Tạp chí Sông Hương -
Kỳ vọng thế hệ trẻ
15:37 | 24/09/2018

Đối với làng nghề truyền thống tò he Xuân La, lớp nghệ nhân trẻ đang được kế thừa kỹ thuật, trao truyền bí kíp. Theo nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu, các câu lạc bộ tại làng đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của làng nghề tò he duy nhất tại Hà Nội.

Kỳ vọng thế hệ trẻ
Các em nhỏ tập nặn tò he

Nuôi dưỡng tài năng trẻ

 Nghệ nhân tò he được ví như nghệ sĩ biểu diễn tạo ra những thành phẩm tinh xảo. Thế nhưng, gần như suốt quá trình làm nghề họ phải lang thang khắp nơi để phô diễn tài năng và đáp ứng nhu cầu kinh tế. Vì vậy, sự linh động của nghề tò he vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm khiến những người muốn theo nghề nếu không đủ đam mê sẽ khó tránh khỏi băn khoăn.

Những năm gần đây, khi các món đồ chơi truyền thống bắt đầu được người dân quan tâm trở lại trong giáo dục nhận thức cho trẻ nhỏ, cũng là lúc nghề nặn tò he có đất sống hơn, đặc biệt trong dịp Trung thu. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, những người làm nghề tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội đã tất bật chuẩn bị để “theo chân” các sự kiện được tổ chức tại công viên, khu trung tâm thương mại, nhà hát hoặc bảo tàng…

Nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu, làng nghề tò he Xuân La, chia sẻ, một trong những hoạt động hấp dẫn, bổ ích mà nhiều phụ huynh, trẻ em quan tâm hiện nay chính là được tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn làm ra sản phẩm thủ công truyền thống như nặn tò he, làm đèn ông sao, vẽ mặt nạ, làm diều giấy… “Nhiều năm rồi, tôi cùng các nghệ nhân trẻ tại Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he Xuân La được mời đến trường học, bảo tàng, khu trung tâm thương mại… các em nhỏ vào dịp Tết Trung thu. Chúng tôi cũng thường xuyên tham gia huấn luyện cho các tình nguyện viên, dạy họ biết cách để nặn những con tò he đơn giản, món đồ chơi quen thuộc với hầu hết trẻ em Việt Nam”.

Kể từ khi làng nghề Xuân La thành lập Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống tò he (năm 2009), đến nay đã có 120 hội viên, bao gồm các thợ nặn và nghệ nhân tiêu biểu. Với việc mở rộng thị trường trong nước, sang cả Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nghệ nhân và thợ nặn có tay nghề cao đã được mời đi nước ngoài biểu diễn, tăng thêm cơ hội nghề nghiệp và phát triển tay nghề.

Đa dạng mẫu mã

Theo tâm sự của anh Đặng Văn Hậu: “So với những năm trước, nghề nặn tò he đang dần phục hồi, mang lại kinh tế cho người dân. Thu nhập của một thợ nặn bình thường là 200 - 300 nghìn đồng/ngày, cao hơn làm nông nghiệp. Với tò he, chỉ cần chịu khó đi đến các điểm bán là người thợ có thu nhập ổn định”.

Thế nhưng để có được thu nhập như vậy, những người thợ phải sáng tạo trong nghề, khéo léo trong các mối quan hệ để có thêm đơn hàng từ khách trong nước và nước ngoài với lợi nhuận cao hơn, thậm chí được mời sang các nước biểu diễn. Bên cạnh đó, người thợ ngoài phát huy những mẫu nhân vật thường thấy của tò he, còn làm thêm các loại hình khác như tranh truyền thống được làm từ bột tò he, hình rồng, thú, linh vật có kích thước lớn…

Ngoài thu nhập từ bán sản phẩm, các nghệ nhân còn nhận dạy và truyền nghề cho những ai thực sự yêu thích, đam mê. Học trò của họ đến từ nhiều nơi. Mỗi khóa học kéo dài 6 tháng, khóa cấp tốc là 20 ngày.

Mở rộng thị trường

Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống nói chung, nặn tò he nói riêng, luôn là câu hỏi bức thiết trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bởi nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm và tạo giá trị kinh tế nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đối với làng nghề truyền thống tò he Xuân La, lớp nghệ nhân trẻ đang kỳ vọng kế thừa được những kỹ thuật, bí kíp của cha ông. Theo anh Hậu, Câu lạc bộ đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. “Đây là yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển mang lại lợi nhuận kinh tế. Đối với thị trường trong nước, chúng tôi đa dạng hình thức tiêu thụ sản phẩm; phát triển làng nghề gắn với du lịch… Đối với một số thị trường nước ngoài, Câu lạc bộ đang tìm cách tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược thị trường…”.

“Trong bối cảnh xã hội hiện nay, mỗi làng nghề ngoài mục tiêu phát triển kinh tế riêng biệt, phát huy vốn tự có, rất mong có được sự ủng hộ, quan tâm, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đây là điều kiện cần để đẩy nhanh quá trình phát triển đó”, anh Hậu cho hay.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng