Hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày sinh của GS.NGND Lê Trí Viễn (10/3/1919 - 10/3/2019), sáng ngày 21/01/2019 tại Hà Nội, Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội đã tiến hành tổ chức toạ đàm khoa học: “Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn - cuộc đời và sự nghiệp”.
GS.NGND Lê Trí Viễn là một nhà nghiên cứu đi tiên phong vận dụng quan điểm mác-xít trong nghiên cứu và đã đóng góp cho lĩnh vực văn học Việt Nam hơn 40 công trình khoa học giá trị. Ông tốt nghiệp trường sư phạm cấp 1 vào năm 1939 sau đó dạy tiểu học trong 5 năm. Năm 1945, ông thi đỗ tú tài triết học và chuyển sang dạy ở trường trung học phổ thông và chuyên khoa ở trường Khải Định (Huế). Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp đồng thời giảng dạy tại trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh), rồi làm hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Khiết (Quảng Ngãi). Từ năm 1963 đến 1978, ông làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn của trường ĐHSP Hà Nội. Từ năm 1978, ông dạy tại trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1992. Cũng năm 1992, ông cùng nhà giáo Nguyễn Ngọc Phấn sáng lập ra trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Khuyến, sau này đổi tên thành trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến ở thành phố Hồ Chí Minh.
GS.NGND Lê Trí Viễn đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn năm 2012; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
32 tham luận của các giáo sư, nhà giáo và các thế hệ học trò gửi về toạ đàm đã tập trung vào những điểm chính trong cuộc đời và sự nghiệp của GS.NGND Lê Trí Viễn. Trong khuôn khổ 1 buổi toạ đàm, cử toạ đã được nghe những báo cáo tham luận tiêu biểu của GS.NGND Nguyễn Đình Chú, GS.TSKH Bùi Văn Ba (Phương Lựu), GS.TS.NGND Trần Đình Sử, PGS.TS La Khắc Hoà… và đại diện các thế hệ đồng nghiệp, học trò của GS.NGND Lê Trí Viễn.
GS.TS.NGND Trần Đình Sử đánh giá rất cao vị trí, vai trò của GS.NGND Lê Trí Viễn trong lĩnh vực khái luận về văn học sử: “Lê Trí Viễn là giáo sư đầu ngành, đại thụ uyên bác, năng sản và rất mực tinh tế của chuyên ngành văn học Việt Nam cổ điển. Ông giỏi tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, chủ biên giáo trình đại học về Hán Nôm, có quá trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hơn nửa thế kỉ. Tính từ năm 1951, ông đã có 6 công trình viết về lịch sử văn học Việt Nam. Ngoài viết lịch sử văn học ông rất thích bình giảng thơ văn, nhất là thơ, đã công bố 5 tập bình giảng văn học, nổi tiếng về sự tinh tế. Thông thường các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thiên về miêu tả các hiện tượng văn học cụ thể, chỉ quan tâm đến trình bày các giai đoạn văn học, bình luận các tác gia và tác phẩm cụ thể của giai đoạn ấy hoặc của tất cả các giai đoạn của nền văn học dân tộc; rất ít người quan tâm đến vấn đề đặc điểm, quy luật nội tại của nền văn học như là một chỉnh thể bằng một cái nhìn nghiêng, xuyên giai đoạn và vượt lên trên tác giả, tác phẩm, giai đoạn cụ thể. Việc quan tâm đến các vấn đề như giao lưu văn học, hệ tư tưởng của văn học, ngôn ngữ văn học, thẩm mĩ của văn học, sự tiếp biến, đổi mới, hiện đại hoá văn học trong các công trình của GS Lê Trí Viễn đã làm, phải coi là một hướng nghiên cứu văn học quan trọng và có ý nghĩa đột phá đối với thể thức văn học sử đã định hình rất rắn chắc, cơ hồ tưởng đó là duy nhất. Những vấn đề khái luận của một nền văn học là những chủ đề rất khó viết, nó đòi hỏi phải có cái nền nghiên cứu cơ bản rất vững chắc mới có thể làm được. Trong điều kiện cái nền ấy còn rất mỏng thì phải có những cây đại bút, được trang bị một vốn văn học uyên thâm mới có thể đề cập được ít nhiều. Cho đến nay GS Lê Trí Viễn vẫn là người tiên phong trong lĩnh vực khái luận về văn học sử này”.
PGS.TS La Khắc Hoà lại tâm đắc, thích thú, “mê” những bài giảng/bình văn của GS.NGND Lê Trí Viễn: “Từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, khi còn là sinh viên ĐHSP Vinh, tôi đã rất mê những bài giảng văn của GS Lê Trí Viễn. Hồi ấy, trong tâm trí của đám sinh viên như tôi, các thầy Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn… thực sự là những nhân vật huyền thoại. Tôi mê những bài giảng văn của GS Lê Trí Viễn trước hết vì tìm thấy ở đó tình yêu lớn lao của ông đối với công việc này. Trong suốt cuộc đời dạy học và nghiên cứu trên sáu mươi năm, ông viết nhiều sách về lịch sử văn học, như Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (viết chung, 3 tập, 1958), Lịch sử văn học Việt Nam (viết chung, 6 tập, 1962 - 1963), Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam (1987) và Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996)… Cùng với sách lịch sử văn học, GS Lê Trí Viễn viết hàng loạt sách bình văn. Không mấy ai dạy văn ở Việt Nam mà không có trong tay các cuốn sách tuyệt vời của ông: Những bài giảng văn ở đại học (2 tập, 1982 và 1988); Tìm hương trong văn Hồ Chí Minh(1986), Bình thơ xuân (1986), Đến với thơ hay (1997), Những bài giảng văn chọn lọc (in lần thứ hai, 1999)… Có thể thấy, khái quát lịch sử và giảng văn là tình yêu và niềm đam mê lớn lao suốt đời của GS Lê Trí Viễn. Những trang viết của ông mê hoặc nhiều nhà nghiên cứu, bao thế hệ thầy - trò trong nhà trường và độc giả yêu văn chương bởi cách bình văn kĩ lưỡng, sâu sắc và rất mực tinh tế của một nhà giáo, một học giả uyên bác, một nghệ sĩ tài hoa. Tôi không thấy một ai cùng thời với GS Lê Trí Viễn có khả năng để lại cho đời những bài bình văn kĩ lưỡng, tinh tế, tài hoa giống như những trang bình văn của ông. Tôi cũng chưa thấy một ai sau ông có thể bình văn giống ông. Những bài giảng văn của ông là kết tinh rực rỡ nhất trong cách giảng văn của một thời đại mà các thế hệ sau chỉ có thể chiêm ngưỡng”.
PGS.TS Đỗ Hải Phong (Trưởng khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, Trưởng ban tổ chức toạ đàm) đưa ra nhận định chung về cuộc đời và sự nghiệp của GS.NGND Lê Trí Viễn cũng như sức ảnh hưởng của ông đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội: “Cuộc đời và sự nghiệp của GS.NGND Lê Trí Viễn là một tấm gương phấn đấu hết mình vì khoa học, vì văn chương, vì sự nghiệp giáo dục. Đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội, GS Lê Trí Viễn không chỉ là người lãnh đạo Khoa trong thời gian dài nhất, là một trong những bậc sư biểu danh tiếng nhất Khoa, mà còn là một tấm gương ngời sáng về nghĩa tình sâu nặng, tấm gương của người luôn đau đáu cho những thế hệ tương lai của Khoa. Hàng năm vào dịp kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội vẫn trao giải thưởng cho sinh viên nghèo vượt khó - Giải thưởng Lê Trí Viễn, tiền thưởng được trích ra từ Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ của thầy, theo lời dặn dò của thầy trước lúc đi xa”.
Theo Hiếu Thị - VNQĐ