Tạp chí Sông Hương -
Sự mộc mạc làm nên vẻ đẹp của ảnh Nguyễn Hữu Tuấn
09:34 | 19/09/2018

Khi bấm máy những bức ảnh chụp về cao nguyên đá Đồng Văn cách đây 20 năm, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn (ảnh) đã bước qua kỹ thuật để chụp thật bằng cảm xúc về con người, phong cảnh miền núi non. Cái đẹp trong những bức ảnh của ông là sự từ chối những gì hào nhoáng màu mè, tước bỏ những gì gọi là thừa thãi bên ngoài để đi sâu vào cốt lõi của hiên thực…

Sự mộc mạc làm nên vẻ đẹp của ảnh Nguyễn Hữu Tuấn
Chụp về người Mông, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn không sắp đặt hay dàn dựng

Những bức ảnh càng ngắm càng yêu

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn là một người con của Hà Nội, là anh trai của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Hữu Bảo. Ở vào những ngày thu Hà Nội năm 2018, ông đã vừa cho ra mắt người xem những bức ảnh đen trắng về cao nguyên đá Đồng Văn cách đây 20 năm, mang tên “Thư Đồng Văn”. Điểm thú vị là, những bức ảnh đó thoạt nhìn thì có vẻ lặng, nhưng lại cuốn hút người xem từ cái nhìn đầu tiên.

Nhưng các tác phẩm đen trắng được phóng rọi theo phương pháp thủ công ấy rất có duyên bởi chính sự mộc mạc, không cầu kỳ, hoa mỹ, chân thật của các bức ảnh về những người miền núi quanh năm chỉ làm bạn với mây mù, với những đỉnh núi cheo leo, và phải chắt chiu từng kẽ đá để tra từng hạt ngô mới chính là điều làm người xem lưu luyến, và mong muốn được đặt chân tới mảnh đất Đồng Văn dù chỉ một lần. 

20 năm trước, khi thực hiện bộ ảnh này, Nguyễn Hữu Tuấn chỉ muốn ghi lại cho riêng mình và kết hợp làm bộ phim “Thư Đồng Văn” theo giọng kể của một cô giáo lên vùng cao công tác. Có thể vì thế, các bức ảnh đen trắng của ông xuất hiện nhiều gương mặt trẻ thơ với ánh nhìn hồn nhiên và trong trẻo. Ông đã thay mặt cô giáo viết thư kể cho gia đình nghe về cuộc sống nơi Đồng Văn bằng những hình ảnh chân thực. 

Với hai sắc độ đen - trắng, ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn đã tước bỏ những gì màu mè, thừa thãi bên ngoài để đi sâu vào hiện thực. Nhưng điểm xuyên suốt trong những bức ảnh về con người và cảnh sắc nơi Đồng Văn là cái tình của người cầm máy và việc từ chối những kỹ thuật “nhà nghề” của một người quay phim lâu năm. Vì thế, các bức ảnh về Đồng Văn của ông thật như cuộc sống vốn có vậy. 

ảnh 2

Tiếp cận một Đồng Văn “nguyên bản” 

Việc chụp ảnh về cao nguyên đá sừng sững núi non cách đây 20 năm của nhà nhiếp ảnh này là một câu chuyện khá thú vị. Trong chuyến công tác lên miền núi dạy quay phim năm ấy cũng là lần đầu tiên ông được đặt chân tới miền núi non hiểm trở. Và ông đã lập tức bị thu hút với cảnh sắc và con người nơi đây. Ông bảo, cứ sau mỗi giờ dạy, có thời gian rỗi, ông lại cùng chiếc máy ảnh nhỏ gọn theo chân nhóm bạn đi chơi. Ngày đó, ít người lên Đồng Văn theo lối đi “phượt” nên ông là người đã ghi trọn cảnh sắc Đồng Văn “nguyên bản” cách đây vài chục năm. 

Cái cách mà Nguyễn Hữu Tuấn tạo nên bộ ảnh thì rõ là lối chụp của một người nghệ sỹ lang thang, tìm kiếm cái đẹp. Nhưng cái khác lại ở chỗ, ông không tác động vào cảnh vật mà đứng từ xa quan sát, thích thì cầm máy ảnh lên bấm máy. Chính vì thế, đạo diễn Đặng Nhật Minh khi xem ảnh của ông đã nhận xét: “Có cảm tưởng như đứng trước vẻ đẹp của đời sống Nguyễn Hữu Tuấn luôn rụt rè, thận trọng. Bởi cái đẹp nào cũng mong manh dễ vỡ, anh không muốn thô bạo chiếm lĩnh nó làm của riêng mình. Anh chỉ rón rén ghi nhận lại nó cho chúng ta mà thôi. Đó cũng là một nét đặc trưng trong giọng điệu của Nguyễn Hữu Tuấn, một giọng điệu lặng lẽ, khiêm nhường, ẩn mình sau hiện thực mà anh quan sát và ghi nhận được ống kính của mình”.

Còn Nguyễn Hữu Tuấn lại có cách lý giải riêng. Ông chia sẻ, người Mông ít nói nên ảnh của ông không ồn ào. Ông chụp những hình ảnh bình thường nhất, vào những lúc không có gì gay cấn. Ảnh của ông không có cao trào, thậm chí không có cả những động tác sống động. Ông cũng không cố công tìm cái “sự lạ” trong phong tục tập quán của người Mông. 

Đặc biệt, “Tôi không muốn nhìn soi mói vào đời sống của họ, nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của người thành phố khi đến vùng đất xa xôi này. Tôi coi thái độ đó làm tổn thương đến bản sắc văn hóa dân tộc, rất bất lịch sự. Tôi không ngu dại gì mà sắp đặt lại cuộc sống để chụp ảnh vì đơn giản không gì tự nhiên, đẹp đẽ bằng sự sống diễn ra quanh ta” - nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Tuấn nói. 

Và để khẳng định cho sự ra đời của các cuộc triển lãm tiếp theo, nhà nhiếp ảnh này cho biết, ngoài yêu thích Đồng Văn, ông còn thích Bắc Sơn, Trùng Khánh hay còn nhiều nơi khác nữa. Cũng có thể sau này, ông sẽ trưng bày ảnh về những vùng đất đó. “Nói chung, tôi thích vùng núi phía Bắc, đi mãi chưa bao giờ thấy chán” - Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định.

Theo Phạm Thu Hương - ANTĐ

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng