Tạp chí Sông Hương -
Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh: Hy vọng một thị trường tranh minh bạch
09:11 | 25/10/2018

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa ban hành Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 1-10-2018 với yêu cầu 100% hội đồng tán thành mới đi đến kết luận cuối cùng về tác phẩm được giám định là thật hay giả…

Quy chế về hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật - tác phẩm nhiếp ảnh: Hy vọng một thị trường tranh minh bạch
Bức tranh được cho là giả tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái được đem đấu giá tại TP Hồ Chí Minh năm 2016

Việc giám định sẽ có chất lượng?

Với quy chế mới ra đời, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là đơn vị trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm trong việc giám định tác phẩm. Trước đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có sự xuất hiện của một trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật có chức năng tương tự. Tuy nhiên, chỉ ít thời gian ra đời và đi vào hoạt động, trung tâm này đã nhanh chóng “đóng cửa”. Lý do thì có nhiều, song hầu hết là bởi ít có họa sỹ tới gõ cửa nhờ thẩm định. Hay đúng hơn, nếu không có trung tâm này thì thiếu nhưng có rồi thì không ai hỏi đến.

Do vậy, việc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh sẽ một lần nữa tạo ra một địa chỉ để các họa sỹ, các nhà sưu tập tranh có nơi để “gõ cửa”, mỗi khi xảy ra tranh chấp về tranh giả, tranh thật. Đặc biệt, sự xuất hiện của trung tâm càng trở nên có ý nghĩa đặt trong bối cảnh mỹ thuật trong nước đang bị lũng đoạn vì nạn tranh giả, tranh nhái, không ít các sàn đấu giá nội địa đã đem đấu giá các tác phẩm giả mạo tên tuổi của các họa sỹ nổi tiếng. 

Để thực hiện quá trình giám định tác phẩm, quy chế mới đề ra yêu cầu hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia chuyên ngành mỹ thuật, chuyên ngành nhiếp ảnh, có kinh nghiệm hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh từ 10 năm trở lên, có uy tín, có khả năng giám định tác phẩm nghệ thuật. 

Theo họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hội đồng giám định gồm 3 hội đồng nhỏ: Giám định tác phẩm hội họa, đồ họa do họa sỹ Lương Xuân Đoàn đứng đầu; Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS.TS Vương Học Báo đứng đầu; Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh do ông Vũ Quốc Khánh đứng đầu. Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, điều quan trọng nhất của các thành viên hội đồng là phẩm cách của nhà giám định với cách làm việc khách quan, công bằng và công tâm. Bởi trước sức ép dư luận, của nhà sưu tập tranh, của gia đình các cố họa sỹ, chỉ cần hơi nghiêng về bên nào cũng đều ảnh hưởng tới chất lượng giám định. 

Giảm khiếu kiện thật - giả

Bên cạnh đó, một nội dung rất đáng chú ý của quy chế thẩm định tác phẩm mỹ thuật -nhiếp ảnh là một tác phẩm được kết luận là thật hay giả buộc phải nhận được sự tán thành của 100% thành viên hội đồng. Nội dung này hoàn toàn khác với yêu cầu tán thành của các hội đồng nghệ thuật, với số phiếu tán thành chỉ đảm bảo 80-90% là đạt yêu cầu. Sở dĩ có điều này là bởi, chỉ cần 1 thành viên còn chưa thống nhất thì rất có thể dẫn tới những khiếu kiện sau này về độ thật, giả không rõ ràng. 

Sau gần 1 tháng quy chế mới ra đời, theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, đến nay, hội đồng giám định vẫn chưa hoạt động, tức là chưa nhận được một vụ việc nào về tranh chấp tranh giả, tranh thật. Hơn thế, Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế cộng tác, có nghĩa, khi xảy ra vụ việc, có yêu cầu giám định mới thành lập hội đồng. Và sau khi đi đến kết luận cuối cùng, hội đồng lại tự giải thể. Do vậy, bộ máy hoạt động của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh vẫn giữ nguyên, không bị phình to trước yêu cầu của nhiệm vụ mới. 

Còn về kỹ năng giám định, hầu hết các thành viên hội đồng dựa vào kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đang theo dõi. Với những tác phẩm có độ phức tạp, cần tới sự hỗ trợ của máy móc, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, cục đã làm việc với Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. “Cái gì mình cần thì Viện Khoa học Hình sự đáp ứng được hết như thẩm định chất liệu sơn, chất liệu vải toan, thẩm định được năm tuổi của gỗ. Vì thế, chúng tôi không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa và sẽ nhờ họ. Cục sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, sau đó có vụ việc gì cụ thể thì lại hợp đồng sau”- ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Theo Thanh Xuân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng