Tạp chí Sông Hương -
“Người bình thường” của một nhà văn đặc biệt
09:37 | 17/01/2019

Normal People (tạm dịch: Người bình thường) là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn người Ireland - Sally Rooney, xuất bản tháng 9/2018 đã nhanh chóng gây tiếng vang và được ghi nhận về chuyên môn.

“Người bình thường” của một nhà văn đặc biệt
Nhà văn Sally Rooney và cuốn tiểu thuyết "Normal People"

Tiểu thuyết đầu tay trước đó Conversations with Friends (tạm dịch: Chuyện trò với những người bạn) giúp nhà văn sinh năm 1991 tạo được nhiều chú ý khi giành Giải thưởng Dylan Thomas và Giải thưởng Folio 2018. Thật khó tưởng tượng một cuốn sách thâm trầm và gợi ra nhiều liên tưởng, sự sợ hãi lại đến từ một tác giả mới 26 tuổi.

Phát huy những thế mạnh của mình, cuốn tiểu thuyết thứ hai Noremal People của cô tiếp tục được đông đảo độc giả đón nhận khi luôn nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất tại nhiều nước và là cuốn sách bán chạy nhất tại Ireland.

Không những vậy, cuốn sách được ghi nhận về mặt chuyên môn khi nằm trong danh sách cạnh tranh những giải thưởng văn học uy tín thế giới: tháng 7/2018 lọt danh sách đề cử giải Man Booker, tháng 11/2018 đoạt danh hiệu “Tiểu thuyết Ireland của năm” tại Giải thưởng Sách Ireland và “Tiểu thuyết hay nhất” tại Giải Sách Costa vào tháng 1/2019.

Điều gì đã tạo nên sức hút và thành công vang dội đến thế cho một tác phẩm của một nhà văn mới vào nghề?

Người bình thường là cuốn sách được viết từ một nhà văn đặc biệt, viết nên câu chuyện đặc biệt: câu chuyện tình yêu trong bối cảnh xã hội suy thoái ở Ireland.

Tác giả đã tạo ra âm hưởng và giọng điệu riêng cho tiểu thuyết của mình bằng những xúc cảm chân thành, rộng rãi và hào phóng từ hai nhân vật chính là Marianne và Connell.

Họ là bạn học cùng lớp cấp hai, là những thiếu niên thông minh, nhạy cảm, vụng về. Ngày đầu, Marianne mới là cô bé 16 tuổi, xinh đẹp, thông minh, con nhà giàu, sống trong ngôi biệt thự màu trắng. Trên lớp, cô là người sống khép kín, thích đọc Proust trong căng tin. Còn Connell là chàng trai gần gũi, cởi mở nhưng ở anh còn có một cuộc sống khác, những điều anh chưa từng kể với bạn bè.

Connell không có một gia đình hoàn hảo. Không có cha và tuổi thơ thì thiếu thốn. Mẹ đơn thân của Connell là Lorraine là người làm thuê, dọn dẹp cho gia đình Marianne và Connell thường đón mẹ mình sau khi bà làm việc xong. Mối duyên kì lạ giữa Marianne và Connell khiến họ gắn bó với nhau hơn.

Connell không nghĩ Marianne thích mình, nhưng cậu dường như nhận thấy ở họ có một mối liên hệ đặc biệt khi họ trao nhau ánh nhìn và nụ cười ngượng ngùng mỗi lúc đối diện nhau. Họ hình thành thói quen khi tan học: Marianne thường tới nhà Connell và hai người làm tình với nhau. Còn khi tới trường, họ lại như không quen biết. Đó là một mối quan hệ đầy do dự, bí mật, không thể giãi bày.

Sự khác biệt trong tính cách và hoàn cảnh khiến họ gần và cũng đẩy họ xa nhau. Chỉ tới khi cả hai cùng nỗ lực thi đỗ vào Đại học Trinity ở Dublin và gặp lại nhau thì họ mới đủ dũng khí đối mặt, đấu tranh với những nỗi đau khổ của chia ly và tan vỡ, giữa ranh giới của tình bạn, tình yêu. Phải mất rất nhiều năm họ mới nhận ra đó là tình yêu không thể đánh mất và đấu tranh giành lại nó.

Tiểu thuyết có cấu trúc đơn giản theo trật tự tuyến tính song điều đặc biệt nhất của tiểu thuyết là sự táo bạo, đi sâu vào những góc tối của tâm lý.

Sally Rooney viết về nỗi thống khổ của nhân vật như không ai có thể. Cô lần theo dấu vết tâm lí của hai nhân vật, sự rối loạn cảm xúc và ham muốn xác thịt của Connell, sự trưởng thành trong tâm lí của Marianne. Cả hai đã bước qua những dịu dàng và giằng xé, những đẹp đẽ và tội lỗi, những hoài nghi và công nhận để sống đến tận cùng bản thể.

Người bình thường miêu tả trạng thái bấp bênh của cá nhân dù ở lĩnh vực nào. Thông qua nhân vật, mỗi người đọc đều trăn trở và ngẫm suy về bản thân và thời đại mình sống.

Theo Ngọc Hiên - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng