Từ góc nhìn của nhà quy hoạch, Giám đốc SLAB, Đại học Nam California (Mỹ), GS. Annette Kim cho rằng, vỉa hè đa chức năng là một phần tạo nên thành phố sôi động, bền vững, đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng.
Quá trình đô thị hóa đồng nghĩa với sự phát triển của người nhập cư. Qua nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, người nhập cư sử dụng không gian công cộng khắp nơi, do đó mọi người có thể nhận thấy không gian công cộng với nhiều hình thức khác nhau. Khi thành phố càng trở nên đông đúc, không gian công cộng cũng phải biến đổi để phù hợp với sự phát triển. Ví như New York biến vỉa hè thành nơi để người dân thư giãn, ăn uống, giao lưu và mua bán.
Tại Việt Nam, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng định hướng quy hoạch vỉa hè theo hướng phát triển du lịch với ý tưởng tạo đường bộ hành tại khu trung tâm. Ở đó vẫn cho phép hoạt động bán hàng rong nhưng theo sự quản lý của chính quyền để tạo không gian gần gũi. Theo kết quả phỏng vấn khách du lịch trong đợt khảo sát cho dự án Đề xuất tuyến đi bộ trong trung tâm TP Hồ Chí Minh của SLAB, GS. Annette Kim cho biết, khoảng 40% khách du lịch rất thích thú với cuộc sống nhộn nhịp, đa dạng trên vỉa hè và không gian công cộng tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều du khách Nhật Bản hay Trung Quốc đều cảm thấy tiếc nuối khi đất nước họ thay đổi, hiện đại hóa, làm mất đi những hoạt động, không gian gần gũi như vậy. Theo GS. Annette Kim, Việt Nam đang ở giai đoạn hiện đại hóa, nên quan trọng cần xem xét việc cần xóa bỏ hay giữ lại điều gì. Những hoạt động giúp du khách tương tác nhiều trên vỉa hè là hình ảnh đẹp, cần được duy trì. Bên cạnh đó, vỉa hè cũng là nơi có thể giúp rất nhiều người kiếm sống, và mang lại lợi ích cho xã hội.
GS. Annette Kim là chuyên gia về thị trường nhà đất và chính sách đất đai, nên bà rất hiểu mức đô thị hóa chóng mặt và di cư ồ ạt ở Việt Nam. Cùng sự quan tâm đặc biệt tới văn hóa bán hàng rong và chợ đêm ở châu Á, GS. Annette Kim nhận thấy, rất nhiều hoạt động của con người diễn ra trên hè phố. Khảo sát nhiều lần tại TP Hồ Chí Minh, lối đi bộ được sử dụng một cách rất tích cực, nhiều hoạt động tại vỉa hè như mua bán, ăn uống, đỗ xe diễn ra nhộn nhịp, đan xen nhau và mọi người đều có khả năng chia sẻ không gian chung. Chính vì vậy, tuy kiến nghị trong dự án Đề xuất tuyến đi bộ trong trung tâm TP Hồ Chí Minh của SLAB không được đồng thuận và thực hiện, GS. Annette Kim vẫn cho rằng, việc làm bản đồ theo cách mới dựa trên yếu tố con người và những hoạt động thực tế cuộc sống mang tính thời điểm sẽ đưa ra góc nhìn mới mẻ về không gian công cộng. Qua đó, câu chuyện vỉa hè cần được hiểu một cách linh hoạt hơn.
Theo GS. Annette Kim, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nền kinh tế phi chính thức có thể tạo ra việc làm cho 30% dân số, và là nguồn cung ứng thực phẩm quan trọng. Bên cạnh đó, những hoạt động trên vỉa hè đã là một phần tự nhiên của nền kinh tế Việt Nam. Buôn bán trên hè phố là cách con người ở đây đã làm trong hơn 100 năm qua. Do đó, việc buôn bán trên vỉa hè đã được chấp nhận một cách tự nhiên trong xã hội, khác với các quốc gia khác nơi kinh tế vỉa hè không có vai trò đáng kể. Điều đặc biệt ấn tượng với GS. Annette Kim khi tham gia Ban Giám khảo Cuộc thi Quy hoạch khu trung tâm hiện hữu của TP Hồ Chí Minh là ở Việt Nam, các tầng lớp cư dân khác nhau với mức thu nhập khác nhau có thể quây quần và cùng tham gia các hoạt động trên vỉa hè. Vì vậy, GS. Annette Kim cho rằng, về mặt xã hội, ở Việt Nam, nền kinh tế vỉa hè đã được chấp nhận và có tính chính đáng của nó.
“Tôi nhận thấy rằng, khi hiểu vỉa hè là không gian đô thị có thể biến đổi theo thời gian như vậy hoàn toàn có thể sáng tạo linh hoạt, hiệu quả trong thiết kế của người làm kiến trúc. Và Việt Nam là đất nước có thể chế xã hội cho phép việc chia sẻ không gian vỉa hè, đây là sự đối lập với thế giới khi mà xu hướng tranh giành sử dụng không gian chung luôn diễn ra”, GS. Annette Kim nhận định.
Theo An Yên - ĐBND