Tạp chí Sông Hương -
Ca trù đang bị 'Hà Nội hóa'
09:12 | 31/10/2018

Như đã đưa tin, từ ngày 1 đến 5/11, Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018 sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh với sự tham gia của 13 tỉnh, thành có di sản ca trù. Với tư cách là Tổng đạo diễn của sự kiện này, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đã có những chia sẻ.

Ca trù đang bị 'Hà Nội hóa'
Ca trù loay hoay tìm chỗ đứng

PV: Thưa ông! Nhìn vào danh sách các đơn vị tham dự dường như Liên hoan năm nay đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân là do đâu?

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan:  Điều đầu tiên tôi cảm thấy buồn vì năm nay 2 tỉnh Nam Định và Vĩnh Phúc không tham gia liên hoan, cũng không đưa lý do cụ thể. Đó là 2 trung tâm ca trù vô cùng lớn. Từng có giai thoại rằng thời Nguyễn, một đào nương ca trù Nam Định vào cung hát ca trù, nhìn nhan sắc không có nhà vua đã định đuổi ra ngoài nhưng khi người ca nương cất giọng lên vua bị thuyết phục hoàn toàn, và nhà vua hỏi muốn gì, ca nương đã xin cấp đất và đặt tên là giáo phường Hồng Quận. Nam Định còn hàng chục cơ sở, hàng chục đào nương nổi tiếng thuở xưa. Tỉnh Vĩnh Phúc giữa thế kỷ XX còn một gia đình là giáo phường lớn nhất ở Vĩnh Phúc với đào nương vô cùng nổi tiếng. Tôi nghĩ là tham gia liên hoan là trách nhiệm, chứ không phải thích thì tham gia, không thích thì thôi.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận Liên hoan Ca trù 2018 về chất lượng cũng cho tôi cảm giác đôi chút lo lắng bởi sự chuyển giao thế hệ. Liên hoan năm nay vắng bóng các nghệ nhân sau 10 năm ca trù được UNESCO vinh danh vì các nghệ nhân đã cao tuổi không thể hát hoặc mất đi. Điều đó cho thấy, 2018 là giai đoạn của lớp thế hệ ca trù kế cận. Năm nay, chúng tôi cố gắng soi xét lại trên 32 thể cách, đến nay lớp thế hệ kế cận hát được bao nhiêu loại, xem xét lại việc phục hưng ca trù đến đâu. 

Phải chăng sau khi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ca trù đang có dấu hiệu chững lại?

- Theo tôi, ca trù hiện nay không chững lại mà cũng chẳng phát triển. Bởi khó khăn chung của 15 tỉnh sở hữu di sản là không có các nghệ nhân truyền dạy. Thành ra việc đào tạo các nghệ nhân kế cận thường phải mời các nghệ nhân ở các tỉnh khác về tham gia công tác đào tạo. Hiện nay vai trò của Hà Nội đang hết hết sức quan trọng trong việc cử các nghệ nhân đi các tỉnh để truyền dạy. Từ thực tế này, tôi đang lo chỉ vài năm nữa ca trù cả nước sẽ bị “Hà Nội hóa” không biết chừng. Đây thực sự là khó khăn nhãn tiền vì các nghệ nhân cũng cao tuổi, nhiều người cũng đã mất. Trong khi đó việc truyền dạy ở các tỉnh lại yếu. Tôi lấy ví dụ như Hà Tĩnh mới đây đã làm rất tốt khi đào tạo được một ngôi sao về ca trù. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian vì nhiều lý do mà ngôi sao này đã đi Đức xuất khẩu lao động.

Nghĩa là ở Hà Nội ca trù đang phát triển hơn các địa phương khác, thưa ông? 

- Chúng ta coi Hà Nội là cái nôi của ca trù, bởi vì Hà Nội là Thăng Long. Ca trù sinh ra từ Thăng Long, lớn lên từ Thăng Long, có tên ca trù cũng có từ Thăng Long, di tích còn lại vẫn còn đây là đình Đông Ngạc. Thăng Long - Hà Nội là cái nôi của ca trù, nhưng cũng không được quan tâm đúng mực.

Khi người ta xin thành lập CLB, xin chi phí hoạt động lại có cái nhìn lệch lạc. Điều đó không đúng với bản thân nghệ thuật và cũng không đúng với hành động quốc gia, trong hồ sơ chúng ta trình UNESCO. Điều này rất quan trọng vì như vậy chúng ta chưa thực hiện hành động đúng, đủ để nghệ thuật ca trù phát triển trong cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
San sẻ sách (29/10/2018)