Tạp chí Sông Hương -
Tranh dân gian Việt Nam: Nốt trầm trong dòng chảy đương đại
10:11 | 26/10/2018

Có nguồn gốc từ xa xưa, do những nghệ nhân làm nghề lưu truyền lại qua nhiều đời, trải qua những thăng trầm lịch sử, tranh dân gian vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tranh dân gian Việt Nam: Nốt trầm trong dòng chảy đương đại
“Tam đa” - Tranh gói vải Nam Bộ

6 dòng tranh tiêu biểu

Tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) xuất hiện vào nửa sau thế kỷ XVIII thường được in trên nền giấy đỏ, hồng điều hoặc vàng vì thế trong dân gian còn gọi là tranh Đỏ.

Loại tranh này, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi từ đó chấm phá thêm các chi tiết, màu sắc theo cảm xúc riêng. Vì thế, mỗi bức tranh có một diện mạo riêng, dù được in ra từ cùng một bản khắc. Đặc biệt, lối chữ thảo trên góc trái tạo nên điểm khác biệt cho dòng tranh này. Cùng với đó là sự kết hợp của thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.

Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) ra đời từ khoảng thế kỷ XVI, XVII và phát triển mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Dòng tranh phản ánh chân thực, sinh động đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam trước đây với các phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân nông thôn.

Chất liệu dùng để in tranh Đông Hồ là giấy điệp (các nghệ nhân làm tranh nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ làm từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, hoặc bột sắn). Màu in tranh được chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: Màu trắng từ sò, điệp; đen từ than rơm hay lá tre; hồng từ gỗ vang; đỏ từ son; xanh từ gỉ đồng; lam từ lá chàm; vàng từ hoa hoè, quả dành dành… Kỹ thuật pha màu và in của tranh làng Hồ tạo cho sắc tranh trong sáng, óng xốp.

Tranh Hàng Trống (Hà Nội) có 2 loại phổ biến: Tranh thờ và tranh Tết. Đặc điểm nổi bật của dòng tranh này nét mảnh, tinh, yểu điệu. Do sử dụng được màu phẩm nên hòa sắc của tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Màu thường là lam hồng, ngoài ra còn có thêm lục đỏ, da cam, vàng. Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật, không có khái niệm về không gian xa gần.

Tranh gói vải thịnh hành ở Nam Bộ trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX. Loại tranh này thường tạo hình nổi trên lụa bằng bột màu. Các chủ thể chính của tranh (người, con vật hoặc cây cối…) được dùng bông tạo hình; sau đó dùng vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau cùng, keo sẽ được gắn lên mặt tranh đã được vẽ nền.

Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở Cố đô Huế với mục đích cúng lễ. Người dân thờ tranh với ước vọng người yên, vật thịnh. Sau khi cúng lễ, tranh thường được mang hóa.

Bên cạnh các đề tài tín ngưỡng, phục vụ thờ cúng, tranh làng Sình còn có tranh tố nữ, tranh tả cảnh sinh hoạt xã hội, tranh muông thú (lợn, ngựa, voi), đồ vật quen thuộc (chậu, hoa, thuyền bè…)... Tranh có nhiều cỡ khác nhau, ứng với nó là kiểu in vẽ cũng khác nhau. Giấy in tranh là giấy mộc quét điệp. Màu sắc trước đây được tạo từ các sản phẩm tự nhiên (thực vật, kim loại hay sò điệp). Điểm nổi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác.

Tranh kính phổ biến ở Huế và Nam Bộ. Tranh kính ở Huế là dòng tranh mang đặc trưng mỹ thuật cung đình Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo. Tranh được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng. Các nghệ nhân dùng chất liệu là bột màu pha keo hoặc sơn để vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của kính.

Tranh kính Nam Bộ là một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội thất của người dân Nam Bộ, việc treo tranh kính (kiếng) trong nhà đã tạo ra nét văn hóa riêng của người dân Nam Bộ so với các vùng miền khác ở nước ta.

 “Em bé ôm gà” – Tranh dân gian Đông Hồ
 

Nốt trầm

Tranh dân gian Việt Nam dần vắng bóng trong xã hội hiện đại, đó là một thực tế khiến nhiều nhà làm văn hóa trăn trở, tìm cách lưu giữ và khôi phục. Nói về dòng tranh dân gian, TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ: “Trải qua thăng trầm lịch sử, cho đến nay dòng tranh dân gian vẫn còn lưu giữ và mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc. Tranh dân gian gồm hai loại, tranh Tết và tranh thờ.

Do nhu cầu của tục chơi tranh Tết và thờ cúng, tranh dân gian phải có số lượng lớn nên người Việt Nam từ lâu đã biết đến kỹ thuật khắc ván để in. Vào thời Lý (thế kỷ 12) đã có những gia đình chuyên làm nghề khắc ván. Cuối thời Trần đã in được tiền giấy. Đến thời Lê Sơ lại tiếp thu thêm kỹ thuật khắc ván in của Trung Quốc và cải tiến thêm một bước nữa. Cũng từ đây, trong dòng chảy của mỹ thuật truyền thống dân gian bắt đầu có sự phân hóa để ngày càng phát triển đậm nét.

Đến thời Mạc (thế kỷ 16) tranh dân gian phát triển khá mạnh, được cả các tầng lớp quý tộc ở kinh thành Thăng Long sử dụng vào dịp Tết. Đến thế kỷ 18 – 19 tranh dân gian Việt Nam đã ổn định và phát triển cao. Tại Bảo tàng Lịch Sử (Hà Nội) còn giữ được những ván khắc từ thời Minh Mạng thứ 4 (tức 1823).

“Đến nay, tranh dân gian Việt Nam vừa phát triển những vốn quý của các thời trước tích tụ lại, vừa tiếp nhận những tinh hoa của các dòng tranh khác để rồi khẳng định những gì thích hợp với dân tộc, làm phong phú hơn bản sắc của mình. Nó như một nốt trầm trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Với ngôn ngữ đặc thù, dòng tranh này đã trở thành tư liệu quan trọng, cụ thể hóa những ý niệm về vũ trụ, nhân sinh quan và cái đẹp của nhiều thế hệ ở những địa bàn khác nhau”, TS Sơn nhận xét.

Theo Hiền Anh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng