Tháng 10/1761, Marc-Antoine Calas, con trai của một nhà buôn vải theo đạo Tin lành ở
Toulouse
, Pháp, được phát hiện đã chết tại cửa hàng của bố sau khi khi dùng bữa tối gồm các món: chim câu, nho, pho mát… cùng cả gia đình ở tầng trên. Jean Calas, cha của nạn nhân, ban đầu khai, thi thể được tìm thấy trên sàn nhà. Sau đó, ông lại khẳng định, Marc-Antoine đã treo cổ bằng một sợi dây thừng. Jean Calas trở thành nghi can số một. Tuy nhiên, ông kháng cự đến cùng, bất chấp bị hành hạ dã man, bị lột trần rồi mang ra bêu xấu ngoài đường. Cuối cùng, Jean Calas vẫn bị kết tội chết. Người ta cho rằng, ông giết con trai vì sợ anh cải đạo sang Công giáo. Người Pháp lúc bấy giờ theo Công giáo là chính.
Tuy nhiên, nhà văn, nhà triết học Voltaire cảm thấy Jean Calas vô tội sau khi gặp gỡ người con trai khác của ông là Donat Calas. Ngay lập tức, nhà văn bắt tay vào điều tra. Ông gặp gỡ quả phụ của nạn nhân là Anne-Rose và phát động chiến dịch yêu cầu xem xét lại vụ án. Cuối cùng, tháng 3/1765, Calas được minh oan. Anne-Rose - bị cho là đồng phạm - cũng được tha bổng và bồi thường.
Đó là một trong những vụ việc thể hiện rõ vai trò của nhà văn trong việc chỉnh lại cán cân công lý. Emile Zola - một nhà văn nổi tiếng khác - cũng từng gây xôn xao dư luận với vai trò nổi bật của mình trong vụ án Dreyfus. Alfred Dreyfus, là một đại tá gốc Do thái bị kết tội làm gián điệp cho Phổ. Những bằng chứng dùng để kết tội thực ra đều được làm giả - xuất phát từ sự phân biệt đối xử của nước Pháp đối với người Do thái. Zola đã thức tỉnh dư luận bằng một bài báo mang tên J'Accuse! (Tôi kết tội!), thúc đẩy việc điều tra, xét xử lại vụ án Dreyfus. Trong quá trình đấu tranh tìm lại lẽ công bằng cho viên đại tá, nhà văn từng bị kết tội vu khống, bị phạt tiền và phải sống lưu vong. Nhưng cuối cùng, Dreyfus đã được minh oan.
Nước Anh không có Voltaire và Zola; nhưng những nhà văn từ Daniel Defoe, Henry Fielding đến Charles Dickens, thay vì che chở, cứu rỗi một cá nhân cụ thể, đều đã tham gia vào những chiến dịch đòi cải cách xã hội. Ở Anh, góp công lớn vào những cuộc chiến đòi lại công lý phần lớn là các nhà báo hoặc các luật sư. Nhà văn, nhà báo Ludovic Kennedy là người đã lập được công trạng gần với trường hợp của Voltaire. Ông là tác giả của rất nhiều cuốn sách đặt ra nghi vấn về các vụ án oan trong lịch sử Anh. Trong đó có cuốn Ten Rillington Place đề cập đến Timothy Evans, người bị kết tội chết vì đã sát hại con gái ruột của mình. Kennedy khẳng định, Evans không giết người. Con gái anh là nạn nhân của một kẻ giết người hàng loạt tên là John Christie. Evans sau đó đã được ân xá sau chết. Ten Rillington Place về sau đã được chuyển thể thành phim.
Cũng giống như các đồng nghiệp ở Anh và Pháp, nhà văn Mỹ cũng không kém lý trí và có trách nhiệm trong việc can thiệp vào những vụ oan sai trong xã hội. Một trong những vụ việc đó đã trở thành cảm hứng cho nhà văn Harper Lee viết kiệt tác bất hủ Giết con chim nhại kể về số phận của một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng.
Không dùng cảm hứng để viết tiểu thuyết như Harper Lee, John Grisham lại viết một cuốn sách người thực việc thực mang tên An Innocent Man (Một người vô tội - 2006). Tác phẩm kể về việc làm tắc trách của các cảnh sát khi điều tra về cái chết của một nữ nhân viên pha cocktail ở
Oklahoma
năm 1982. Trong vụ đó, Ron Williamson và Dennis Fritz bị kết tội. Nhưng năm 1999, họ được minh oan sau khi có những xét nghiệm AND cẩn thận.
Theo eVan |