Tạp chí Sông Hương -
Hòa điệu chung - riêng
15:53 | 27/09/2018

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội và văn hóa xứ Đoài từ xưa đến nay đều gắn bó mật thiết, có giá trị tương tác và bổ sung hữu cơ cho nhau. Việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội đã tạo nên thế mạnh tổng hợp của nền văn hóa chung, cao hơn, sâu hơn, lớn hơn.

Hòa điệu chung - riêng
Sau 10 năm sáp nhập, văn hóa xứ Đoài đã làm giàu thêm văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Từng bước hòa đồng

Có thể thấy, Thăng Long - Hà Nội và xứ Đoài, hai vùng đất có nền văn hóa mang tính riêng nhưng cũng mang tính chung do cùng là vùng đất cổ thuộc trung tâm châu thổ Bắc Bộ. Văn hóa hai vùng còn giao thoa do vị trí địa lý sát cạnh nhau và địa lý hành chính nhiều lần thay đổi. Sự giao thoa về địa lý, lịch sử, chính trị và hoạt động con người của hai vùng khiến cho sắc màu văn hóa của hai vùng thêm rực rỡ, đa dạng và hấp dẫn. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính ra hết Hà Tây, đã tạo nên hai vùng văn hóa liền kề: Thăng Long và xứ Đoài (một phần đất Sơn Nam Thượng) là các vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn bó, hỗ trợ cho nhau, mở ra nhiều sắc thái phong phú, đa dạng hơn cho văn học nghệ thuật.

Nhận định sau 10 năm văn hóa xứ Đoài sát cánh cùng văn hóa Thăng Long, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, nhìn chung, khi các nền văn hóa lớn, do điều kiện lịch sử khác nhau, giao lưu - tương tác - hấp thụ - thẩm thấu vào nhau, dẫn tới hệ quả, tiếp cận văn hóa sau đó đến tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên, đó là nói tới các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau và có mức độ giao lưu, tương tác rồi hấp thụ và thẩm thấu trường kỳ cũng phải đến hàng trăm năm. Còn trường hợp Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội để có Hà Nội mở rộng hôm nay, mới chỉ 10 năm, và trước đó vốn cùng một nền văn minh Đại Việt, cùng một gốc gác tự Vua Hùng và đều là các nhánh văn hóa lớn trong nền văn minh sông Hồng, thì mức độ tác động và ảnh hưởng đến nhau không quá lớn và không gây nên bất cứ cú “sốc văn hóa” nào. Trái lại, nó vẫn là một dòng chảy hiền hòa, thanh bình, từng bước hòa nhập vào nhau, hòa đồng để tạo nên một nền văn hóa đồng bộ trên tổng thể. Đó là văn hóa của Thăng Long - Hà Nội mở rộng ở vị thế một Thủ đô của toàn dân tộc.

Cộng hưởng nhưng giữ bản sắc

Có thể thấy, trong quá trình sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, tinh hoa của mỗi vùng đất đều được phát huy và cộng hưởng sang vùng đất kế cận, không có hiện tượng áp đảo của vùng văn hóa này với vùng văn hóa khác. GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, văn hóa xứ Đoài chiếm một vị trí đáng kể trong Thăng Long xưa cũng như Hà Nội nay. Xứ Đoài gần Hà Nội và trở thành một phần của Hà Nội từ lâu đời. Khi hội nhập vào văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài đã góp cho kho tàng văn hóa dân gian Thăng Long thêm dày dặn và phong phú hơn rất nhiều, với lễ hội dân gian, hệ thống làng nghề, ẩm thực xứ Đoài, các loại hình nghệ thuật dân gian, và đặc biệt là nghệ nhân dân gian - các báu vật nhân văn sống... Vấn đề còn lại là làm sao trong lòng Thủ đô hiện đại văn minh hiện nay, bản sắc văn hóa xứ Đoài phải luôn được giữ gìn và coi trọng, đó chính là nhiệm vụ của những người làm văn hóa hôm nay.

Còn theo nghệ sĩ Cao Minh, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, sự hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, ngoài vấn đề bổ sung đội ngũ nghệ sĩ, còn tạo ra vùng không gian, địa lý, cảnh quan con người, cuộc sống vô cùng phong phú, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chính đối tượng khám phá của nhiếp ảnh, đề tài vô tận của nhiếp ảnh Hà Nội trên con đường sáng tạo. NSND Lê Ngọc Canh, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cho rằng: “Sự mở rộng địa giới hành chính góp phần làm phong phú văn hóa nghệ thuật của người Hà Nội. Môi trường là cơ sở, là cội nguồn sáng tác của hình thái múa và các loại hình văn hóa nghệ thuật”. Qua nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu múa cổ Thăng Long - Hà Nội, ông đã thu thập được khá nhiều điệu múa cổ tồn tại trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng: Múa sư tử làng Đa Sỹ, Hà Đông; múa Vật làng Cát Quế, huyện Hoài Đức, múa hát chèo Tàu làng Tân Hội, Hoài Đức, Múa Chuông tộc người Dao, Ba Vì...

Bên cạnh sự cộng hưởng, nhà văn Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng kể ra một số thách thức trong điều kiện Hà Nội mở rộng, đặc biệt là nguy cơ nhòa lẫn. Hai vùng văn hóa Hà Nội và Hà Tây cũ tuy nằm trong vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nhưng có những sắc thái rất khác nhau. Nếu văn hóa Hà Nội xưa là văn hóa kinh kỳ, văn hóa kẻ chợ, thì văn hóa Hà Tây mang đậm dấu ấn của những người lao động chất phác. Nó như hai màu mực khác nhau, đem pha tất nhòa lẫn. Do đó, mỗi hội chuyên ngành cần có đề án phù hợp, nhằm điền dã, điều tra, lưu giữ đầy đủ nhất về mặt tư liệu cũng như nghệ thuật, những di sản văn hóa truyền thống không chỉ của Hà Tây cũ, mà cả trong nội thành Hà Nội, đánh giá đúng thực trạng, giá trị của chúng. Bên cạnh đó, phát hiện những xu hướng tiếp biến văn hóa, cổ vũ cho những xu hướng tích cực, hiện đại, phù hợp với truyền thống.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng