Tạp chí Sông Hương -
Không gian truyền cảm hứng
09:34 | 07/01/2019

Nền tảng để xây dựng một xã hội hài hòa, chia sẻ và nhân ái là sự bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu chuyện về sự bất bình đẳng trong xã hội mà nhiếp ảnh vừa là công cụ vừa là không gian để các câu chuyện được kể lên một cách chân thật và truyền cảm hứng nhất.

Không gian truyền cảm hứng
Tác phẩm “Kéo vợ” của Nguyễn Tiến Thành, giải Nhì cuộc thi ảnh về bất bình đẳng xã hội

Thu hẹp khoảng cách

Thiếu vắng những vấn đề căn cơ của hiện thực xã hội, của nhân sinh, nhân văn, nhân bản, vấn đề con người với con người… nhiếp ảnh sẽ mất đi một kênh thông tin hữu hiệu. Rõ ràng, ngay cả khi không sử dụng ngôn từ, nhiếp ảnh vẫn có thể miêu tả chân thực, kích thích tư duy, phản chiếu đời sống xã hội và dễ truyền tải thông điệp. Đây là một công cụ mạnh mẽ để nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phát triển tích cực trong xã hội còn nhiều bất bình đẳng.

Theo Giám đốc ECUE Lê Quang Bình, bất bình đẳng là một vấn đề toàn cầu không của riêng quốc gia nào, trong đó bất bình đẳng kinh tế, tiếp cận y tế, bất bình đẳng với người già, trẻ em và nhóm người khuyết tật có tác động rất lớn đến cơ hội để con người vươn lên. Đây cũng là những nội dung trọng tâm mà các tổ chức xã hội mong muốn truyền tải rộng rãi tới cộng đồng qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiếp ảnh.

Ông Lê Quang Bình cho biết thêm, tại Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 10 triệu người sống trong đói nghèo, là một trong những biểu hiện của sự chênh lệch giàu nghèo, chia rẽ, là nguyên nhân nảy sinh bạo lực và bất ổn. “Chúng tôi quan tâm đến nguyên nhân của những vấn đề này, đó là sự bất bình đẳng xuất phát từ khả năng mà con người tận dụng các cơ hội phát triển trong xã hội. Nó phụ thuộc vào 2 yếu tố, sức khỏe để họ tham gia học tập, lao động, phấn đấu và tri thức họ có được. Chính vì vậy, bình đẳng trong y tế và giáo dục là những lĩnh vực cần thiết để bảo đảm cuộc sống của người dân tại các vùng miền, tiến tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội”.

Xuất phát từ mục tiêu đó, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng nhóm Vietnam Street Photography và ECUE đã tổ chức cuộc thi ảnh về sự bất bình đẳng xã hội với hy vọng tạo không gian để hàng trăm câu chuyện về bất bình đẳng được kể lên một cách chân thật, nghệ thuật và truyền cảm hứng nhất. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Maika Elan, từ lăng kính này, các nhiếp ảnh gia có thêm cơ hội quan sát cuộc sống quanh mình để lan tỏa thông điệp đó tới cộng đồng. “Những bức ảnh về cuộc sống vất vả của phụ nữ, về sự đối lập giữa nơi ở của người nhập cư với sự xa hoa của các khu đô thị cao cấp, hoặc sự lam lũ của người dân trong bệnh viện khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đây chính là sức mạnh của sự kết hợp giữa nghệ thuật nhiếp ảnh với các hoạt động xã hội”.

Khát vọng chính đáng

Cuối tuần qua, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng nhóm Vietnam Street Photography và ECUE đã công bố kết quả Cuộc thi ảnh về bất bình đẳng xã hội sau hơn hai tháng phát động. Cuộc thi nhận được hơn 300 tác phẩm từ 89 tác giả, khắc họa những bất bình đẳng trong kinh tế, tiếp cận y tế, bất bình đẳng với người già, trẻ em và nhóm người khuyết tật... Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhì cho các tác giả: Phạm Võ Hoàng Giang, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Tiến Thành; 3 giải Ba cho các tác giả: Trần Ngọc Anh, Trương Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hợp.

Nhiếp ảnh đang làm bật lên hơi nóng truyền tải những vấn đề thời cuộc, số phận con người và cả ước mơ, khát vọng vươn cao, nghị lực, phẩm giá và lương tâm con người. Những người thực hiện mong muốn qua nhiếp ảnh kể các câu chuyện truyền cảm hứng thúc đẩy bình đẳng xã hội, để con người được thể hiện quyền và khát vọng của chính mình. Nghệ sĩ Maika Elan cho biết, thông thường biểu hiện về lát cắt qua mỗi tấm hình sẽ ít hơn quá trình thực tế. Vì vậy, lúc đầu khi xem các tác phẩm, chị chỉ nghĩ đơn giản về khoảng cách giàu nghèo, về những số phận của người già, phụ nữ và người khuyết tật…, song ngay sau đó chị thấy mình được mở mang tầm nhìn bởi sự phong phú về chủ đề và các câu chuyện nhân văn sau nó.

Tham gia Cuộc thi ảnh về chủ đề bất bình đẳng, tác giả Trương Thanh Tùng chia sẻ, khi anh thực hiện tác phẩm “Đợi”, câu chuyện không chỉ dừng ở gia đình bà Nguyễn Thị Hồng trên đường Lương Định Của, quận 2, TP Hồ Chí Minh, mà là cuộc sống của người dân nghèo còn bám trụ trong khu dự án Thủ Thiêm. Rồi cảnh sống chung với nước ngập sau mỗi trận mưa, cuộc sống lam lũ, đói nghèo… trên những ngôi nhà ven kênh rạch trong “Khoảng cách sống” của Nguyễn Văn Hợp; “Hai thế giới trong thành phố” của Nguyễn Quang Huy miêu tả sinh động những cung bậc khác nhau khát vọng chính đáng của con người...

Khi thể hiện những góc khuất ấy, theo các tác giả, cũng là một cách truyền đi những thông điệp tích cực. Nguyễn Tiến Thành chụp bức ảnh “Kéo vợ” vào một ngày tháng 2.2016 để kể câu chuyện một cô gái gào khóc giữa sự giằng kéo của đám thanh niên tại lễ hội Gầu Tào, xã Pha Long, huyện Mường Khương, Lào Cai. “Gầu Tào là lễ hội mang ý nghĩa cầu an của dân tộc Mông dịp lễ tết. Vào ngày này, các chàng trai sẽ làm lễ để kéo bạn tình. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy tục kéo vợ đang bị lạm dụng, kéo theo đó là vấn đề quyền của người phụ nữ và những bất bình họ gặp phải. Kể câu chuyện này, tôi cũng hiểu thêm về những khao khát mà họ đang hướng tới trong một xã hội mà phụ nữ nhận thức được quyền của mình, được sống cuộc sống của chính mình”.

Các nhiếp ảnh gia đã bấm máy với tình cảm sẻ chia, cảm thông, yêu thương cuộc đời và con người. Theo họ, nếu không suy nghĩ sâu sắc về nội dung cần phản ánh, tác phẩm nhiếp ảnh sẽ chỉ dừng lại ở vẻ ngoài của ánh sáng, bố cục, màu sắc; mà thiếu đi giá trị nhận thức và giáo dục đối với người xem, sẽ thiếu sức sống, sức lan tỏa lâu dài và sâu rộng.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng