Tạp chí Sông Hương -
Những mùa gió rát - Thổi qua những phận người
10:08 | 14/09/2018

Diệu Ái (31 tuổi) là một trong những tác giả trẻ hiện nay của Quảng Trị, đang nỗ lực không ngừng để dần khẳng định tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc yêu văn chương.

Những mùa gió rát - Thổi qua những phận người

Sau Mưa từ cõi tạm (truyện ngắn) và Bởi cuộc đời không có những giá như (tản văn), mới đây Diệu Ái vừa giới thiệu tập truyện ngắn thứ hai Những mùa gió rát (Phương Nam và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, ảnh). Với 15 truyện ngắn, tác giả Diệu Ái đã khắc họa lên những thân phận con người đặt trong không gian bối cảnh vùng đất Quảng Trị, bằng giọng văn tinh tế và giàu cảm xúc. Để viết được những truyện ngắn như vậy, đòi hỏi một đôi mắt quan sát và một trái tim thực sự rung động trước cuộc sống. 

Như một ám ảnh về vùng đất khắc nghiệt bởi thiên tai và chiến tranh, các nhân vật trong truyện ngắn của Diệu Ái cũng chất chứa rất nhiều nỗi buồn đau cùng những tiếng thở dài não nùng. Lửng lơ dưới tán bông gòn là câu chuyện về cái chết của người cha, để lại lớp mây mù cùng nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những người ở lại. Người chị trong Ngã ba nhà ngoại cũng mang trong mình không chỉ là ám ảnh mà còn là dằn vặt về cái chết của cậu em trai. Lại có những truyện, nhân vật ôm nỗi thương tổn, mất mát không từ cái chết, mà đôi khi là sự bơ vơ, quay quắt trong hành trình truy vấn về mình (Cháy từ đám cháy), hay nỗi đau hậu chiến vẫn còn dai dẳng trong lòng (Những mùa gió rát). 

Những mùa gió rát viết về những mất mát, những buồn đau của quá khứ lẫn hiện tại nhưng không nhuốm màu bi ai, mà đằng sau mỗi truyện ngắn lại lấp lánh sự thương cảm, sự chia sẻ và thấu hiểu. Đó giống như một mong muốn mà tác giả gửi gắm tới độc giả: “Cảm thông người đời dành cho nhau coi vậy chứ hiếm hoi lắm, càng thân thiết ruột rà lại càng khó trao đi. Nhiều người dễ tha thứ tội lỗi cho người xa lạ, còn người quen biết thiết thân bên mình thì ghim vào bụng, đôi bữa lấy ra nhắc lại để khuấy đục lòng nhau”(Lửng lơ dưới tán bông gòn). 

Với Những mùa gió rát, dù vô tình hay hữu ý, sẽ có người cảm thấy đâu đó chút dư vị từ văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, văn chương là thân phận về con người, đôi khi có những mối tương đồng giữa người này với người kia, cũng không phải là điều gây khó chịu. Chưa kể, Diệu Ái cũng đã có những nỗ lực đáng kể để tạo nên phong vị văn chương riêng khi mang vào trang sách những phương ngữ, thổ âm của vùng đất Quảng Trị.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng