Tạp chí Sông Hương -
Khai mạc Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 - năm 2018.
15:46 | 06/11/2018

Sáng ngày 06/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) phối hợp với Trung tâm Thông tin và mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ (ICHCAP) tổ chức Khai mạc Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 - năm 2018.

 

Khai mạc Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 - năm 2018.
Ông Nguyễn Dung- Tỉnh ủy viên- Phó chủ tịch UBND Tỉnh thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ khai mạc

Tham dự hội nghị có ông Michael Croft, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam; Ông Kwon Huh, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Ông Nông Quốc Thành Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Truyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung tham dự.

Hội nghị thu hút đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể từ 16 quốc gia khác nhau tham dự và có báo cáo chuyên môn. Đây là diễn đàn quan trọng và vừa là cơ hội để tăng cường trao đổi và hiểu rõ hơn mối quan hệ qua lại giữa Di sản văn hóa Phi vật thể và phát triển bền vững nhằm trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ tham gia Bảo tồn Di sản văn háo phi vật thể thông qua việc chia sẻ thông tin hữu ích và tăng cường mạng lưới hợp tác các tổ chức phi chính phủ trong khu vực.

Ông Kwon Huh – Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, ông Kwon Huh – Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong các ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ tìm hiểu cách thức các tổ chức phi chính phủ đóng góp vào việc thực hành bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó các tổ chức phi chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) theo tinh thần Công ước UNESCO 2003.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cho biết, Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế lần này là một niềm vinh dự cho tỉnh, đồng thời thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chung tay, đồng hành với Mạng lưới Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia trong khu vực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể vì mục tiêu phát triển bền vững". Đồng thời, phó chủ tịch UNBD tỉnh cũng đã hy vọng tất cả sẽ cùng chung tay, tìm ra những giải pháp để bảo vệ một cách hiệu quả những di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta, phát huy bằng sức mạnh và trách nhiệm của từng người dân, của cộng đồng, của cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp…để chung tay xây dựng hệ thống bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chính tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể là động lực của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững trên từng phương diện xã hội dựa vào sức mạnh của cộng đồng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phát biểu tại hội nghị


Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhấn mạnh: “Việc lựa chọn tổ chức Hội nghị Di sản Văn hóa phi vật thể Châu Á-Thái Bình Dương 2018 tại thành phố Huế nhân kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESSCO công nhận là điều hết sức có ý nghĩa, hội nghị này sẽ giúp cố đô Huế bằng những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc; là cơ hội để Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên- Huế nói chung mở rộng hợp tác, quảng bá, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa và du lịch của tỉnh. Đây cũng là cơ hội tốt để đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn của Trung tâm cũng như của tỉnh giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm với các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Toàn cảnh Hội nghị


Sau phần khai mạc, các đại biểu đã làm việc ngày đầu tiên của hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận với nhiều nội dung như: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển cộng đồng. Các tham luận tại phiên làm việc gồm: Cùng hợp tác nhằm đạt đến các Mục tiêu của Công ước 2003 và đóng góp vào phát triển bền vững; Các tổ chức xã hội làm tăng giá trị; Vai trò của các tổ chức Phi  Chính phủ tham gia bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể ở Trung Quốc; Thừa nhận vai trò của giáo dục không chính quy trong phát triển hệ thống chữa bệnh truyền thống; Văn hóa vượt khỏi lớp học: Nâng cao nhận thức về Di sản văn hóa phi vật thể thông qua các chương trình giáo dục nghệ thuật phi chính quy dành cho giới trẻ; Hoạt động Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An; Lễ hội của các ngôi chùa: Vai trò của các Ban Quản trị các chùa trong duy trì Văn hóa phi vật thể tại khu vực Bagan; Vai trò của Ciqam trong công tác bảo tồn và phát huy Di sản Phi vật thể tại Gilgit Baltistan và Chitral; Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao, người Hà Nhì với việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai - một phân tích so sánh. 

Hội nghị sẽ làm việc phiên 4- 5 và phiên làm việc đặc biệt về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Hội nghị sẽ bế mạc vào ngày 8/11.

 

Phương Anh
 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng