VŨ ĐẢM
Bị xích chân, vướng víu và khó chịu, thằng Muôn không hề phản ứng, trong cái đầu ngơ ngẩn của nó, vẫn còn một phần giúp nó nghĩ đến mẹ với tình thương mãnh liệt...
Tiếng khóc thét lên, giãy đành đạch giữa đêm khuya của đứa bé làm náo loạn cả đại gia đình cụ Phấn. Cụ Phấn ông tuy đã gần 80 tuổi, tay phải chống gậy rồi nhưng lại là người đầu tiên đến bên giường đứa bé để cùng bố mẹ nó dỗ dành cháu. Một lúc sau, các bác, các anh chị của đứa bé ở quanh đó cũng lục tục đến. Người ta tìm đủ mọi cách để làm cho đứa bé nín khóc, từ những lời nịnh nọt đến những hành động cụ thể như ra vườn vặt cam, mò lên chuồng gà bắt con gà con kêu chiếp chiếp, phóng xe máy ra phố huyện mua kẹo, bánh đưa cho nó nhưng đứa bé vẫn hất hết đi, đuỗn người khóc to hơn. Tiếng khóc của nó chẳng những phá tan giấc ngủ của người lớn mà còn khua cả những đứa trẻ trạc tuổi nó thức dậy. Chúng cũng ọ oẹ khóc, nhưng chỉ được vài tiếng, sau mấy cái vát vào đít hay sau tiếng quát của bố mẹ: Mày có câm mồm đi không thì bảo thì hết thảy đều câm bặt và chỉ một lúc sau chúng lại lăn ra ngủ, lãng quên cả tiếng khóc đã làm chúng thức giấc.
Trong gian nhà của cụ Phấn giành riêng cho vợ chồng Thực, đứa bé vẫn khóc, mọi người tiếp tục dỗ dành nó. Đứa bé càng khóc to, người ta càng tỏ ra xót xa, thương cảm, không hẳn cho nó mà chỉ cốt để lấy lòng cụ Phấn và bố mẹ nó. Có cảm tưởng như ai đó làm cho đứa bé nín khóc, cụ Phấn và bố mẹ nó sẵn sàng móc túi ra bạc triệu để trả công. Một trăm ngàn đã là quá to, đủ cả một gia đình sống một tháng đằng này lại những một triệu! Số tiền quá lớn, nếu rơi vào tay chị cả, chị sẽ đong ngay ngót tấn thóc; vào tay chị Tư, chị sẽ sửa sang lại cái chuồng lợn bị đổ và thả vào đó một con lợn nái để nó sinh sôi nảy nở!
Ấy là nghĩ vậy thôi chứ chắc gì vợ chồng Thực dám bỏ ra dăm chục ngàn! Tiếng là giàu có nhưng vợ chồng Thực kẹt lắm. Tiền nuôi bố gửi về cho chị Mùi hàng tháng, vợ chồng Thực tính chi ly đến từng mớ rau muống. Dăm thì mười họa hai vợ chồng mới về quê nhưng chả khi nào cho các chị, các cháu được lấy bộ quần áo ra hồn. Toàn quần áo hàng thùng bán đầy rẫy ở các vỉa hè Hà Nội, vợ chồng Thực mua về làm quà! Biết là hàng Si- đa đấy nhưng mới khi nghe vợ Thực ngọt ngào: Nhà em mới đi công tác ở nước ngoài về, có bộ quần áo tặng chị, tặng cháu là ai nấy đều hăm hở để làm vui lòng vợ chồng Thực.
Chả phải đến tận bây giờ, những người chị của Thực mới biết chẳng bao giờ nhờ vả được gì vào cậu út mà ngay từ khi Thực còn là đứa trẻ hay đái dầm trên lưng các chị, họ đã hiểu rằng Thực là một con người ích kỷ và hiếu thắng. Bất cứ cái gì Thực muốn, các chị đều phải làm theo, nếu không Thực chỉ cần lăn ra đất ăn vạ là cụ Phấn lại gầm lên: Con chết trôi, chết dịch kia, mày trông em thế hả!. Thực là đứa con nối dõi tông đường, Thực phải được hưởng tất cả những quyền lợi đặc biệt, đó là lời dậy bảo quan trọng mà cụ Phấn thường xuyên nhắc nhở vợ và sáu người con gái. Trong cuộc sống hằng ngày, lời chỉ giáo này của cụ Phấn được thực hiện một cách triệt để. Sáng sáng khi các chị chỉ được hưởng định mức mỗi người ba củ khoai lang để lấy sức đi nhổ mạ, đi cấy, gánh phân, vạc bờ, cuốc góc thì Thực lót dạ hai bát cơm nóng với cá bống kho rồi đi đánh đáo, chơi diều. Bữa trưa và tối, các chị ăn cơm với rau muống luộc, mắm tép kho mặn thì Thực ăn thịt nạc rim với nước mắm. Như một thói quen cố hữu, sự cung phụng và nhường nhịn của những người chị cho đến tận bây giờ, khi mà Thực đã giàu có, đã công thành danh toại vẫn không mất đi. Mỗi lần về quê, mời cơm vợ chồng Thực, con gà giết ra, bao giờ họ cũng giành cho Thực cặp đùi đã lột da - món ăn mà Thực ưa thích nhất.
Từ lúc lọt lòng mẹ, Thực là con người của sự an nhàn, sung sướng. Khi còn sống với bố mẹ, Thực được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Khi bước ra xã hội, Thực có biệt tài nịnh hót hơn người nên con đường công danh cứ lên như cánh diều no gió ngày nào Thực hay thả ở cánh đồng xóm bãi. Nhưng mà đời cũng công bằng lắm, chẳng cho ai hết hạnh phúc cũng chẳng làm ai toàn bất hạnh bao giờ, Thực sung sướng về bản thân nhưng đường con cái lại gian nan lận đận. Lấy vợ từ năm hai lăm tuổi, mãi đến năm bốn bảy Thực mới được mụn con trai. Vợ chồng Thực vui mừng khôn xiết, mở tiệc ăn mừng suốt hai ngày liền. Đứa bé hay ăn, chóng lớn, được nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt còn hơn cả ngày xưa mà bố nó được hưởng. Hạnh phúc của vợ chồng Thực kéo dài được gần hai năm, đúng lúc đứa bé biết nói, biết đi thì đâm ra khó tính khó nết. Đêm đêm đứa bé hay thức giấc khóc giẫy lên đành đạch như bị ma làm, không ai có thể thí được, chỉ đến khi kiệt sức nó mới tự nín và chìm vào giấc ngủ. Đứa bé đang hồng hào béo tốt, sau mười ngày, tiều tụy đến thảm hại. Vợ chồng Thực bàn nhau bế con quê hy vọng không khí trong lành của làng quê sẽ làm đứa bé khỏi bệnh quấy khóc.
Đêm nay, đêm đầu tiên của đứa bé ở quê, đi đường xa, nó mệt và ngủ ngay từ chập tối, mọi người đều hồi hộp chờ đợi, ai cũng cầu mong cho nó ngủ một mạch đến sáng nhưng than ôi, đúng một giờ mười lăm, nó đạp hai chân mấy cái rồi khóc thét lên, gần một tiếng dỗ dành rồi, ai nấy đều lắc đầu bất lực. Bỗng huỵch! Cái thân hình cao to của thằng Muôn con chị cả Mùi đổ đánh huỵch xuống chiếc giường trải đệm ga trắng muốt của vợ chồng Thực mới mua hồi chiều. Thằng Muôn, mắt trợn ngược, chân tay co giật liên tục, mép sùi đầy bọt. Chị Mùi chạy lại chỗ thằng Muôn, lấy khăn lau nước dãi cho con, miệng sợ hãi:
- Con ơi! Sao lại ngã ra giường cậu thế này hả con ơi!
Vợ Thực trông thấy đám nước dãi của thằng Muôn chảy lều phều ra ga, mặt mày cau có, liếc xéo chồng một cái rất nhanh. Thực sa sầm mặt, miệng tru lên:
- Hừ động kinh. Lại động kinh! Sao chị không kiếm cái xích mà xích chân nó lại!
Chị Mùi nghe Thực nói, lòng quặn lên đau nhói, chị nói với Thực như van xin:
- Cậu ơi! Cháu nó lỡ rồi, sáng mai tôi sẽ giặt đền cậu. Số nó khổ nên mới bị bệnh chứ ai muốn vậy cậu ơi!
- Không xích nó lại - Tiếng cụ Phấn hổn hển - Thì cũng có ngày nó lộn cổ xuống ao chết mất xác thôi!
Sau lời cụ Phấn, nhiều tiếng ồn ào nổi lên ủng hộ sáng kiến của Thực và cụ Phấn. Đâu chỉ có đại gia đình cụ Phấn mà cả làng, cả xã này ai chả biết đến bệnh động kinh của thằng Muôn. Cứ hai, ba ngày là thằng Muôn lại lăn ra ằng ặc. Vào mùa hè, trời nóng nực có khi ngày mấy bận.Vì bố mẹ phải xuôi ngược kiếm cái ăn, các em phải đi học, đi làm đỡ đần bố mẹ, không có ai trông giữ, mấy lần thằng Muôn lên cơn ngã xuống ao nhưng số nó chưa chết, mỗi lần ngã xuống ao đều có người nhìn thấy vớt lên. Không ai phát ngôn thành lời, song trong ý nghĩ mọi người, thằng Muôn coi như đã chết, vì thế có xích chân hay nhốt thằng Muôn lại cũng chẳng sao!
Cơn động kinh của thằng Muôn đang vào lúc cao trào, cái giường của vợ chồng Thực rung lên, làm rớt cả chăn và gối. Vợ Thực không nhịn được nữa, bế đứa bé đang khóc ngằn ngặt đi lại định nhặt chăn và gối ném lên mặt bàn thì tự dưng đứa bé nín khóc, tròn hai mắt nhìn thằng Muôn. Trong lúc thằng Muôn đang đau đớn vì những cơn co giật thì đứa bé thấy thích thú trước cái trò mà nó chưa bao giờ được chứng kiến! Nó chỉ tay về phía thằng Muôn và nhoẻn miệng cười. Mọi người hân hoan cười theo. Cụ Phấn bảo:
- Thằng động kinh hôm nay được việc, giỏi, giỏi lắm!
Đó là lời khen duy nhất mà cụ Phấn dành cho thằng Muôn - đứa cháu ngoại mà cụ chối bỏ từ khi nó còn nằm trong bụng mẹ. Năm chị Mùi mười chín tuổi, chị yêu một người con trai xóm trại, cụ Phấn tuyên bố từ mặt nếu chị không chấm dứt quan hệ với thằng con hoang không cha đó. Vì quá yêu chị Mùi liều có thai trước để buộc cụ Phấn vào thế đã rồi. Cụ Phấn uất ức lắm nhưng cơ sự đã thế, không cho cưới, dân làng biết được sẽ làm ô nhục danh giá gia đình. Khi thằng Muôn ra đời, cụ coi nó là nguyên nhân gây nên tội lỗi, cụ hắt hủi xa lánh nó. Chị Mùi biết rõ điều này, khi thằng Muôn đã lớn, chị thường khuyên con ít sang nhà ông ngoại, nhưng thằng Muôn động kinh, người dở dở ương ương nào có biết được nguyên nhân, phùng má, trợn mắt quát lại mẹ: Mẹ không yêu ông ngoại thì để con yêu, đừng có mà dở hơi!. Giờ đây người mẹ dở hơi của nó khi nghe cụ Phấn khen nó được việc thì lòng rộn rạo một niềm hân hoan.
Đêm hôm sau công trạng của thằng Muôn lại được ghi nhận, khi vào tầm một giờ kém năm, đứa bé lại giật mình khóc thét lên. Mọi người có mặt tại nhà cụ Phấn đêm qua lục kéo đến trừ có thằng Muôn vẫn nằm kéo gỗ ò ò ở bên nhà. Dỗ dành không được, anh con rể thứ ba rẽ mọi người ra bảo:
- Để tôi thử làm thằng Muôn xem nào!
Nói xong, anh từ từ nằm ra nhà, chân tay cào cào vào không khí như thể mình đang lên cơn động kinh. Trong kịch trường, các diễn viên có thể hoá thân vào các nhân vật một cách xuất sắc, khiến người xem tưởng như thật nhưng họ phải có tài, trải qua khổ luyện. Trong cuộc đời, kẻ này có thể lập vai kẻ kia y như bản sao nhưng phải biết giỏi mưu mẹo. Đằng này anh con rể của cụ Phấn chỉ có biết cày, cuốc, cơm no bò cưỡi nên nhập vai thằng Muôn quá gượng gạo, đến nỗi các đạo diễn vây xung quanh phải chỉ đạo toáng lên:
- Chân tay giật mạnh vào!
- Ối giời ơi! Động kinh gì mà mắt lại nhắm tịt thế kia? Trợn lên, trợn lên!
- Miệng cũng phải giật, phải méo mó vào! Vợ Thực bế đứa bé lại, nó nhìn người dưới đất một lúc, nín được một tý rồi lại lăn ra khóc.
Bỗng cụ Phấn nói như ra lệnh:
- Thằng động kinh! Đưa thằng động kinh đến xem thế nào!
Chị Mùi tất tả chạy về nhà lôi thằng Muôn đến. Mắt nhắm, mắt mở, thằng Muôn cau có nhìn mọi người. Không thể bắt thằng Muôn lên cơn động kinh thật được, ai nấy đều giục giã thằng Muôn làm động kinh giả để cho cho đứa bể nín khóc như đêm qua. Thằng Muôn ngượng ngùng lắc đầu, nó chưa làm thế bao giờ. Mọi người lại giục, nịnh hót thằng Muôn, mẹ nó van lơn, chắp hai tay lậy nó như tế sống. Vì thương đứa trẻ và thương mẹ, thằng Muôn chấp nhập vai động kinh. Không làm theo kiểu từ từ nằm xuống như anh con rể thứ ba của cụ Phấn, thằng Muôn đang đứng, ngã đánh huỵch xuống nền nhà, người giật lên đùng đùng. Chẳng biết có phải do cái bệnh động kinh đã ngấm vào máu thịt hay vì thương đứa bé, thương mẹ mà thằng Muôn vào cuộc thành công đến nỗi đưa bé cười lên như nắc nẻ. Mọi người hân hoan, vỗ tay reo lên: Giỏi lắm! giỏi lắm!. Thực cầm tay cụ Phấn kéo lại cửa sổ nói nhỏ.
- Con sẽ đưa thằng Muôn lên thành phố!
- Để chữa bệnh khóc cho thằng bé hả? - Cụ Phấn ranh mãnh nói - Được, tôi sẽ bảo con mẹ nó nhưng anh nhớ nói là đưa thằng Muôn lên đấy chữa bệnh động kinh chứ đừng nói…
- Con có ngu đâu - Thực cắt ngang lời - mà nói ra sự thật.
Sáng hôm sau đích thân cụ Phấn dẫn Thực sang nhà con gái bảo gửi thằng Muôn lên thành phố cho vợ chồng Thực chữa bệnh, chị Mùi tái mặt, chị biết chẳng bao giờ vợ chồng Thực hảo tâm đến mức đưa cháu lên ở với mình để chữa bệnh cho cháu. Thằng Muôn lên đó, chỉ là thứ thuốc sống chữa cái bệnh khóc đêm của đứa bé, con vợ chồng Thực mà thôi. Thằng Muôn tuy bị động kinh, dở người nhưng lại là đứa con mà chị thương yêu nhất trong bốn người con của chị. Mỗi lần đi chợ về, chị đều mua dấm dúi cho nó khi tấm bánh nếp, lúc thì quả chuối tây to như cái bắp tay. Những lúc thằng Muôn lên cơn động kinh, chị ngồi cạnh lau nước dãi cho con, đôi mắt nhòe lệ. Phải xa con để nó lên sống lạc lõng một mình trong ngôi nhà sang trọng của cậu nó ư? Không thể thế được, thiếu tình mẫu tử, thằng Muôn có thể không bị chết vì bệnh động kinh mà sẽ chết bằng sự lợi dụng, ngược đãi của vợ chồng Thực. Chị từ chối thiện ý của vợ chồng Thực. Cụ Phấn gầm lên, cụ bảo nếu không cho đi để chữa tiệt cái bệnh động kinh, lỡ ngộ nó chết ở đầu đường, xó chợ, người ta lại chả bôi tro trát trấu vào mặt cụ. Nếu không cho đi cụ cứ lao đầu xuống giếng chết quách đi cho thiên hạ khỏi ỉa vào mặt cụ! Vì sợ cụ Phấn tự vẫn, chị Mùi đành nén nỗi đau để vợ chồng Thực đưa thằng Muôn đi.
Lên thành phố, thằng Muôn ở chung căn phòng với bà Thoại, người đàn bà mà vợ chồng Thực thuê để cơm nước, giặt giũ quần áo. Để phòng thằng Muôn động kinh nhổ nước bọt vào đồ dùng, trang thiết bị trong gia đình, vợ chồng Thực bảo bà Thoại xích chân thằng Muôn vào chân giường bằng đoạn dây xích mà trước đây vợ chồng Thực vẫn xích chó Nhật. Bị xích chân, vướng víu và khó chịu, thằng Muôn không hề phản ứng, trong cái đầu ngơ ngẩn của nó, vẫn còn một phần giúp nó nghĩ đến mẹ với tình thương mãnh liệt. Mẹ bảo nó lên ở nhà cậu, cậu mợ sai bảo gì phải vâng lời, không được cãi lại. Nó đã gật đầu, như một sự thỏa ước. Và trong ý nghĩ của thằng Muôn, việc để cậu xích chân có nghĩa là nó đã thực hiện thỏa ước với mẹ. Cũng như đêm đêm thằng Muôn phải nhập vai động kinh một cách xuất sắc, có nghĩa là nó đã thực hiện thỏa ước với mẹ. Bệnh khóc đêm của đứa bé giảm đi rõ rệt, sau hai tuần từ ngày có thằng Muôn, nửa đêm thức giấc, không cần phải thấy thằng Muôn giẫy lên đành đạch mà chỉ cần nhìn thấy thằng Muôn ngồi bên cạnh, tay chân khua khoáng mấy cái là đứa bé nhoẻn cười. Và một lúc nó lại chìm vào giấc ngủ. Vợ chồng Thực vui, mừng khôn xiết. Công lao của thằng Muôn là hết sức to lớn và rất có thể nó sẽ làm xoay chuyển tình cảm của Thực, buộc vợ chồng Thực phải đưa thằng Muôn đi chữa bệnh động kinh một cách nghiêm túc chứ không phải nhờ một tay bác sĩ tư quen biết, lập bệnh án kèm theo một loại thuốc an thần rẻ tiền, để khi có trả thằng Muôn về quê, thì cũng có cái cớ để nói là đã tận tình chữa bệnh cho cháu! Thế nhưng thằng Muôn đã vô tình gây lên một việc làm kinh thiên động địa đến gia đình Thực.
Đó là một chiều chủ nhật đẹp trời, vợ chồng Thực mời ông Hoành đến nhà ăn cơm. Ông Hoành là thủ trưởng của Thực, sắp tới ông được điều lên Bộ. Hai người mà ông dự kiến thế chỗ ông là Thực và ông trưởng phòng Tổ chức. Để lấy lòng ông Hoành, cả Thực và ông trưởng phòng Tổ chức đều ra sức mua chuộc ông. Ông Hoành là người đam mê tửu sắc; sắc thì Thực vừa tuyển cho ông một cô thư ký đẹp và quyến rũ mê hồn, còn tửu thì cách một tuần, Thực lại mời ông về nhà để thưởng thức những loại rượu ngoại mà trong một lần vui miệng Thực đã ví chai rượu tương đương với một năm tiền ăn của người nông dân quê Thực. Rượu làm cho ông Hoành hưng phấn, ông bảo nếu số ông làm được quan to, lên đến chức Thủ tướng thì ông sẽ làm mọi việc theo kiểu này, kiểu kia. Thực gật đầu lia lịa. Ông Hoành gắp miếng dồi chó, quên cả chấm mắm tôm, bỏ tọt vào mồn nhồm nhoàm nhai, ông chưa kịp nuốt thì lãnh trọn một bãi nước bọt to tướng vào giữa mặt. Nhận ra thằng Muôn cười cười nhìn mình, ông Hoành hầm hầm mặt, nghiến răng: - Anh là thằng đểu, anh định coi tôi là chó phải không? Mặc cho Thực thanh minh là thằng Muôn bị động kinh không biết gì và ra sức van lạy ông Hoành, nhưng ông và cô thư ký vẫn bỏ ra về. Thằng Muôn bị động kinh, lại đúng lúc bà Thoại lơ là quên xích chân nó nên cơ sự mới xẩy ra. Theo thói quen, mỗi lần động kinh xong, nằm ngủ khoảng hai mươi phút, thằng Muôn tỉnh dậy và đi lang thang không có định hướng, vừa đi nó vừa nhổ nước bọt lung tung. Những lúc đó, thằng Muôn không hề nhận thức được gì nên ông Hoành mới bị một bãi nước bọt. Thằng Muôn bị động kinh thật nhưng ông Hoành lại cho rằng Thực chơi xỏ mình, định rửa nhục mình sau cái lần ông dở tỉnh dở say lùa tay vào ngực vợ Thực ở chỗ cầu thang. Vụ ấy vợ Thực không nói cho chồng biết, sợ Thực làm ầm ĩ lên, ảnh hưởng đến đường công danh. Thậm chí nhiều lúc nhớ lại, vợ Thực còn cảm thấy râm ran cả người. Khiếp cái bàn tay mát lạnh như bàn tay con gái ấy, nhoằng một cái đã làm người ta nghẹt thở! Bãi nước bọt của thằng Muôn làm Thực mất ăn mất ngủ. Thực tìm mọi cách để thanh minh, sau khi đã tốn với bà vợ ông Hoành và cô thư ký của ông khá nhiều tiền, Thực mới được ông Hoành tiếp chuyện nửa tiếng tại nhà riêng. Thực dẫn cả thằng Muôn đi theo. Thực trình bày với ông Hoành về bệnh động kinh của thằng Muôn, đưa cả cho ông xem bệnh án. Ông Hoành nghe một cách thờ ơ. Thực nhìn về phía thằng Muôn nháy mắt một cái, nhận được ám hiệu, lập tức thằng Muôn đang ngồi trên ghế lộn nhào xuống đất giãy lên đành đạch. Thực hoảng hốt:
- Chết, chết, nó lại bị nữa rồi!
Nhìn thằng Muôn chân tay co giật, miệng méo xệch, mắt trợn ngược, ông Hoành khiếp vía. Không khéo nó chết thật ở đây thì rầy ra to! Ông đi lại cúi xuống xem, cất giọng vừa bực vừa lo:
- Bị động kinh thật à?Thằng Muôn tưởng ông Hoành hỏi mình, sự nhớ tới lời Thực dặn: Đến đấy phải lễ phép, gọi dạ, bảo vâng, họ hỏi bị động kinh thì bảo cháu động kinh từ nhỏ, nó ngẩng đầu dậy cung kính:
- Dạ, cháu bị động kinh từ nhỏ ạ! Ông Hoành trợn tròn mắt. Hiểu được sự thật, ông cười phá lên:
- Tôi vẫn biết, muốn bon chen được với đời, người ta phải đóng kịch với nhau, nhưng chưa bao giờ tôi lại gặp màn kịch kiểu này đấy!
Thực cứng lưỡi, không thể mở mồm nói được câu gì, cầm tay thằng Muôn lôi đi. Từ đấy, đặc biệt là từ ngày ông trưởng phòng Tổ chức lên thay ông Hoành và vô hiệu hoá Thực, bãi nước bọt trên mặt ông Hoành ngày đêm ám ảnh Thực, Thực có cảm tưởng như nó chui cả vào miệng mình. Thực lợm giọng nhổ đi, lâu thành thói quen. Bây giờ xem ra Thực còn nhổ thiện nghệ hơn cả thằng Muôn trong những lúc nó động kinh thật.
V. Đ
(SH số tháng 11 - 1998)