Tạp chí Sông Hương -
Người đóng góp vào thời kỳ vàng son của mỹ thuật sơn mài Việt Nam
09:16 | 31/10/2018

100 năm ngày sinh họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-2018) - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Người đóng góp vào thời kỳ vàng son của mỹ thuật sơn mài Việt Nam
Hoạ sĩ Lê Quốc Lộc.

Họa sĩ Lê Quốc Lộc sinh ngày 20/10/1918, quê ông ở xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). 18 tuổi ông vào học lớp dự bị ở Mỹ thuật Đông Dương. Thời ấy, các hoạ sĩ muốn học chính quy thường phải vào học lớp dự bị và được hoạ sĩ bậc thầy Nam Sơn tận tình chỉ bảo. Sau đó ông được vào học ban Sơn mài (từ 1937 đến 1942). Đây là một ban học do hoạ sĩ Nam Sơn đề xướng nhằm đào tạo những sinh viên chuyên về mỹ thuật truyền thống. Lúc đầu Mỹ thuật Đông Dương chỉ gồm các khoa: Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa, và Sơn ta, tới năm 1932 mới lập ban Sơn mài, 1934 lập ban Gốm.

Lê  Quốc Lộc đã chọn học ban Sơn mài. Ông mong muốn học tập truyền thống và hiện đại, kế thừa cho sáng tác hội họa, chứ không  theo mỹ nghệ. Đó là sự vượt lên rất quan trọng, quyết định con đường nghệ sĩ tạo hình của ông. Trong thời gian này, Lê  Quốc Lộc đã có các bình phong sơn mài như: “Chợ bên sông Hồng” (1936); “Bên bờ ao” (1938); “Hội Chùa” (1939); “Bản Mỗ” (1940). Loại bình phong sơn truyền thống, thường đứng vị trí độc lập, vừa để ngăn chắn, vừa trang trí lên đó, dùng các chất liệu vàng, bạc, sơn (son, then), vỏ trứng, dùng nguyên chất một màu. Từ  năm 1932, một số họa sĩ học nghệ thuật tạo hình, đã tìm tòi và nâng thành chất liệu sơn mài. Họ có cái nhìn toàn thể tấm sơn, để chỉnh lý chất liệu theo cái đẹp hội họa. Nên cũng ngần ấy chất liệu họ vẽ đè lên nhau, ủ sơn, rồi mài đi, mài lại, mà tạo ra sắc màu phong phú, phù hợp với hình tượng theo ý tác giả. Nên các chất liệu: Vàng, bạc, vỏ trứng, sơn son, sơn then không còn “cứng và đơn điệu”, tạo nên những sắc màu quí giá của sơn mài. Học tập ở trường, hướng theo hội họa, nên các bức bình phong sơn mài của Lê Quốc Lộc không còn là mỹ nghệ, mà là bức tranh.

Ông tham dự triển lãm do Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ lần đầu tổ chức vào tháng 12/1936 tại Hà Nội. Triển lãm lớn này với sự tham gia của đại đa số các cựu sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức “Chợ bên sông Hồng” (1936) của Lê Quốc Lộc đã được Giải huy chương bạc. Tháng 12/1940 Hiệp hội các nghệ sĩ Đông Dương (La Coope’rative des Artistes Indochinois) ra đời, là tổ chức giúp các nghệ sĩ làm tranh sơn mài có cơ hội phát triển tài năng và tiêu thụ sản phẩm. Hiệp hội  đã tổ chức triển lãm (lần thứ nhất) chuyên về sơn mài, bày tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với sự tham gia của các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Mạnh Quỳnh. Nhận xét về triển lãm, Ngô Huy Quỳnh đã nhắc đến: “…Những tranh sơn mài của Lê Quốc Lộc và Mạnh Quỳnh có họa tiết giản đơn và màu sắc vừa phải, làm thích thú tâm hồn vì sự trong sáng”. Thời gian này, Lê Quốc Lộc lập riêng một xưởng vẽ sơn mài ở 42 phố Lò Đúc- Hà Nội. Ông đã sáng tác nhiều bức, như: “Chiều về” (1943), bức này dự Triển lãm “Duy Nhất” (Salon Unique) ở Hà Nội được Giải đặc biệt.  

Người đóng góp vào thời kỳ vàng son của mỹ thuật sơn mài Việt Nam

Tác phẩm Qua bản cũ (sơn mài, 1958).

Trong số các tác phẩm trước cách mạng, bức “Hội chùa” (1939) ghép 4 tấm sơn, thể hiện cảnh hội làng (không rõ vì sao tên tranh lại là “Hội chùa”?) đã thể hiện một không gian hội làng sinh động, và còn bộc lộ cả về thời gian là thời Âu hóa. Bởi trong tranh ta thấy có bóng dáng các cô gái tân thời, kiểu thành thị về dự hội làng. Tranh với lối mảng hóa, giản dị mà cô đọng theo lối diễn của sơn mài. Bức này hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lê Quốc Lộc tuy đi sau các họa sĩ đàn anh tìm tòi mở đường của sơn mài, nhưng những sáng tác đã đưa ông vào “Thời kỳ rực rỡ của hội họa sơn mài Việt Nam - giai đoạn 1938 – 1944”, với thế hệ những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam, trước cách mạng. 

Những năm hòa bình miền Bắc, Lê Quốc Lộc dành tâm huyết tìm tòi sáng tạo cho tranh sơn mài, cả về chất liệu, kỹ thuât, và  nội dung của thời kỳ mới của đất nước. Đây cũng là “Thời kỳ vàng son của hội họa sơn mài Việt Nam - giai đoạn (1957-1962)” thế kỷ XX, trong đó có tác phẩm của ông. Chủ đề trong các tác phẩm của Lê Quốc Lộc là về cách mạng, kháng chiến. Trong thời kháng chiến, hoàn cảnh khó khăn, nên ông chỉ làm được các tranh với các chất liệu gọn nhẹ. Nhưng ông đã thu thập tích lũy đề tài, vốn sống về đời sống kháng chiến, để thời bình ông dành thời gian, tâm huyết sáng tác, và tham dự các Triển lãm Mỹ thuật: 1957, 1958, 1960 và 1962 với các giải thưởng xứng đáng. 

Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1957, ông có 2 bức tham dự thì trong đó bức sơn mài “Ánh sáng đến” của ông đã được giải Nhất, hiện còn lưu ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ở Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958, “Qua bản cũ” (sơn mài, 1957) được giải Nhì, hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.  Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1962, bức “Giữ lấy hòa bình” (sơn mài, 1960) được giải Nhất, hiện lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Giai đoạn những năm tháng từ 1973 đến 1986, hoạ sĩ tiếp tục sáng tác đều đặn, mỗi năm vẫn có từ 1 đến 2 tác phẩm. Trong đó, bức sơn mài “Từ trong bóng tối”(năm 1982) nổi  rõ về sự tìm tòi mới về phong cách. Tranh thể hiện buổi “Kết nạp Đảng” trong thời kỳ bí mật. Trên cái nền tăm tối của hiện thực, một căn nhà có ánh sáng, hiện rõ lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cùng những người con kiên trung giơ tay tuyên thệ theo lý tưởng – tác phẩm là điểm nhấn quan trọng trong thành tựu sáng tác sơn mài chủ đề của ông.

Một chặng đường dài nghệ thuật tạo hình Lê Quốc Lộc đã dành sáng tác tranh sơn mài. Bằng sự kế thừa truyền thống, và tìm tòi, sáng tạo thể hiện cái mới với những tranh mang chủ đề hiện thực đã góp vào thành tựu, với sự phong phú tác phẩm và diện mạo nghệ thuật sơn mài của ông, cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Theo Nguyễn Văn Chiến - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
San sẻ sách (29/10/2018)