Tranh theo năm cầm tinh con giáp là một lối chơi phương Đông ăn sâu vào truyền thống tranh dân gian Việt. Thay vì trước đây chỉ các làng nghề vẽ, thì ngày càng nhiều họa sĩ lựa chọn đề tài này. Tác phẩm của họ không chỉ ánh lên khí xuân, ngày Tết mà còn thể hiện phong cách riêng, cho thấy hướng phát triển của một nền hội họa.
Nghệ thuật nghênh xuân
Cũng dịp này, cách đây một năm, tại không gian Đông A Galery, Hà Nội, diễn ra triển lãm Tranh Tết Mậu Tuất. Hình tượng con giống của năm 2018 giờ đây nhường chỗ cho một con vật khác, cũng độc đáo không kém dưới góc nhìn hội họa. Xoay quanh chủ đề “Hợi - Con giáp của năm 2019”, triển lãm diễn ra từ 15 - 23.1, quy tụ 60 tác phẩm với nét vẽ của 33 họa sĩ đương đại Việt Nam. Đây chính là lời chào đón linh vật mới, khởi đầu cho một năm an lành, mang điểm nhấn nghệ thuật nghênh xuân.
Với những phong cách riêng biệt, con giáp của năm Kỷ Hợi 2019 được thổi hồn bằng những hơi thở nghệ thuật độc đáo. Thưởng lãm tác phẩm “Lợn mán” và “Tự họa năm Hợi”, ta sẽ nhận ra ngay ngôn ngữ hội họa đặc trưng của Thành Chương. Đó là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, đậm chất dân gian song cũng rất hiện đại. “Tình xuân” của Đăng Thu An lại duyên dáng, rực rỡ sắc màu, toát lên nét nữ tính, kiêu sa mà họa sĩ thể hiện trong tác phẩm. Còn “Sung mãn” và “Sung túc” của Lê Trí Dũng lại được gợi cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, hướng tới một năm no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. Góp mặt tại triển lãm, họa sĩ Ngụy Đình Hà giới thiệu tới công chúng hai tác phẩm mới nhất của mình: “Du xuân” và “Vũ điệu mùa xuân”. Ngắm nhìn các bức tranh, người xem như cảm nhận được ngay bầu không khí rộn ràng trong tiếng nhạc du dương của điệu vũ mùa xuân hay trên đường du xuân...
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần àny, ngoài bút pháp hiện thực còn có bút pháp biểu hiện, trừu tượng, thực hiện trên các loại chất liệu acrylic, sơn dầu, sơn mài… Có người tiết chế lối vẽ, kiệm màu như Trần Nhật Thăng, Trần Vinh, có người bút pháp thâm trầm, thiên về chiều sâu suy ngẫm như Doãng Hoàng Kiên, Phạm Kiên… Người chọn cách vẽ nhẹ nhàng, người thích vẽ chồng lớp biểu đạt sự cộng hưởng cảm xúc, tâm tư. Nếu theo dõi, so sánh với xu hướng trên con đường nghệ thuật của mỗi tác giả, ít nhiều ta cũng nhận ra sự chuyển dịch, tự thay đổi của họ.
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, khác với những sáng tạo trước, lần này ông mang tới hai tác phẩm vẽ trên mâm gốm. Như một tranh vẽ con lợn vùng cao, lồng ghép vào đó nếp nghĩ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình khối tam giác như mái nhà sàn, khối vuông gợi hình chiếc bánh trưng, từng màu sắc, nét chấm cũng gửi gắm nhiều ý tứ. “Đã đặt bút vẽ không thể không có ý tưởng, không thể nói rằng họa sĩ không gửi gắm nhiều điều trong đó. Dù tả thực hay cách điệu một chút, cuối cùng con vật ấy vẫn là hiện thân của tinh thần, tư tưởng của người cầm bút, trước hết là gửi gắm kỳ vọng năm mới”.
Tranh con giáp trở lại
Từ lâu, mỗi độ xuân về, việc mua tranh, chơi tranh ngày Tết đã trở thành một truyền thống đẹp của người Việt nhưng chủ yếu là tranh của các làng nghề. Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, truyền thống vẽ tranh con giáp của các họa sĩ hiện đại không có sớm. Tác phẩm của họa sĩ thời Đông Dương không có quá nhiều tranh vẽ con vật và cũng không có họa sĩ nào vẽ tranh con giáp một cách hệ thống. Tuy nhiên, từ sau năm 1954 bắt đầu xuất hiện lác đác một vài họa sĩ vẽ con giáp trên bưu thiếp chúc Tết, chủ yếu gửi cho anh em bạn bè. Tiếp đến, các báo ra mùa xuân cũng đưa tranh Tết kèm hình ảnh con giáp vào trang bìa.
Một trong số ít người giữ nếp vẽ tranh con giáp đều đặn hàng năm là Bùi Xuân Phái. Nhiều khi ông vẽ trên vỏ bao thuốc lá, trên phong bì hay tờ lịch tường, có lúc còn dùng ngay tờ vàng mã để vẽ lên trông rất dân gian… Người ý thức rõ ràng về vẽ con giáp phải kể đến Nguyễn Tư Nghiêm. Ông không vẽ chơi mà đi sâu vào tác phẩm với sự phân chia tỉ mỉ theo thập nhị can, thập nhị chi, ngũ hành… Có năm, ông đi trước cả một series hoặc vẽ tổng hợp tất cả các con vật vào một tranh, cho nên có thể nói trong giới, ông là họa sĩ theo đuổi đề tài này quy mô nhất.
Bẵng đi một thời gian, nhiều họa sĩ đương đại bắt đầu theo gương các tiền bối, quay về đề tài vẽ tranh con giáp mừng xuân. Nhiều người nhận định rằng, triển lãm tranh Tết nếu tiếp tục duy trì có thể trở thành hoạt động thường niên, có sức khơi dậy thú vui tao nhã “ăn Tết, chơi tranh” của ông cha xưa. Sự nghiêm túc đầu tư cho các tác phẩm, sự đa dạng phương thức biểu đạt nghệ thuật của các họa sĩ dường như đã cho thấy điều đó. Theo họa sĩ Thành Chương, việc các họa sĩ giữ phong cách của mình, để chất dân gian truyền thống hòa vào sự sáng tạo tìm tòi tạo nên mảng tranh nghệ thuật về đề tài con giáp là một đóng góp lớn cho nền mỹ thuật. “Vẽ tranh con giáp giờ đây không phải là sự nuối tiếc quá khứ và tìm cách phục hồi truyền thống cũ mà thực sự trở thành nhu cầu sáng tác, là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của anh em trong giới mỹ thuật mỗi độ xuân về. Bởi vậy nhìn vào đó, chúng ta còn thấy được sự phát triển của hội họa Việt Nam”.
Theo Thái Minh - ĐBND