Tạp chí Sông Hương -
Hà Nội trong những trang văn
14:34 | 16/11/2018

Là vùng đất quen thuộc trong miền sáng tạo, vẻ đẹp Hà Nội không chỉ được diễn tả bằng hình ảnh mà còn hiển hiện vô cùng tinh tế, sống động trong nghệ thuật ngôn từ. Với vô số tác phẩm văn học viết về Thủ đô từ xưa tới nay, để khai phá, phát lộ những điều mới mẻ về thành phố này là thử thách không nhỏ với mỗi nhà văn.

Hà Nội trong những trang văn
Hà Nội luôn là đề tài, cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ

Có một dòng văn học Hà Nội

Tại Hội thảo “Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học”, do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng 13.11, nhà thơ Lê Thành Nghị nhận định: “Hà Nội, hơn bất cứ nơi nào, là đề tài, là nơi gợi mở, kích thích, tạo hứng khởi cho rất nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Bởi Hà Nội là nơi hội tụ, tập trung những phẩm chất tự nó đã mang những ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, cội nguồn, thẩm mỹ, kích thích những ý niệm về cái đẹp. Mỗi khi nghệ sĩ đặt mình trước một tác phẩm về Hà Nội là một cơ hội đối diện với thời gian, dân tộc, với đất nước, với hồn thiêng của lịch sử, với quá khứ tự ngàn xưa và với hiện tại đầy suy tư của mỗi người”.

Thật khó liệt kê hết các tác phẩm văn học có bóng dáng của đất và người Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Sĩ Đại cho rằng, có một dòng văn học Hà Nội với những tác phẩm giá trị. Nhiều trang viết về Thăng Long xưa của các tác giả Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan... qua thời gian còn đọng lại và có thể thấy đó là những áng văn chương sang trọng, tài hoa, sâu lắng, giàu tính khảo cứu, hàm lượng trí tuệ cao. Đến thời hiện đại, những tên tuổi hàng đầu như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài... cho đến mấy thế hệ viết nối tiếp nhau sau năm 1945, đã góp công phát hiện, đồng thời lưu giữ một biểu tượng, giá trị, phẩm chất, tinh hoa, thanh lịch của người Hà Nội.

Những trang viết về Hà Nội cho thấy những nét riêng của Hà Nội mà không hề lẫn với vùng đất khác. GS. Phong Lê, người sống gần 60 năm ở Hà Nội chia sẻ: “Trong văn chương, hầu như tất cả tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại đều gắn với Hà Nội. Cho đến bây giờ, trên tổng số hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có đến ngót một nửa sống và viết ở Hà Nội. Không thể không gọi họ là cư dân Hà Nội, những người đã được hưởng những gì Hà Nội có, và đóng góp ít nhiều cho Hà Nội”.

Mở rộng góc nhìn

Trong sáng tác về Hà Nội hiện nay, nhà văn Tôn Phương Lan nhận thấy, tản văn là thể loại được ưa chuộng: Từ những trang viết về phố Hà Nội, các thức quà, mùa đông, về thú uống chè chén vỉa hè Hà Nội của nhà văn Dương Thụ; những miêu tả sâu sắc hồn cốt của con người phố cổ trong tính cách, nếp sống, quan niệm, gia phong, một đời sống đô thị với những xô bồ rất đặc trưng phố cổ của Nguyễn Việt Hà; một Hà Nội đang vận động trên cái nền văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn vật nhưng lại đang phát triển trong cơ chế và nhịp sống mới qua góc nhìn của Nguyễn Trương Quý; hay các con phố với những món ăn bình dị hiện lên qua câu chữ của Uông Triều... Tuy nhiên, theo nhà văn Tôn Phương Lan: “Văn xuôi Hà Nội mà cũng có thể nói rộng ra là cả nước, cho tôi cảm giác có điều gì đó còn hơi tĩnh, như chưa bắt sâu vào mạch của cuộc sống, ít có tác phẩm “trực chiến” hơn với những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống hiện tại”.

Từ lâu, khi nói về tính cách Hà Nội, người ta hay dẫn những câu như: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Bằng văn chương, nhiều tác giả cố gắng tìm kiếm, gìn giữ một Hà Nội tinh hoa và đẹp đẽ. Dường như những cái nhìn chung về đặc sắc văn hóa, con người Hà Nội: Hào hoa, văn minh, thanh lịch, sang trọng, anh dũng, quả cảm, điềm đạm, mực thước... đến vẻ đẹp hùng tráng, bầu không khí đầy trầm tích văn hóa, văn hiến đã vun đắp qua nghìn năm, trăm năm lịch sử, đã trở thành “kiểu mẫu” khi viết về Hà Nội.

Vui mừng và tự hào với những giá trị đã được định hình, đang được lan tỏa, bồi đắp, song nhà thơ Quang Hưng cũng cho rằng: Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cách đây 10 năm, các khu vực, địa bàn của thành phố vẫn có những điểm tương đồng và khác nhau về dòng chảy, đời sống văn hóa, sự duy trì các tập quán, biến động qua lịch sử... Điều đó góp phần tạo ra những biểu hiện muôn hình muôn vẻ, những đặc điểm tính cách, đặc thù phong cách sống, đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đất, địa bàn. Do đó, nghệ sĩ cần có cái nhìn rộng mở, để cảm nhận, đón nhận và khai thác nhiều hơn nữa những dáng nét, biểu hiện đa dạng trong đời sống tâm hồn, tính cách con người Hà Nội nơi phố cổ, phố cũ, miền quê, miền núi Hà Nội. Bên cạnh tìm hiểu văn hóa Hà Nội xưa còn đậm đặc hay vương vấn trong phố cổ, họ cần đi về vùng nông thôn, miền núi, để từ những trải nghiệm phong phú, cộng với năng lực, tâm huyết sáng tác, đón nhận nhiều hơn phẩm chất con người, văn hóa Hà Nội được biểu hiện trong thực tế cuộc sống hôm qua, hôm nay...

Với bề dày truyền thống, sự phong phú của đời sống, Thăng Long - Hà Nội sẽ còn là vùng đất hấp dẫn sự sáng tạo của nhiều thế hệ. Dù vậy, theo nhà thơ Lê Thành Nghị: “Đề tài tuy hấp dẫn nhưng đã quen thuộc nên không dễ có sự sâu sắc, độc đáo. Ai cũng biết cái khó của sự vượt qua lối mòn. Mà nghệ thuật, vấn đề cốt tử là vượt qua những gì đã có. Đó là một thử thách đối với sáng tạo”.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng