xét tặng giải thưởng, ảnh hưởng đến việc tập hợp tác phẩm được sáng tác trong thời chiến. “Là đồng đội, chúng tôi cũng hỗ trợ hết mình quá trình tìm kiếm tác giả, tác phẩm, nhưng ngay cả tôi bây giờ muốn tìm lại nhiều bức ảnh của chính mình còn khó. Vừa qua, tôi cùng gia đình liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng tìm ảnh để làm hồ sơ, bức ảnh ở ngay trước mặt mà mất một tháng mới tìm ra, do qua năm tháng, nước ảnh, màu sắc đã thay đổi. Vì thế, muốn thực sự tìm lại được những tác phẩm có giá trị, cần người có tâm huyết, kiến thức”.

Theo Hồng Hà- ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng